Tự Do - Vui Vẻ - Tôn Trọng - Bình Đẳng

Upload Hình Ảnh Chữ Trang Trí My Album My Music Tạo Index


Tự Do Tôn Giáo
Thời Sự Chính Trị
Góc Bếp Ngũ Vị
Nhạc Việt Nam
Show Ca Nhạc - Hài

>>Suy Ngẫm: “ * Phân phát hạnh phúc là phương cách duy nhấtt để hưởng thụ hạnh phúc. Người nghĩ đến hạnh phúc là người luôn nghĩ đến con sô "hai".
Lord Byron
Trang 2 / 2 ĐầuĐầu 12
Results 11 to 11 of 11

Chủ Đề: Tiếng Kèn

  1. #1
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,672
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết

    Tiếng Kèn

    Tiếng Kèn

    Nhật Tiến



    MỤC LỤC [−]

    Tiếng Kèn
    Mẹ Tới Giữa Mùa Xuân
    Buổi Sáng Của Bé
    Điểm Hẹn
    Trận Đánh Cuối Cùng Của Một Kẻ Sĩ
    Hai Lần Từ Biệt Cha Già
    Một Thoáng Xuân Về
    Ước Vọng Của Bà Năm
    Chuyến Tầu Ngày Cuối Năm
    Nồi Cháo Thịt
    Chiếc Áo Tây Vàng


    LỜI NHÀ XUẤT BẢN

    Sau hồi ký Những Năm Cai Tạo ở Bắc Việt của Trần Huỳnh Châu, tập thơ Sài Gòn Vĩnh Biệt của Hoàng Ngọc Ấn, tyển truyện Tên Đời của Lôi Tam và tập thơ Tình Thơ Trong Mắt Ngọc của Đặng T. Xuân Mai, nhà xuất bản Văn Học, tiếp tục ấn hành những tác phẩm giá trị của văn chương ngoài nước, rất vui mừng được giới thiệu với bạn đọc ấn phẩm thứ năm: tập truyện ngắn Tiêng Kèn của nhà văn Nhật Tiến.

    Nói đến Nhật Tiến là nói đến một tác giả lớn. Nói đến Nhật Tiến là nói đến một thân thế và một sự nghiệp hàng đầu của văn học Víệt Nam.

    Về tác phẩm, mặc dầu còn rất trẻ, năm nay ông mới 47 tuổi Nhật Tiến đã có tới 16 tác phẩm được in ra ở quê nhà. Công trình sáng tác đầy nặng phong phú này gồm 14 truyện dài và 2 tập truyện ngắn, trong đó có kiệt tác Thềm Hoang, được coi là một trong những tác phẩm chủ yếu của giòng văn chương tiểu thuyết Việt Nam từ 30 trở lại đây, kiệt tác này đã đoạt giải văn chương toàn quốc năm 1961.

    Vê đời sống, nói rõ hơn là về những hoạt động văn học khác mà địa vị và vai trò chỉ đến với một nhà văn đã thành danh, có uy tín và quần chúng. Nhật Tiến, trong một thời gian lâu dài và cho tới mất Miền Nam, đã là Phó Chủ Tịch của Trung Tâm Văn Bút Việt Nam, Giám đốc nhà xuất bản Huyền Trân và chủ bút tuần báo Thiếu Nhi.

    Những điều làm nên phong cách và kích thước đích thực của người viết lớn ở Nhật Tiến không chỉ nằm trong 16 tác

    phẩm của ông đã xuất bản, những thành tích và địa vị văn học đã tạo dựng được của ông trong quá khứ và ở quê nhà. Điều đó còn nhìn thấy, sáng ngời, nơi ý thức và thái độ người chiến sỹ văn hóa ở Nhật Tiến, qua những vận động can trường chống bạo lực và tội ác cuộc đấu tranh dũng cảm cho nhân phẩm và quyền làrn người mới đây của Nhật Tiến sau ngày ông phải cùng gia đình bỏ nước ra đi.

    Tiếng nói nào đã khẩn thiết cất lên ngay từ trại đảo, tố cáo trước công luận và công lý loài người những tội ác tầy trời của hải tặc đối với Việt Nam vượt biển? Đó là tiếng nói của Nhật Tiến.

    Cáo trạng hùng hồn, bạch thư nẩy lửa nào đã được thảo ra bằng tất cả tài năng và sức mạnh tâm hồn của một nhà văn lớn, thống thiết kêu gọi và đòi hỏi can thiệp cho hàng ngàn phụ nử và trẻ thơ ta bị lâm nguy trong vùng vịnh biển Thái lan? Cáo trạng ấy, bạch thư ấy là của Nhật Tiến.

    Động lực nào đưa tới hình thành những ủy ban cứu nguy người vượt biển, những tổ chức quốc tế chống hải tặc, những con tàu cấp cứu tỵ nạn Việt nam? Động lực ấy mang tên là Nhật Tiến.

    ° ° °

    Rời khỏi trại đảo, tới định cư ở Hoa Kỳ từ hai năm nay, con người chiến sỹ ở Nhật Tiến vẫn không ngừng lên tiếng, không ngừng phấn đấu ở bất cứ nơi nào có thảm kịch của Việt Nam tỵ nạn, đồn thời với nguời nhà văn của ông đã tức kắc trở lại bàn viết. Như ông đã vượt tuyến ra đi chính là vì vậy. chỉ để cho sự trở lại này. Như con người lưu vong của ông đã khước từ cái ý niệm lưu vong vẫn chỉ là một với thân thế và hành động của ông ở quê nhà. Như sau nhiều năm sống với cộng sản, trong ông đã là một tích lũy đầy ắp về đổi đời về chuyên chính và giản dị là những tích lũy ấy một khi tới đất liền phải được thể hiện ngay ra. Như tiếng nói của văn chương, hiệu lực của văn chương, Nhật Tiến, trong cảnh ngộ mới của lmột nhà văn tỵ nạn đã nhận thức được đó là phương tiện là vũ khí cuối cùng và đã sử dụng phương tiện ấy, vũ khí ấy tức thời, không chậm trễ.

