Vụ VN Pharma: Cục Quản lý Dược có vô can?


“Nếu các cán bộ Cục Quản lý Dược làm việc hết trách nhiệm thì chắc chắn VN Pharma không được cấp phép nhập khẩu 9.300 hộp thuốc H-Capita”, luật sư Phùng Thanh Sơn nhận định.


Bị cáo Nguyễn Minh Hùng tại phiên phúc thẩm. Ảnh: Tùng Tin.


êu quan điểm về một số vấn đề chưa được làm rõ trong vụ VN Pharma như kiến nghị của VKSND Cấp cao trước đó, các chuyên gia pháp lý cho rằng cần phải xem xét trách nhiệm của Cục Quản lý Dược cũng như tội danh của các bị cáo và số tiền “hoa hồng” 7,5 tỷ đồng.

Ít nhất là tội thiếu trách nhiệm

Trao đổi với Zing.vn về trách nhiệm của Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế trong vụ án “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức và buôn lậu xảy ra tại Công ty Cổ phần VN Pharma”, luật sư (LS) Phùng Thanh Sơn (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận định: “Ít nhất các cán bộ tại Cục Quản Lý Dược phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 285 BLHS”.



Luật sư Phùng Thanh Sơn. Ảnh: LS cung cấp.

Luật sư chỉ ra việc bản cáo trạng nêu rõ “các cán bộ thuộc Cục Quản lý Dược Bộ Y tế không phát hiện công ty Austin hết hạn giấy phép hoạt động về thuốc tại Việt Nam, nội dung hồ sơ kỹ thuật có những điểm không thống nhất giữa giấy chứng nhận bán hàng tự do (FSC) và tiêu chuẩn, phương pháp kiểm nghiệm”.

Luật sư Sơn đặc biệt nhấn mạnh rằng nếu các cán bộ này làm việc hết trách nhiệm thì chắc chắn những sai sót trên phải được phát hiện và VN Pharma không được cấp phép nhập khẩu lô thuốc này.
Ít nhất, cán bộ Cục Quản lý Dược phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng
Luật sư Phùng Thanh Sơn
“Trong quá trình điều tra nếu chứng minh được các cán bộ Cục Quản lý Dược biết rõ đây là thuốc giả, không đúng với hồ sơ đăng ký nhưng vẫn cố tình cấp phép nhập khẩu lô thuốc nói trên thì có thể bị truy cứu trách nhiệm về tội buôn bán hàng giả với vai trò là đồng phạm giúp sức”, luật sư Sơn phân tích.
“Trong trường hợp những cán bộ này nhận tiền hoặc lợi ích vật chất khác để ‘bật đèn xanh’ cho các sai phạm hoặc bỏ qua các yêu cầu luật định cho VN Pharma để cấp phép nhập khẩu lô thuốc thì cần phải truy cứu những cán bộ này về tội Nhận hối lộ”, luật sư phân tích thêm.

