Câu chuyện cuộc sống: Đơn từ chức của thầy hiệu trưởng



Người xưa có câu: “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, tức là mỗi khi gặp thất bại, trước tiên hãy tự xem lại mình trước khi đổ tội cho người khác. Nhất định phải nhận thức được sai lầm của bản thân, mới không giẫm lên vết xe đổ.



Câu chuyện từ chức của một hiệu trưởng khiến người ta phải suy ngẫm. (Ảnh: Tuoitre)

Tôi là giáo viên cấp III một trường thuộc tỉnh Thanh Hóa. Tôi vẫn nhớ như in cách đây gần 20 năm câu chuyện về thầy hiệu trưởng trường tôi xin từ chức.

Đối với một người đang ở vị trí ấy, từ bỏ chiếc ghế quả không dễ dàng gì. Bản thân đội ngũ giáo viên ngày đó cũng khá sốc. Cũng có những lời dị nghị, những câu hỏi đặt ra tại sao thầy từ chức, có đáng để từ chức không? Nhưng thầy đã cho tôi một suy nghĩ khác…

Câu chuyện bắt đầu từ một sáng thứ hai đầu tuần, trong lễ chào cờ, thầy đã nêu tên những em học sinh đánh nhau trước toàn thể nhà trường. Để rồi sau đó, một em trong nhóm đánh nhau đã bỏ học và trốn gia đình vào miền Nam.

Chuyện đó khiến thầy bị sốc và day dứt mãi. Ngay sau đó, thầy xin từ chức hiệu trưởng. Thầy thú nhận: “Trong quãng thời gian đứng trên bục giảng và quản lý, một phút sơ sẩy, sai lầm tôi đã phải trả giá…”.

Nhớ lại ngày đó, không ít người bàn tán rằng thầy quá cứng nhắc và dại, chuyện học sinh bỏ học đâu đến mức khiến thầy hiệu trưởng xin từ chức. Rằng bản chất học sinh đó vốn cá biệt, ăn chơi, phá bĩnh, chứ không phải chỉ vì lần đó đánh nhau rồi bị nhà trường “bêu” trước trường mới bỏ học. Nhưng thầy luôn nhận trách nhiệm về mình.



Làm một người đứng đầu nhà trường, ngoài trách nhiệm còn phải có tình yêu với học trò. Đó là văn hóa của người thầy. (Ảnh: Phununews)

Thầy cho rằng hành động của mình chưa đúng mực, là phản giáo dục, là làm nhục học sinh… Và vì thế thầy cảm thấy không tự tin, không xứng đáng ngồi ở vị trí hiệu trưởng nhà trường nữa.

Có lần thầy nói nếu mình làm sai gì, mình phải nhìn nhận, đối diện với cái sai và rút kinh nghiệm. Có những cái sai khiến người thầy khó gột sạch. Việc từ chức, hay nói đơn giản là xin nghỉ chức vụ nào đó, không có gì to tát cả. Làm một người đứng đầu nhà trường, ngoài trách nhiệm còn phải có tình yêu với học trò. Đó là văn hóa của người thầy.

Khi rời ghế hiệu trưởng, nhiều người nghĩ đó không phải là điều dễ dàng. Nhưng với thầy rất nhẹ nhàng. Thầy quan niệm người thầy không quan trọng mình đang ngồi ở đâu, quan trọng nhất là mình dạy gì và mang lại gì cho học trò?

Sau đó, thầy xin chuyển trường. Trước khi đi, thầy có tâm sự với tôi: “Là một người thầy, để học trò nghỉ học hoặc đuổi học là một bước lùi, là phản giáo dục”.

Khi không làm tròn trách nhiệm của mình, mình phải tự nguyện từ chức. Bởi người thầy nên có lòng tự trọng. Là hiệu trưởng càng phải có lòng tự trọng lớn hơn.

Tôi ghi nhớ mãi lời thầy…

Giờ đây, dù đã nghỉ hưu nhưng thầy vẫn mở lớp dạy học miễn phí cho trẻ em khó khăn. Và câu chuyện về việc học sinh bỏ học ngày nào vẫn còn ám ảnh thầy.

Tôi hiểu nhân cách con người trong thầy lớn lắm…

Tuệ Tâm (st)