    Trên tất cả và đúng như lời nhận xét của nhà thơ Đỗ Quý Toàn trong một thư viết cho nhà văn Mai Thảo khi vừa được tin Nhật Tiến và gia đình đã tới Thái lan: (Hắn sẽ viết được nhiều hơn tất cả, vì là người viết có kỷ luật nhất trong bọn chúng ta.)

    Kỷ luật. Kỷ luật sống. Kỷ luật viết. Một kỷ luật, một đời nghiêm cẩn. Đúng vậy, đúng đó là Nhật Tiến. Do đó mà tập truyện ngắn đầu tiên xuất bản ở Hoa kỳ này mà nhà văn đã đặc biệt dành cho Văn Học chắc chắn mới chỉ là một lượm lúa nhỏ trong mùa gặt mới, bát ngát của Nhật Tiến từ hai năm nay đã tới giữa chúng ta và đã đem lại một sinh khí mới của van học Việt nam hải ngoại.

    Nhà xuất bản VĂN HỌC

    TIẾNG KÈN

    Mỗi lần gã xuất hiện ở dầu ngõ là trẻ con trong xóm dù đang mải mê chơi trò gì cũng bỏ dở để bu lại. Gã báo hiệu sự hiện diện của mình bằng một hồi kèn dài:

    - Ò... Ò... Ò.

    Tiếng kèn mang đầy sinh lực như hai buồng phổi của gã. Thân hình gã cao lớn lực lưỡng. Gã có vóc dáng của một tay đô vật nhà nghề. Đôi vai như vai gấu. Hai cánh tay thật dài. Cái bụng nở nang xệ xuống sau lớp áo thung mỏng. Đầu gã hớt cao. Vầng trán rộng và phẳng. Cả khuôn mặt vuông chữ điền của gã như bị nuốt bởi đôi mắt kính đen gắn trên cái gọng đồi mồi giả. Gã mù. Sự mù lòa không tương xứng với vẻ võ biền nên trông gã có vẻ tội nghiệp. Hình như ngày trước gã đã đi lính. Hình như gã đã bị hỏng mắt sau một cuộc hành quân. Hình như vợ gã đã bỏ, để bây giờ gã sống lủi thủi độc một thân mình giữa thành phố chen chúc chật chội này. Lai lịch của gã mù mờ về những dữ kiện "hình như" theo kiểu đó. Nhưng cũng không thấy ai bàn tán gì nhiều, ngoài sự mọi người đều biết có gã hiện điện trên cõi đời này và thỉnh thoảng đôi ba ngày, gã lại xuất hiện ở đầu ngõ với cây kèn trên tay, mở đầu bằng một kiểu cách quen thuộc:

    - Ò... Ò... Ò.

    Sau một hồi thổi thật dài, gã buông cây kèn xuống. Mặt gã hơi ngẩng, gã nhoẻn một nụ cười để lộ hai hàm răng trắng nhởn. Bờ môi của gã nhếch lên. Trông gã vừa có vẻ ngạo nghễ, vừa có vẻ ẩn nhẫn tội nghiệp. Gã thò tay vào túi lần tìm chiếc khăn tay cũ kỹ. Gã lôi ra một cách chậm rãi rồi đưa lên lau những giọt mồ hôi đang chẩy dài từ hai bên thái dương xuống phía cần cổ có những hàng gân nổi lên thành cục. Rồi gã lau tiếp đến cây kèn đồng. Gã nâng niu cây kèn thấy rõ. Bàn tay sần sùi của gã trau chuốt từng chút một trên thân cây kèn lấp loáng dưới ánh nắng của buổi trưa đầu hạ. Cử chỉ của gã giống như gã đang tô điểm một cách trịnh trọng cho một công trình mỹ thuật tỷ mỷ. Gã lau cây kèn thật lâu. Thời gian lâu lắc đó vừa đủ dể cho trẻ con trong xóm bu đen lại. Gã lại nhếch miệng cười. Hai hàm răng nhe ra trắng nhởn. Lần này nụ cười của gã tươi rói. Gã biết mình dang được tiếp đón một cách nồng nhiệt và gã đền đáp bọn trẻ bằng nụ cười của mình. Rồi gã nâng cây kèn bằng cả hai tay. Cặp môi dầy tụp của gã chụm lại, đặt vào ống thổi, chúm chím một cách diệu nghệ kiểu cách. Rồi hai má của gã phùng to lên. Gã dồn tất cả làn hơi phong phú của mình vào đó. Hai mắi của gã nhắm nghiền lại. Gã như quên mình đang đứng ở dầu ngõ. Gã quên luôn cả tiếng ồn ào chung quanh. Gã chỉ còn thấy được một điều duy nhất là tiếng kèn dâng lên bao phủ con người gã, bao phủ tâm hồn gã, đưa nguồn cảm hứng mỗi lúc một lên cao.

    Những ngón tay của gã lớt nhẹ trên hàng nút đồng sáng bóng. Bài Lòng Mẹ qua điệu nghệ của hắn, nghe rền rĩ như một lời than van.

    Mấy cánh cửa sổ ở gần đó chợt mở tung. Có nhiều người lớn lố nhố ngó ra. Gã không nhìn thấy mọi người nhưng hình như gã cảm thấy được điều đó. Niềm hứng khởi vì thế càng gia tăng hơn nữa. Gã dồn thêm hơi sức vào cây kèn. Hai hàm của gã bạnh thêm ra. Những hàng gân ở cổ căng lên như những mối dây chằng chịt. Mười ngón tay của gã như múa lên hàng nút đồng. Ở một vài nốt nhạc, gã cố ý thổi sai đi, gã cho rằng trình diễn như thế mới là tài hoa. Chỉ có điều gã lợi dụng cái cung cách biểu diễn tài hoa này hơi nhiều nên tiếng kèn của gã có lắm chỗ lạc diệu. Nhưng điều đó không có gì là tai hại cả. Bọn trẻ chung quanh vẫn hứng chí một cách ồn ào. Một vài tờ giấy lẻ đã thấy dúi vào cái túi bằng vải ka ki mà gã vẫn đeo bên mình. Cái túi càng được nhiều bàn tay mó vào thì niềm hứng khởi của gã càng lên cao, gã càng thổi không biết mệt. Từ bài Lòng Mẹ, gã chuyển qua bài Xuất Quân. Hết bài Xuất Quân, gã quay về chơi nhạc cổ điển với bài Thiên Thai, bài Bến Cũ, rồi hứng chí, gã quay ra thổi nhạc Tây, nhạc Mỹ với những bài phổ biến như bài Cầu Sông Khai, Que Sera Sera...