Tội danh Buôn lậu không đúng bản chất

Luật sư Trần Bá Học (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng việc xét xử các bị cáo với tội danh Buôn lậu là chưa thật sự chuẩn xác về mặt định tội danh.
Bởi lẽ, buôn lậu thì hàng hóa (đối tượng mua bán) vẫn là thật nhưng không khai báo hoặc khai báo không đúng khi xuất, nhập khẩu qua biên giới. Còn hàng giả phải hiểu ngay từ ban đầu khi xuất, nhập khẩu người phạm tội đã biết đó là hàng giả. Có nghĩa là hàng đó giả về chất lượng hoặc công dụng; hoặc giả về nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, nguồn gốc, xuất xứ.
Mặc dù kết luận giám định của Hội đồng giám định Bộ Y tế không kết luận trực tiếp lô thuốc H-Capita 500 mg Caplet là thuốc giả, mà chỉ thừa nhận gián tiếp rằng “lô thuốc H-Capita 500mg Caplet là thuốc kém chất lượng, không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người”, qua đó cũng cho thấy lô thuốc này có vấn đề về dược chất, số lượng cũng như hàm lượng dược chất.
Tại phiên tòa bị cáo Nguyễn Minh Hùng (nguyên Tổng giám đốc Công ty Cổ phần VN Pharma) khai: “Công ty chỉnh sửa hồ sơ kỹ thuật của mọi loại thuốc. Việc chỉnh sửa nhằm đạt yêu cầu mà công ty mong muốn, làm tiêu chuẩn cho các lần nhập khẩu thuốc khác”. Điều này cũng cho thấy các loại dược chất, hàm lượng dược chất của lô thuốc H-Capita 500 mg Caplet so với hồ sơ kỹ thuật đăng ký là có sự khác biệt. Và việc này bị cáo Hùng biết rất rõ.
“Như vậy, căn cứ Luật Dược 2005 và Nghị định 185/2013/NĐ-CP chúng ta hoàn toàn có thể khẳng định lô thuốc H-Capita 500 mg Caplet là thuốc giả. Thuốc giả ở đây có thể là giả so với thành phần, số lượng, hàm lượng dược chất, xuất xứ ghi trên bao bì hoặc so với hồ sơ kỹ thuật đã đăng ký”, luật sư Sơn nhận định.
Ông Sơn còn phân tích thêm, nếu xét về ý thức chủ quan, bị cáo Hùng biết rõ việc này nên việc truy cứu bị cáo Hùng về tội danh Buôn lậu trong trường này là không đúng bản chất vụ án, mà phải truy cứu bị cáo Hùng về “Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh theo Điều 157 BLHS”.
Khách thể mà pháp luật cần bảo vệ trong trường hợp này là tính mạng, sức khỏe con người chứ không phải là trật tự quản lý kinh tế. Và sự thật là như vậy, nếu lô thuốc H-Capita 500mg này đảm bảo chất lượng thì liệu có vụ án này hay không? Câu trả lời sẽ là không vì họ đã có đầy đủ các giấy phép để đưa lô thuốc này vào Việt Nam đúng trình tự thủ tục luật định.
Phải làm rõ 7,5 tỷ đồng tiền “hoa hồng”

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, luật sư Sơn cho rằng vì số tiền 7,5 tỷ đồng lớn hơn cả giá trị lô thuốc (5 tỷ đồng) nên không thể là tiền “hoa hồng” theo đúng nghĩa trong kinh doanh.
“Theo tôi cần phải làm rõ số tiền này để xem thực chất nó là tiền hoa hồng trong kinh doanh hay là tiền bôi trơn, đưa hối lộ”, ông Sơn cho biết.
Đồng quan điểm trên, LS Trần Bá Học nhận định dù dưới bất kỳ góc độ nào thì các bác sĩ hay những người có chức vụ tại các bệnh viện nhận tiền chi “hoa hồng” đều vi phạm. Có thể là vi phạm về y đức hoặc thậm chí nặng hơn có thể vi phạm hình sự (tùy theo hành vi) với một số tội danh tương ứng như Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Lạm quyền trong khi thi hành công vụ, Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi…

Nếu bản chất số tiền chi “hoa hồng” đó là tiền để bôi trơn, đưa hối lộ thì nó sẽ được xem là tang vật của vụ án và cần phải tuyên tịch thu xung công. Nếu số tiền đó đơn thuần là tiền hoa hồng đúng nghĩa (kể cả vượt tỷ lệ hoa hồng luật định) thì không được xem là tang vật và không bị tịch thu xung công.
“Có chăng, trong trường hợp này, tỷ lệ “hoa hồng” vượt mức cho phép sẽ không được cơ quan thuế xem là chi phí hợp lý và VN Pharma phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp cho phần chi vượt này”, luật sư Sơn phân tích.
Tuy nhiên, tại ngày xử đầu tiên của phiên phúc thẩm vào hôm qua 19/10, các bị cáo phản cung ở phiên tòa sơ thẩm, trong đó, bị cáo Nguyễn Minh Hùng phủ nhận, cho rằng VN Pharma hoàn toàn không có việc “chi hoa hồng cho các bác sĩ, bệnh viện”.
Trong khi đó, bị cáo Ngô Anh Quốc (nguyên Phó tổng giám đốc VN Pharma) đã giao nộp cho cơ quan điều tra một số giấy biên nhận chi tiền cho nhân viên phòng bán hàng để chi phí cho bác sĩ các bệnh viện mà VN Pharma cung cấp thuốc. Với những mâu thuẫn trong lời khai, chứng cứ về số tiền 7,5 tỷ đồng, HĐXX cần làm rõ trong phiên xử phúc thẩm lần này.


Zing.vn
20/10/2017