Hình ảnh đốt nhà dân trong phim The Vietnam war


Phim The Vietnam War chiếu cảnh lính thực dân Pháp đốt nhà dân chúng, cướp phá, hãm hiếp phụ nữ; xong rồi cũng chiếu cảnh lính Mỹ và lính VNCH đốt nhà dân chúng với lời thuyết minh rằng quân Mỹ không học được bài học của lính Pháp…! Đây là thủ thuật bịa đặt của những người làm phim; sự thực người lính Mỹ không đời nào làm chuyện đó, còn lính VNCH thì thừa biết người dân là thân nhân của họ. Kể cả những du kích quân Cọng sản ở trên rừng.

Trong xâu xa tận đáy lòng, người dân quê Việt Nam luôn cho rằng những người trốn trên rừng là những người hành động vì đạo nghĩa. Nhà nào, dòng họ nào cũng có con em tham gia phong trào kháng chiến từ đời này truyền sang đời kia và họ không thể nào phản lại để tiêu diệt con em của mình …

Bộ đội tập kết trở về

*( Trích sách “Bối Cảnh Lịch Sử Chính Trị Việt Nam” của Bùi Anh Trinh )

Thi hành Hiệp định Genève 1954, 20 ngàn bộ đội Việt Minh tại Nam Bộ tập kết ra Bắc. Trong khi đó có một số đảng viên Cọn sản đựơc gài lại để chuẩn bị hoạt động chính trị trong năm 1957 để hiệp thương hai miền Nam-Bắc. Tuy nhiên cho tới ngày 27 tháng 7 năm 1957 chính phủ Miền Nam tuyên bố khi nào Chính phủ Miền Bắc chấm dứt khủng bố, phá hoại, và thực thi dân chủ tự do; khi đó mới có thể tổng tuyển cử và thống nhất đất nước.

Sang năm 1957, bộ đội CS Miền Nam tập kết ra Bắc bắt đầu nổi loạn đòi về Miền Nam. Họ chịu không nổi chế độ Cọn sản khắc nghiệt của ĐCSVN; nó trái với tâm hồn tự do phóng khoáng của người Miền Nam. Rồi để tránh tâm lý nổi loạn, nhà cầm quyền Hà Nội phải tồ chức những chuyến ghe bầu cho hồi kết những bộ đội nào muốn trở về Nam nhưng không cấp súng ( Hồi ký của ông trùm Cọng sản Nguyễn Văn Trấn ).

Những người này sống lẫn lút tại các vùng quê ven rừng núi, dưới sự đùm bọc của thân nhân của họ, và của những cơ sở CS được cài lại sau 1954. Họ buộc lòng phải khủng bố những viên chức chính quyền xã ấp để bịt miệng những ai có thể điềm chỉ họ.

Từ tháng 8 năm 1957 đến tháng 12 năm 1959 có 8.400 vụ chặt đầu mổ bụng các viên chức xã ấp ở nông thôn ( Nguyễn Kỳ Phong, Vũng Lầy Của Tòa Bạch Ốc, trang 140, lấy từ tài liệu của Bernard Fall ). Hầu hết các toán khủng bố ra tay vào ban đêm, họ có mang theo súng nhưng không dùng súng, chỉ dùng mã tấu. Họ vào nhà các viên chức xã ấp rồi dơ súng ra dọa, bắt đi theo họ. Ra tới khỏi ấp thì họ chặt đầu viên chức đó và cài bản án lên trên ngực nạn nhân.

Trong khi đó các viên chức xã ấp hoàn toàn không có lực lượng bảo vệ và không có vũ khí tự vệ. Tổng thống Diệm đề nghị phía Mỹ trang bị vũ khí cho các viên chức xã ấp và tổ chức phòng thủ xã ấp. Nhưng phía Mỹ không tin tưởng vào dân chúng thôn quê VN, họ sợ dân chúng sẽ dùng súng đó mà tổ chức kháng chiến chống Mỹ.

Quốc sách Ấp chiến lược

Rồi để đối phó với nạn chặt đầu mổ bụng, Tổng thống Kennedy mời Quận công Robert Thompson của Vương Quốc Anh cùng một phái đoàn chuyên viên chống du kích sang tham vấn cho chính quyền Ngô Đình Diệm. Robert Thompson là chuyên gia số một về chống du kích chiến của thế gới, ông nổi tiếng với chiến thuật “Ấp Chiến Đấu”, diệt sạch quân du kích Cọng sản Mã Lai.