    Nhưng đúng vào cái lúc gã đang gân cổ thổi theo lời "Vài hàng gửi anh trìu mến, vừa rồi nàng mới được tin..." thì bỗng một bàn tay khô khan nắm cứng lấy bờ vai của gã. Gã hốt.... hoảng quay đầu lại. Tiếng kèn của gã đang lên một nết cao vì thế bỗng oằn xuống rồi tắt ngóm. Gã nghe rõ một giọng khàn khàn cất lên:

    - Công an khu vực đây! Đi theo tôi!...

    Mặt gã hơi biến sắc. Gã cố phác trong đầu thật nhanh để tìm xem cơn xui xẻo nào đã dẫn gã tới gần cái loài cô hồn các đảng này. Nhưng đầu óc gã mù tịt. Gã không thể nào kiếm ra được lý do gì đã khiến cho mình phải dây với loại thành phần gớm ghiếc này. Cho nên gã đành phải nhoẻn một nụ cười đầy vẻ cầu tài thấy rõ:

    - A! Chào đồng chí công an... !

    Gã không thấy tiếng trả lời, nhưng bàn tay khó chịu lúc nãy vẫn bám cứng lấy vai gã, có lẽ lại còn bấu lấy da thịt của gã mạnh mẽ hơn rồi bây giờ đẩy gã di tới. Gã hoang mang cực độ nhưng cũng đành để cho bị xô đi, chập choạng trên nền đất khập khểnh. Bọn trẻ chung quanh hình như đã giạt ra thật xa. Chúng quây lấy hai người thành một hình vành cung rộng.

    Nhiều đứa giơ tay chỉ trỏ. Một vài đứa bạo mồm cất tiếng "ê! ê! ê!" Anh công an khu vực tức tối trửng mắt lên nhìn Nhưng gã căng nhìn thì bọn trẻ càng thích thú để trêu chọc. Những tiếng ê bây giờ đã lan thật nhanh như một mồi thuốc súng và trở thành những tiếng hỗn loạn ồn ào. Bà con bênh gã thổi kèn ra mặt. Vào những lúc khác thì gã sẽ khoái chí lắm, nhưng đang lâm vào hoàn cảnh bó buộc phải dây da với công an nhà nước càng được bà con ủng hộ, sự ủng hộ quá lộ liễu, càng làm cho gã bối rối hơn. Gã không muốn làm cho đồng chí công an phật lòng. Cái đó mệt lắm, dù gã cũng chưa biết là mình dã phạm cái tội gì. Gã muốn tìm một câu nói gì đó để làm giảm nhẹ bầu không khí nhột nhạt ở chung quanh. Đáng tiếc cho gã là gã đã không thể thốt thêm được một lời nào. Gã đành quay lại phía sau để nhoẻn thêm một nụ cười cầu tài nữa. Cuối cùng gã nhăn nhở:

    - Hì... Thưa đồng chí... Em mù!... Em đâu có nợ máu gì...

    Đồng chí công an đang bận tâm với lũ trẻ chung quanh nên không nghe thấy lời phân trần của gã. Bây giờ thì đồng chí đã được tăng cường bởi hai tay cớm chìm. Mấy tay này không hiểu xuất hiện ở đâu, từ lúc nào nhưng họ đã rất nhanh chóng hiện diện mỗi khi có đám đông tụ tập. Một tay thì giơ khẩu súng lục ra thị uy. Còn tay kia thì giật lấy chiếc kèn đồng của gã mù, cung cách cũng giống như khi muốn bắt bà hàng cháo thì giữ lấy rổ bát đũa, muốn bắt có hàng chè xôi thì giật lấy thúng xôi. Thủ tục là vậy.

    Bị mất đồ nghề, gã thổi kèn bắt đầu nổi sùng. Gã la lối:

    - Tủi làm gì mà mấy anh bắt tui. Tui thổi kèn kiếm ăn mà.

    Nhưng không ai trả lời gã cả. Tay cớm chìm cầm súng vẫn giơ cây súng. Tay giật của gã cây kèn vẫn cầm cây kèn. Còn đồng chí công an khu vực thì vẫn bám cứng bàn tay trên vai gã đề đẩy gã đi tới. Một lát sau gã đoán mình đã được đưa tới trụ sở công an Phường. Có tiếng máy chữ gõ lách cách. Tiếng quạt chạy vù vù. Có tiếng lào xào đang năn nỉ vì một vụ bắt bớ nào đó. Rồi có một tiếng nạt lên:

    - Thằng cha này gián điệp địch!...

    Gã thổi kèn tá hỏa lên vì câu nói ngắn ngủi đó. Gã có cảm giác như ai vừa dội lên lưng gã một gáo nước sôi. Gã la lên nhv người sắp ngôp thở:

    - Ý chèn đét ơi! Mấy cha giỡn kiểu gì ác ôn côn đồ dữ vậy. Tôi mù mà gián điệp nổi gì!

    Rồi gã giãi thích thêm:

    - Từ ngày Cách mạng vô, tôi vẫn thổi kèn kiếm ăn, đâu có làm gì sai trái.

    Vẫn cái giọng khàn khàn lúc nãy, nhưng lần này bớt khô khan hơn:

    - Mẹ kiếp, nó thổi nhạc Ngụy ngay giữa đám đông mà còn dám cãi là không làm gì sai trái. Thằng này ngoan cố lắm. Một giọng khác hù thêm:

    - Thổi nhạc Ngụy à? Ái chà, cho đến bây giờ mà còn ngang nhiên phổ biến văn hóa đồi trụy, vậy đích thị là thằng này do Sê-i-a Mỹ gài lại rồi còn gì.

