Ông Tập: ‘nhà lãnh đạo quyền lực nhất TQ’ sau ông Mao




Đảng Cộng sản Trung Quốc vừa biểu quyết, nhất trí đưa tư tưởng Tập Cận Bình vào điều lệ Đảng, khiến ông trở thành nhà lãnh đạo quyền lực nhất kể từ thời Mao Trạch Đông đến nay.


Ông Tập đã liên tục tăng dần việc siết chặt quyền lực kể từ khi ông trở thành lãnh đạo hồi 2012.

Việc bỏ phiếu với kết quả hoàn toàn nhất trí với việc đưa “Tư tưởng Tập Cận Bình” vào điều lệ Đảng diễn ra vào lúc đại hội Đảng Cộng sản kết thúc.

Hơn 2.000 đại biểu đã về dự kỳ họp chính trị quan trọng nhất nước, được tổ chức tại Bắc Kinh.

Đại hội khai mạc hồi cuối tuần trước với bài diễn văn kéo dài ba tiếng đồng hồ của ông Tập, trong đó ông lần đầu tiên nêu ra ý tưởng của mình, “chủ nghĩa xã hội với đặc tính Trung Quốc trong thời đại mới”.

Các quan chức hàng đầu và truyền thông nhà nước sau đó bắt đầu nhắc đi nhắc lại ý tưởng này, gọi đó là “Tư tưởng Tập Cận Bình”, một chỉ dấu cho thấy ông Tập đã củng cố được ảnh hưởng của mình trong Đảng.

Biên tập viên chuyên về Trung Quốc của BBC, Carrie Gracie nói việc đề cao “Tư tưởng Tập Cận Bình” trong điều lệ Đảng có nghĩa là các đối thủ của ông nay không thể thách thức nhà lãnh đạo quyền lực của Trung Quốc mà không bị coi là vi phạm quy định Đảng.

Một số nhà lãnh đạo trước đây của Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng đã từng được đưa ý tưởng vào Điều lệ Đảng, tuy nhiên trừ Mao Trạch Đông ra thì không có ý tưởng của ai được mô tả là “tư tưởng”, tức là mức cao nhất trong thứ bậc ý thức hệ.

Đáng chú ý, người đứng đầu Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương ông Vương Kỳ Sơn, 69 tuổi, không còn trong Ban Chấp hành Trung ương khóa 19.

Ông Triệu Lạc Tế, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc được bổ sung vào danh sách các thành viên của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương.

Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 18, Phó Chủ tịch nước Trung Quốc Lý Nguyên Triều, 66 tuổi cũng không còn trong Ban Chấp hành Trung ương khóa 19.



Vì sao “Tư tưởng Tập Cận Bình” quan trọng?

Khẩu hiệu mới của Trung Quốc nghe cũng không xuôi tai lắm.

Nhưng từ nay học sinh, sinh viên và công nhân tại các nhà máy quốc doanh sẽ cùng 90 triệu đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc học tập “Tư tưởng Tập Cận Bình” trong thời đại mới của xã hội chủ nghĩa mang đặc thù Trung Quốc.

Cách nói “thời đại mới” là cách đảng cộng sản nói đây là chương thứ ba trong lịch sử hiện đại Trung Quốc.

Nếu như chương đầu là Chủ tịch Mao thống nhất một đất nước bị chiến tranh hủy hoại, chương thứ hai là làm giàu dưới thời Đặng Tiểu Bình, thì thời đại mới còn chú trọng hơn đến đoàn kết và làm giàu, động thời xây dựng Trung Quốc có kỷ cương trong nước và hùng mạnh ở nước ngoài.

Đưa tất cả những ý này dưới cái tên của Tập Cận Bình vào điều lệ Đảng cộng sản có nghĩa là các đối thủ của ông Tập không thể thách thức ông mà không đe dọa sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.

“Tư tưởng Tập Cận Bình”là gì?

Thoạt nhìn qua, “tư tưởng Tập Cận Bình” nghe có vẻ trừu tượng mơ hồ, nhưng thực chất nó mô tả tư tưởng cộng sản mà ông Tập cổ xúy trong suốt thời kỳ ông làm lãnh đạo.


14 nguyên tắc chính của “tư tưởng Tập Cận Bình” nhấn mạnh vai trò của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong việc lãnh đạo mọi khía cạnh của đất nước. Ngoài ra, tư tưởng này còn:

Kêu gọi “cải cách toàn diện và sâu sắc” “các ý tưởng phát triển mới”

Hứa hẹn “chung sống hài hòa giữa con người và thiên nhiên” – đây là lời kêu gọi bảo vệ môi trường tốt hơn, và có thể nói đến mục tiêu đáp ứng phần lớn nhu cầu về năng lượng của Trung Quốc qua các nguồn năng lượng tái tạo.

Nhấn mạnh về “quyền lực tuyệt đối của đảng đối với quân đội nhân dân” – trong bối cảnh các nhà phân tích cho là thay đổi nhân sự lớn nhất trong các quan chức quân đội cao cấp trong lịch sử Trung Quốc hiện đại.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của “một nhà nước hai chế độ” và sự thống nhất tổ quốc – nói đến Hong Kong và Đài Loan.



Theo BBC
October 24, 2017