Phái đoàn Thompson đến Sài Gòn vào tháng Giêng năm 1962. Hà Nội phản đối sự hiện diện của phái đoàn Thompson, cho là trái với tinh thần Hiệp định Geneve. Ngày 19-2-1962 Bộ ngoại giao Vương Quốc Anh ra thông báo giải thích phái đoàn Thompson không trái với Hiệp định Geneve, vì chỉ giúp VNCH về hành chánh và nội an.

Ngày 3-2-1962 ông Ngô Đình nhu cho thành lập Ủy ban Trung ương đặc trách Ấp chiến lược. CIA chuyển tài liệu về “Ấp Chiến Đấu” của Robert Thompson và tài liệu “Thôn Trang Chiến Đấu” của Quốc Dân Đảng Đài Loan cho Giám đốc Sở Nghiên Cứu Chính Trị của Việt Nam là ông Trần Kim Tuyến.

Sở dĩ CIA chuyển giao tài liệu cho ông Trần Kim Tuyến vì Việt Nam không có một cơ quan nào của chính phủ chuyên nghiên cứu chính trị ngoại trừ cái tên Sở Nghiên Cứu Chính Trị của ông Trần Kim Tuyến. Nhưng thực chất Sở Nghiên Cứu Chính Trị của ông Tuyến chỉ là một phiên bản của cơ quan CIA, tức là một cơ quan tình báo, chỉ theo dõi các sinh hoạt chính trị trong và ngoài nước chứ không có nhiệm vụ lập thuyết chính trị.

Người có nhiệm vụ lập thuyết chính trị cho quốc gia Việt Nam thời đó là ông Cố vấn Ngô Đình Nhu. Nhưng ông chỉ là một cá nhân chứ không phải là một cơ quan để tiếp nhận một số tài liệu khổng lồ cho nên mọi thứ được chuyển cho ông Trần Kim Tuyến. Hơn nữa cơ quan của ông Tuyến lại nằm trong khuôn viên của dinh Tổng thống cho nên tài liệu được gởi tới dinh Tổng thống cốt cho ông Ngô Đình Nhu sử dụng để soạn ra quốc sách Ấp chiến lược.

Sau khi đọc các tài liệu về ấp chiến đấu của Mã Lai và thôn trang chiến đấu của Đài Loan, ông Trần Kim Tuyến thường xuyên bàn bạc với ông Nhu nên được ông Nhu giao luôn nhiệm vụ lập ra một mô hình chiến đấu áp dụng cho nông thôn Việt Nam, gọi là “Ấp Chiến Lược”.

Ấp chiến lược của VNCH mô phỏng theo mô hình “Ấp chiến đấu” của Robert Thompson. Chiến thuật rào làng của Thompson tại Mã Lai nhằm ngăn chận sự tiếp tế lương thực cho các nhóm du kích ở trên rừng. Nhưng thực tế địa hình ở Việt Nam không thể rào làng như Mã Lai vì người Mã Lai sống quây quần lại như là buôn làng của người miền núi Việt Nam, trong khi thôn quê Việt Nam sống rải rác, riêng vùng giáp rừng thì nhà này muốn báo tin cho nhà kia phải hú lên hoặc gỏ kẻng làm hiệu mới biết được thì lấy ai mà rào làng cho hết.

Cho nên mới phải gom dân vào trong một khu chỉ có nhà ở chứ không có ruộng rẫy, gọi là Ấp chiến lược, cách ly hẳn với quân du kích trên rừng, không còn tiếp tế, không còn thông tin. Mỗi sáng họ ra khỏi cổng ấp và ra đồng làm việc, đến chiều mới về vì ruộng của họ cách xa ấp, họ không thể đem theo người lạ về hoặc không thể khiêng gánh lương thực ra khỏi ấp. Điều này khiến cho người dân cảm thấy mất tự do, tù túng . Bên cạnh đó luôn thấy sự có mặt của cố vấn Mỹ trong mỗi lần gom dân cho nên họ xoay ra căm thù Mỹ sâu sắc.

Ngoài ra những người nhận lệnh đi rào làng lại chính là những người tiếp tế cho con em họ ở trên rừng. Họ sẽ rào một dãy dài nhưng thế nào họ cũng sẽ chừa một ngóc ngách nào đó cho con em họ có lối mà về lấy lương thực. Cùng lắm thì họ cũng có thể đào địa đạo xuyên qua hàng rào một cách dễ dàng.