    Bi choang cho mấy đòn liên tiếp, toàn những thứ lỗi tầy trời mà không bao giờ có thể nghĩ ra, gã cảm thấy người mệt nhược ngay ra. Nguồn sinh lực của gã như tan biến đi mau chóng. Gã muốn sụm ngay xuống. Gã không còn đủ hơi sức đến độ dù chỉ cãi thêm một câu. Mà với loại cô hồn các đảng này có cãi thì cũng vô ích. Cho nên gã đổi chiến thuật xuống bài năn nỉ. Giọng gã lí nhí yếu xìu:

    - Trăm lạy các đồng chí. Cháu là nghệ sĩ. Cháu lại mù. Cháu có biết chính chị chính em gì đâu. Cháu chỉ thổi những bài hay dể giải trí cho bà con cô bác đôi ba phút quên sầu.

    Giọng đồng chí công an la lên:

    - Thằng này ghê không! Nó cãi mà như nó chửi xéo mọi người. Nó nhận nó là nghệ sĩ, vậy thì mình là cái gì? Mình lên án văn hóa đồi trụy, nó lại khen là hay. Bài nào hay nó mới thổi. Nó lại nhận là chỉ thổi giải sầu cho bà con. Thế ra cả nước này, cách mạng về rồi không có ai hồ hởi để đến nỗi nó phải đi thổi kèn giải sầu. Đ.M. Thằng này vua phản động, lôi nó ra bắn bỏ đi cho rồi.

    Gã thổi kèn lại một phen choáng người lên. Gã thấy rõ cái sự dại dột của mình. Mới chỉ cãi có một câu mà gã đã dể lộ ra bao nhiêu khe hở dể cho lũ cô hồn này túm lấy được mà buộc tội chết người. Gã rất muốn không nói thêm một lời nào cả để khỏi phải sa thêm vào những cái hớ hênh, nhưng sự thể đã nguy hiểm đến tính mạng rồi, gã không thể không cãi lại. Nếu không cãi lại, nó cho là mình đã nhận tội, còn nguy hiểm gấp mười. Vì thế gã dành cất giọng:

    - Thưa các đồng chí...

    - Không ai đồng chí với nhà anh hết.

    Gã vội sửa lại:

    - Thưa các anh. Các anh buộc tội như vậy oan em quá. Em nói quên sầu ở đây thì cũng có nghĩa là mua vui. Đã hồ hởi lại mua vui thì càng hồ hởi thêm...

    - Hồ hởi bằng mấy cái bản nhạc vàng rên rỉ, lãng mạn ấy hả. Cách mạng về có bao nhiêu là bài hay, sao không thổi.

    Gã mù được mở ra một lối thoát, vội vàng liếng thoắng ngay:

    - Chèn ơi! Bài hay của cách mạng em có nghe chớ. Mà điều em có son-phe son-pheng gì đâu. Phải nghe lâu, riết rồi mới thuộc. Thuộc rồi mới lần mò ra nốt nhạc. Có nốt nhạc rồi mới lên xuống bổng, trầm mới lôi cuốn được bà con. Em cung đang tập đó. Em thích nhất bài Tiếng chầy trên sóc Bom Bo..

    Nói xong một hơi, gã cảm thấy mình đã biện bạch đúng đường. Gã không còn nghe thấy tiếng đập bàn nạt nộ này khác. Thiếu chút nữa thì gã đã đứng dậy biểu diễn vài câu trong bản nhạc Tiếng chầy trên sóc Bom Bo. Nhưng gã chợt nhớ ra rằng cây kèn thân yêu của gã đã bị tước đoạt lừ lúc khởi sự có vụ rầy rà này. Bây giở gã mới thấy trống trải ở hai bàn tay. Bao nhiêu năm nay rồi cây kèn như một phần thân thể của gã, ít khi nào gã chịu rời ra. Điều này làm cho gã lại buồn thiu như muốn sụm xuống.

    Một bàn tay bỗng ấn mạnh vai gã làm gã loạng quạng ngã ngồi trên một băng ghế gỗ. Gã quơ tay ra phía trước và đụng phải một chiếc bàn gỗ. Gã ngửi thấy cả mùi khói thuốc khét lẹt hình như từ một cái gạt tàn thuốc bốc lên. Mũi gã chun lại. Gã cảm thấy những nét nhăn trên gò má rúm ró lại. Gã chợt giật mình vì cái vẻ mặt nhăn nhúm như thế sẽ biểu lộ một sự chống đối nhà nước. Mà chống đối thì đồng nghĩa với phản động. Phản động đồng nghĩa với sê-i-a. Sê-i-a là lò cải tạo mút mùa. Vậy chun mũi là một cử chỉ dại dột dù chỉ là sự chun mũi vì mùi khét lẹt của khói thuốc. Gã vội vàng sửa ngay cái nét mặt của mình cho thêm ươi tỉnh. Gã muốn nhoẻn lên một nụ cười nhưng cười được trong tâm trạng này không phải chuyện dễ. Gã không thể nhếch nổi hai làn môi. Cổ họng của gã đắng nghét và khô queo. Gã thấy rõ mình bất lực khi làm theo ý của mình. Bỗng một giọng uy quyền lại cất lên:

    - Gỡ cái kiếng ra coi!

    Gã nhanh nhẩu vâng lời. Hai tay gã dưa lên gỡ đôi mắt kiếng đã gẫy một bên gọng và được đeo lên bằng một sợi dây thung. Hai mắt gã mở thật to như cố trình diễn hai ổ mắt với hai cục thịt đục mờ của mình để mong gợi được sự thông cảm của kẻ đối diện. Nhưng gã vẫn chẳng nhìn thấy gì ngoài sự ước đoán cơn giận dữ của mấy đồng chí đã nguôi ngoai đi phần nào. Điều đó làm gã nhen nhúm được một vài tia hy vọng, vui mừng, mặc dầu nềm vui đó không đủ để xóa hết cái cảm giác phải tuột kính ra trước mắt mọi người giống một kẻ bi bắt buộc phải làm cái việc thoát y trước mắt đám đông vậy.

    Tiếp theo đó là gã phải ngồi để nghe kẻ trước mặt đi một màn lên lớp về những thứ lỉnh kỉnh của cái gọi là văn hóa đồi trụy. Nào trụy lạc tâm hồn thanh niên. Nào tiếp tay cho đế quốc. Gã không thể ngờ được rằng cái sự mù lòa phải đi thổi kèn kiếm ăn, lại dính líu đến đủ thứ tội trạng nặng nề như thế. Cuối cùng gã phải ký tên vào một tờ giấy cam đoan do đồng chí công an thảo một cách nguệch ngoạc và đọc cho gã nghe. Gã chẳng nhớ được điều gì ngoài mấy câu tôi cam đoan thế này, tôi cam đoan thế khác. Nhưng dù có phải cam đoan bao nhiêu điều đi nữa, cái cốt yếu là gã vẫn còn được tiếp tục hành nghề, dù rằng kể từ nay gã chỉ được phép thổi kèn những bản nhạc được gọi là nhạc cách mạng. Gã tự rủa thầm cho số phận hẩm hiu của mình. Đã phải hành đến cái nghề mạt rệp như thế này mà cũng không được yên thân. Vốn liếng về loại nhạc gọi là "cách mạng" này của gã lại quá ít. Gã nhớ lại những ngày đầu tiên của thời kỳ quê hương bi hoàn toàn sụp đổ, tuy không được chứng kiến tận mắt khung cảnh kinh hoàng trước mặt, nhưng những âm thanh đến từ bên ngoài cũng đủ để gã ý thức được thế nào là một sự đổi đời Những bài hát quen thuộc phải nhường chỗ cho những bài hát mới. Ngôn ngữ cũng dần dần biến chất. Chỉ có con người của gã là ít đổi thay. Một góc nhà nhỏ, một cây kèn đồng, và một mớ bản nhạc xưa. Gã vẫn tiếp tục đi khắp các hang cùng ngõ hẻm nhởn nhơ như một ké sống bên ngoài xã hội. Chưa có ai sờ đến gã, bởi vì người ta có quá nhiều công việc để đối phó. Niềm tin tưởng vững chắc ẩn sau cố tật mù lòa, rằng mình sẽ chẳng bao giờ ai đụng tới, cho tới hôm nay đã bắt đầu lung lay. Bàn tay vững chắc nắm chặt lấy vai gã đẩy đi hồi chiều có vẻ mở đầu cho một thái độ quyết liệt. Dĩ vãng trong phút chốc đã bị xóa toẹt như thể một món hàng bất hợp pháp không được quyền nhắc tới. Bên tai gã như vẳng lên tiếng kèn đồng rộn rã với những âm điệu quen thuộc ngày xưa. Bây giờ thì nó sẽ chỉ còn âm vang trong tư tưởng của gã. Cũng nưh hình ảnh thế giới bên ngoài đã từng vụt tắt vĩnh viễn trước mặt gã và chỉ còn lưu lại trong ký ức mỗi ngày một nhạt nhòa. Một giọt lệ long lanh tự nhiên ứa ra bên bờ mi. Nhưng gã chưa kịp lấy khăn tay ra lau thì đồng chí công an đã kéo gã đứng dậy và nói:

    - Tha cho một lần. Còn vi phạm lần nữa sẽ bắt đi cải tạo đó nghe.

    Gã muốn nở một nụ cười cám ơn nhưng giọt nước mắt đang cộm ở bờ mi làm gã không thể nhếch mép lên được. Gã lì nhí cám ơn và lủi thủi vác cây kèn đi ra cửa. Gã đứng lại tần ngần ở hè phố để hít vào một hơi thật dài. Gió mát làm dịu đi phần nào cơn căng thẳng trong đầu. Gã đoán trời đang xế chiều. Gã lần mò từng bước đi về phía chợ. Sự may mắn được tha cho về thong thả không làm cho gã có được một niềm vui. Gã thấy rõ lòng mình đang thổn thức. Giọt nước mắt lúc nãy như còn để lại trên mắt gã cái cảm giác nghẹn ngào. Gã ngừng lại ở bên hông chợ dể mua một khúc bánh mì rồi ngồi nhá ngay dưới chân một chiếc cột đèn. Gã tưởng sẽ ăn được rất ngon, nhưng chỉ mới nhai được mấy miếng đầu, gã đã thấy no ứ mặc dầu tử sáng gã chưa ăn gì. Một con chó gầy sán lại gần chỗ gã ngồi, thè lưỡi ra liếm bàn tay của gã. Gã cúi xuống mỉm cười với con chó và bẻ cho nó những mẩu bánh vụn. Dù là, con chó, nhưng gã cũng cảm thấy tâm sự của mình được chia xẻ. Gã bớt hiu quạnh hơn. Nưhng con chó chỉ đến với gã trong một thoáng, gậm được mẩu bánh mì rồi cũng vội lảng xa, chắc nó chui vô hốc kẹt nào đó dể thảnh thơi nhá bánh một mình. Gã cảm thấy thấm thía cuộc sống cô đơn của mình. Không có ai, không còn gì. Kể cả những bản nhạc thân thiết, đã từng gắn bó với gã từ xưa. Tờ giấy cam đoan mà gã vừa ký hồi chiều bấy giờ đã thực sự trở thành cơn ray rứt trong lòng gã. Gã sẽ còn gì trong cuộc đời này nếu từ nay gã không được thổi lên những bản nhạc cũ. Tờ giấy cam đoan như một lưỡi dao oan nghiệt cắt lìa con người mù lòa của gã với những vốn liếng cuối cùng. Bây giờ thì cơn khát khao được thổi lên bất cứ bản gì mình thích bỗng bừng dậy như một sự thôi thúc không thể cưỡng lại. Tay gã rờ rẫm vào cây kèn. Nó vẫn nằm nguyên đó, ngoan ngoãn như một người bạn bé nhỏ thân yêu. Gã nghĩ đến cây kèn, nghĩ đến bầu không khí ngột ngạt buổi chiều mà gã đã trải qua. Gã thấy rõ mình đã bị tước đoạt dĩ vãng giống như cây kèn bi tước đoạt khả năng của nó. Nó sẽ còn gì khi những bản nhạc xưa bi cấm đoán. Sự mất mát không nhỏ nhoi, gọn gàng như cái lệnh ngắn ngủi mà đồng chí công an đã ban ra cho gã. Đằng sau đó là một thảm kịch lớn lao trong tâm hồn của gã. Nhưng thảm kịch này không đến với gã ngay một lúc. Nó lan tới dần dần, khởi đầu nhen nhúm trong lòng gã một sự tiếc nuối mơ hồ, rồi càng lúc gã càng thấy ray rứt, thấm thía như mình vừa phải rời xa một người thân yêu không bao giờ còn được gặp lại. Bây giờ thì gã không còn ngăn lại những giọt lệ ứa ra ở hai bên bờ mí.