Rồi trớ trêu hơn nữa là đến mùa lúa chín, họ chưa kịp gặt thì ban đêm quân du kích CSVN từ trên rừng xuống gặt lúa và ung dung mang về mật khu làm lương thực bởi vì giữa đồng ruộng mông mênh cho tới bìa rừng không có ai canh gác cả.

Quân du kích Cọng sản lại đánh đòn tâm lý bằng cách chỉ gặt lúa ở những đám ruộng của những người mà họ không ưa, thí dụ như nhân viên hội đồng xã, ấp trưởng, trưởng đoàn thanh niên, đoàn viên thanh niên Cọng Hòa, đoàn viên Dân vệ, gia đình có chồng con đi lính cho chính quyền, những tay nhà giàu có máu mặt hoặc những ai ưa ra miệng đả kích Cọng sản…

Và rồi thì không có ai bồi thường cho sự mất mát đó, đưa tới hậu quả là dân trong ấp chiến lược không ngu dại gì tỏ ra chống Cộng mặc dầu họ không ưa Cọng sản thật. Tai hại hơn nữa là người này rỉ tai người kia rằng “tội nghiệp mấy ông ở trên rừng, họ tốt lắm, v.v…”

Người dân nói như vậy để may ra tiếng nói của họ được thấu đến tai những người ở trên rừng thì họ sẽ thoát được cảnh đổ mồ hôi ra nuôi heo cho cho ma quỷ ăn. Vô tình quân Cọng sản có được một đội ngũ tuyên truyền không công rất hiệu quả và cũng tự nhiên triệt được mọi thứ tuyên truyền chống Cọng sản trong dư luận quần chúng.

Rốt cuộc, mục tiêu cơ bản của chiến thuật ấp chiến lược là không cho quân du kích vào làng kiếm lương thực, nhưng kết quả là biếu không lương thực của người dân cho quân du kích. Trong khi người dân mất tự do và mất luôn mồ hôi nước mắt. Cho nên không lấy làm lạ về việc ký giả Neil Sheehan nói trong phim là ông ta đi đến đâu cũng thấy ánh mắt căm thù của người dân quê Việt Nam. Ông ta không đủ trí khôn để tìm hiểu tại sao có ánh mắt đó !

Hình ảnh đốt nhà dân

Ngày nay cũng còn lưu lại một số phim ảnh quay cảnh quân đội VNCH cũng như quân đội Mỹ mở cuộc hành quân tại vùng giáp rừng rồi đốt nhà dân. Có rất nhiều nhà viết sử bằng phim ảnh đã cố tình không giải thích hình ảnh này để cho người xem có ấn tượng là quân đội Mỹ đã tàn ác với dân lành, họ đốt nhà cho vui, thỏa mãn thú tính.

Nhưng thực ra đây là chính sách gom dân vào trong vòng rào Ấp Chiến Lược. Những người dân làm ruộng làm rẫy lác đác ven bìa rừng dễ dàng trở thành một trạm quan sát tiền tiêu cũng như một trạm tiếp tế cho quân du kích cho nên chính quyền ra lệnh cho dân cư sống ven bìa rừng phải vào trong ấp chiến lược mà cư ngụ rồi ban ngày mới ra ruộng rẫy mà làm việc, chiều thì về ấp.

Tuy nhiên mỗi ngày phải mất mấy tiếng đồng hồ để đi về như vậy thì người dân không còn thì giờ và sức lực để làm việc, do đó họ cãi lại lệnh gom dân, họ cứ về ấp một hai bữa lại trở ra ruộng rẫy mặc dầu chính quyền ( Cơ quan Nông thôn vụ của Mỹ ) đã bỏ tiền ra cất nhà cho họ và họ cũng đã nhận được tiền bồi thường những thiệt hại phát sinh do phải bỏ đất đai hoặc di chuyển chỗ ở.

Cho nên cứ đâu lại hoàn đấy, người dân vẫn trở lại chỗ cũ; chính quyền buộc phải triệt hạ các căn nhà đó để không thể là chỗ ở cho du kích hoặc là nơi tiếp tế cho du kích. Vì vậy mới có hình ảnh đốt nhà giống như là một hành động tàn nhẫn. Thực ra chủ nhân của những ngôi nhà đó đã nhận được tiền bồi thường rồi hoặc sẽ nhận được bồi thường thỏa đáng tại nơi ở mới và không còn lý do gì để có thể trở lại nơi đó nữa. Không ai dại gì đốt nhà dân để cho dân trở thành kẻ thù không đội trời chung của mình.

BÙI ANH TRINH