    Lúc gã đứng dậy thì thành phố hình như đã lên đèn. Gã đoán được điều đó qua những âm thanh thay đổi ở chung quanh. Thành phố này đối với gã đã quá quen thuộc với từng thay đổi theo thời khắc trong từng ngày. Nhưng rồi nó cũng sẽ lại cùng chung một số phận như gã. Tất cả mọi vật chung quanh đang bị tẩy xóa đi dần dần. Cho đến khi không còn một dấu tích gì của dĩ vãng.

    Một tuần lễ sau, gã trở lại xóm cũ. Gã dã lấy lại được sự tươi tỉnh mọi ngày. Dầu sao thì gã cũng phải sống trước đã. Và sống bằng cây kèn quen thuộc. Sau bảy ngày chạy theo một cách tội nghiệp một vài bản nhạc mới, gã đã có một số vốn tạm để tiếp tục hành nghề. Gã lại báo hiệu sự hiện diện của mình bằng một hồi thổi dài:

    - Ò... Ò... Ò.

    Bọn trẻ trong ngõ lại túa ra. Nhiều đứa lại nhẩy cẫng lên, vỗ tay reo mừng. Thì ra gã không bị đem đi cải tạo, như trong tuần lễ gã vắng mặt, mọi người đã xì xào như thế. âm thanh của cây kèn xoáy vào lòng ngõ như thông báo lên điều đó. Những cánh cửa sổ lại bật mở và người lớn lại lố nhố ngó ra nhìn. Bầu không khí bỗng mang một vẻ vui mừng hớn hở như chào đón một người hùng trở về. Dưới mắt mọi người, gã không phải chỉ đơn thuần là một anh thổi kèn dạo, nhưng chính là một kẻ đã chống đối chế độ, đã bị bắt và được thả về. Tất cả mọi người đều dồn mắt về phía gã và gã đã làm xong đầy đủ lễ bộ của mình: Cười thật tươi với hai hàm răng trắng nhởn, rút chiếc khăn lay đen đúa ra lau mồ hôi ở trán, ở cổ, rồi tới cây kèn đồng. Sau cùng gã cầm cây kèn đưa lên miệng. Gã trịnh trọng dồn hết làn hơi của mình để cất lên bản nhạc thứ nhất:

    - Như có Bác Hồ trong ngày vui giải phóng.

    Tiếng kèn của gã vừa rúc lên một câu đầu thì cả một làn sóng ồn ào ở bốn phía bỗng nhiên ùa tới. Có tiếng huýt sáo. Có tiếng cười ồ lên chế nhạo. Có cả tiếng nguyền rủa bằng những lời lẽ thô tục. Gã như một con bò mộng giữa đấu trường đang tới tấp nhận lãnh đủ loại dao nhọn ném vào mình. Vì thế gã chưa kịp ngân lên theo đúng điệu thì tiếng kèn đã đột nhiên tịt ngẵng lại. Mặt gã dỏ nhừ. Những ngón tay của gã mềm nhũn đi trên hàng nút đồng. Gã có cảm giác như mình là kẻ phạm tội đang bị dẫn đi lên đoạn đầu đài có cả ngàn người vây quanh nguyền rủa. Gã xấu hổ với mọi người. Xấu hổ với chính mình. Xấu hổ với cả cây kèn trên tay. Gã bỗng nghĩ đến sự mất mát của mình sau khi đã phải ký tên vào tờ cam đoan trong tuần trước, cơn phẫn nộ của kẻ bị tước đoạt cho đến cả dĩ vãng bỗng nhiên ùa tới. Những cảm giác tiếc nuối ray rứt gậm nhấm trong lòng gã suốt một tuần qua bây giờ sống lại và đẩy cơn phẫn uất của gã lên cao. Gã nghĩ tới tất cả dĩ vãng của mình. Gã tự nhủ con người đã bị mất dĩ vãng rồi thì mình đâu còn là mình. Điều đó gã không thể chấp nhận được. Gã cảm thấy mình khỏe khoắn hơn. Gã nghểnh mặt lên nhìn về phía mọi người. Làn hơi căng phồng hai buồng phổi. Hai tay nắm chặt cây kèn và giơ lên. Lòng gã xúc động đến nghẹn ngào. Gã dồn làn hơi của mình vào ống thổi. Tiếng kèn vụt bừng dậy, vút lên cao, sừng sững như tâm hồn ngạo nghễ của gã lúc đó và tỏa ra, ngân dài xuống tận cuối xóm:

    - Việt nam! Việt nam nghe từ vào đời...

    Hồn gã bay bổng theo tiếng kèn. Gã không nghe thấy tiếng vỗ tay của bọn trẻ vang dậy ở chung quanh. Gã cũng không thấy cả những bàn tay nhỏ bé đang rúi những nắm tiền lẻ vào cái túi của gã vẫn đeo bên mình. Gã đã đắm mình vào làn âm thanh bao phủ quanh gã, và thực sự đang nâng bổng tâm hồn của gã lên cao...

    Songkhla tháng 1-1980



  2. #11
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,672
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    CHIẾC ÁO TÂY VÀNG

    Trong cái đám đông ồn ào ấy, người thiếu nữ cũng chen vào. Nàng hơi choáng váng vì mùi xú uế của đống rác gần đó xộc lên. Nó gợi cho nàng cái cơn buồn nôn chờn vờn mãi từ ngày hôm qua chưa chấm dứt, mặc dầu nàng đã nén nó xuống từ nãy bằng một viên kẹo bột.

    Vị đường ngọt lịm vẫm còn dính đâu đó ở kẽ răng, nhưng viên kẹo thì đã tan hết. Nàng có thể cất giọng nói to mà không bị bướng víu cái gì ở trong miệng. Trước hết nàng cất tiếng chào một bà cụ ngồi bán thuốc lá cuộn, bó thành từng bó, bày trên chiếc mẹt ở ngay mé vỉa hè. Bà cụ đáp lại bằng những tiếng gì nghe không rõ vì đám đông ồn quá. Bên tai thiếu nữ, nàng chỉ nghe thấy những tiếng chào mời om xòm của mấy người đứng bên cạnh, và nhất là tiếng cười nói tục tĩu vang lại từ mấy thanh niên ở gần đó. Trên tay của họ là những xấp quần tây dài. Đủ loại vải. Đủ loại màu. Nhiều nhất là màu ka-ki bộ đội. Có anh cầm trên tay tới ba, bốn cái, bên tay kia còn giơ cao thêm một cái nữa. Một vài người đi qua, đứng lại ngắm nghía, lật bên này, giở bên kia, xem cho có rồi bỏ đi. Từ sáng, chưa thấy ai bán được món nào, mặc dầu tất cả đã phải bỏ chạy ba bốn lần vì công an kiểm soát chợ đi rảo nhiều lần.

    Đây là khu đất hẹp ngay đàng sau lưng của chợ Đồng Xuân, một vùng đất hạn hẹp, phụ thuộc nhưng đầy vẻ mâu thuẫn của một khu vực đã đi vào nền nếp từ bao nhiêu năm nay. Nhưng cũng chính vì tính chất phụ thuộc ấy mà nó trở nên hỗn độn, phức tạp hơn nhiều so với cái quang cảnh vắng hoe ở ngay trong lồng chợ. Vào trong đó thì cái gì cũng sạch, cái gì cũng ngăn nắp, chỉ phải mỗi tội là hầu hết đều phải mua bằng tem phiếu. Nhiều món hấp dẫn khác lại chỉ được bày cho có, với mảnh giấy ghi rõ là "hàng mẫu". Như thế chẳng trách gì nhân viên phục vụ đông đảo hơn khách mua hàng.

    Rút cục, chẳng cần xua đuổi, mọi người cũng đã tự động rút ra mé ngoài tạo thành một xã hội bên lề của xã hội. Tất cả đều lam lũ như nhau, chen lấn hỗn độn trong những mớ gồng gánh, thúng mủng giăng la liệt ở khắp các lối đi. Vào những hôm mưa, con đường trở nên lầy bùn, dẫm chân lên thấy lép nhép. Rác rưởi quăng bừa bãi, người chen nhau trên từng khoảng đất nhỏ vừa đủ để đặt chân tới. Thỉnh thoảng gặp một cái xe đạp thồ nghênh ngang đi vào thì cả đám đông đều bị nghẽn ứ lại. Tiếng chửi rủa cất lên. Tiếng cãi lại còn to giọng hơn nữa. Đủ loại danh từ tục tằn được văng ra. Không nói được ở cơ quan, không văng được ở các buổi hội họp, không được phát biểu tự do cho nó đã cái miệng thì sự dồn nén ấy được sì ra ở đây, đâu có lý do gì để bắt lỗi nhau đã mất lập trường!

    Bọn thanh niên phải kể là đã văng tục nhiều nhất. Từ nãy đến giờ, người thiếu nữ đã nghe đến hàng chục lần câu nói tục tĩu từ anh chàng trai trẻ đứng ở chỗ gần nàng nhất. Nàng không bực mình vì những từ ngữ hắn dùng, nhưng cái tội của hắn là đã la to quá. Tiếng nói của hắn xoáy vào màng tai của nàng nghe như những tiếng búa đập lên đe, vừa gọn vừa sắc. Nó làm cho cơn khó chịu của nàng tăng lên và lại bắt đầu thấy lợm giọng. Nàng định móc túi lấy thêm ra một viên kẹo nữa thì sực nhớ đến nhhiệm vụ của mình. Nàng bỏ ý nghĩ lấy kẹo ra ăn và giơ cao chiếc áo đang cầm trên tay mời mọc một đám khách hàng vừa đi qua đó.

    Cái áo gây được sự chú ý của mọi người. Nó là một cái áo tây bằng vải ka-ki màu vàng. Nó đã cũ rích cũ mèm, nhưng chính vì thế mà cái kiểu áo còn mang một vẻ rất tây. Tay áo dài và rộng, ráp lên hai bờ vai thật khéo không một vết nhăn nhúm. Cái kiểu cổ bẻ, hở xuống tới ngực rồi chạy tiếp hai hàng nút áo, mỗi bên có ba chiếc khuy bằng đồng chạm trổ, đem lại một vẻ phong lưu mà xuất xứ của nó, hẳn phải là của một tay chơi sành từ hai ba chục năm về trước. Tuy lâu đời là vậy, nhưng là vải hàng ngoại, lại được giữ gìn, nên mặt áo trông vẫn còn tươm. Thiếu nữ giơ cao cái áo lên quá đầu của mình. Nàng nói với một người đang đi tới:

    "Áo này mặc vừa, mua đi anh giai!"

    Người khách ngừng lại, nhìn hững hờ. Biết anh ta chỉ tò mò thôi, nhưng nàng vẫn nói thêm:

    "Ba chục thôi, mùa đông này mặc ra ngoài áo len, ấm phải biết."

    Người khách toan thò tay ra ướm, bỗng nghe thấy cái giá "ba chục" bèn rút ngay lại. Ông ta nhìn thiếu nữ với ánh mắt cười cười. Thiếu nữ cảm thông ngay rằng, những hạng như ông ta thì chỉ nên mua cái đồ giẻ rách đáng giá ba đồng.

    Rồi một đợt khách nữa đi qua, thiếu nữ lại mời chào. Sự đón đợi của nàng cứ giảm dần đi. Nàng quay lại bắt đầu khó chịu vì cái cảm giác buồn nôn chờn vờn ở cổ. Nàng thò tay vào túi nhón một viên kẹo bột khác bỏ vào miệng. Bây giờ nàng khám phá ra cái nguồn gốc của cơn buồn nôn ám ảnh nàng từ ngày hôm qua. Nó không phải vì nàng đã ăn bát mì vữa mà đứa em của nàng bỏ đó từ chiều hôm trước. Nó cũng không phải vì nàng đã nhiễm lạnh sau khi phơi mình giữa làn sương đêm. Nàng nhớ ra rằng, trong lúc sử dụng cây cuốc, nàng đã cuốc nhằm giữa lưng một con cóc. Con vật không kịp kêu lên một tiếng đã bị dẹp lép sau một tiếng "bụp" khô khan. Nàng có cảm giác như những mảnh xương gẫy của nó truyền được cái âm thanh đó dồn qua cán cuốc để vào được đôi bàn tay chai cứng của mình. Từ cái phút ấy nàng bắt đầu thấy rờn rợn ở trong đầu, rồi càng nghĩ tới nàng càng cảm thấy lợm giọng thêm. Con cóc là một sự sống. Chính nàng đã đập giập sự sống ấy để biến nó thành một đống bầy nhầy. Phải chi nó là cái xác của một cóc chết. Vừa cuốc đất làm việc, nàng vừa vẩn vơ nghĩ. Nếu nó là một con cóc chết thì nó đã chẳng làm cho nàng bận tâm như thế. Bây giờ cơn ám ảnh đó vẫn còn, và còn gia tăng hơn nữa vì cái mùi xú uế bốc lên từ đống rác ở ven chợ. Nàng lại lợm giọng, và nàng thèm được ọe ra một lần cho nó nhẹ nhõm trong người, mặc dù từ sáng, nàng chưa ăn gì ngoài mấy viên kẹo bột.

    Vừa đúng lúc nàng vắt cái áo tây vàng lên vai định rời chợ thì có một người khách ngừng lại ở ngay trước mặt. Không phải là một người đàn ông, mà lại là một người đàn bà. Bà ta ngó sững cái áo tây vàng như bị thu hút bởi một sức lực kỳ lạ, rồi thiếu nữ thấy mặt của bà hơi tái đi. Bà ta xòe tay ra nắm lấy cái áo trong khi hai mắt của bà bỗng nhìn xoáy vào mắt thiếu nữ bằng những tia dữ dội.

    Nàng không ưa cái cung cách có ai nhìn thẳng vào mắt mình như thế. Nàng càng không ưa cái vẻ mặt xanh tái với nước da màu chì trên khuôn mặt dữ dằn của thiếu phụ đứng trước. Bà ta trạc khoảng năm mươi, nhưng nếu nhìn thật kỹ để thấy cái nét tươi trẻ phảng phất ở vành môi và vầng trán phẳng thì tuổi của bà chỉ đến bốn mươi là cùng. Thiếu nữ cố gợi lại trong óc của mình để tìm xem bà ta có gì liên hệ đến mình, nhưng trong một vài giây ngắn ngủi, nàng chỉ thấy như mình bị xao động bởi cái nhìn của người đối diện, với đôi mắt đục lờ hơi sếch lên, ẩn dưới đôi lông mày khá đậm. Bây giờ thì người đàn bà đã gỡ được cái áo trên tay của thiếu nữ. Bà ta rũ tung nó ra và giơ áo lên bằng cả hai tay. Thiếu nữ có cảm giác ngay rằng bà ta không xem xét như thể để hỏi mua. Nàng muốn giằng cái áo lại để lui đi, nhưng người đàn bà đã nắm chắc lấy nó bằng hai bàn tay xương xẩu, đầy gân xanh của mình. Bà ta cất giọng hỏi hách dịch:

    "Cô lấy cái áo này ở đâu?"

    Thiếu nữ thấy lạnh lạnh sống lưng. Nàng ngó sững lại người đàn bà. Vẻ hung hăng của bà ta đem lại cho nàng một thoáng bối rối. Nhưng rồi nàng đã biết mình phải làm gì cho qua cơn xui xẻo này. Nàng đáp bằng giọng thản nhiên:

    "Tôi mua đi bán lại!"

    Vừa nói, thiếu nữ vừa xông tới giật cái áo ở trên tay người đàn bà. Nàng hoàn toàn thất bại trong công việc đó, và chẳng những nàng không cầm được chiếc áo trên tay mà còn bị người đàn bà túm ngay lấy cánh tay của mình nữa. Thiếu nữ cảm thấy những móng sắc của bà ta bấu cứng lấy da thịt mình. Ngay khi đó thì nàng biết mình vừa làm một chuyện sai lầm. Nàng đã tiếc cái áo một cách dại dột nên thay vì bỏ chạy đi, nàng đã xông tới. Bây giờ thì đã quá muộn. Thiếu phụ đã đeo cứng lấy nàng bằng những móng vuốt của bà ta. Nàng có cảm giác như bà ta đã chất chứa bên trong tấm thân gầy gò ấy một sức khỏe lạ lùng. Nàng đã thử vùng lên chạy, nhưng những móng sắc càng bám sâu thêm vào làn da, làm thiếu nữ đau đớn. Nàng hơi nhăn mặt, và cất giọng cau có:

    "Ô hay! Bà làm cái gì thế này?"

    Người đàn bà tác sác:

    "Tao hỏi mày, mày lấy cáo áo này ở đâu ra?"

    "Tôi mua đi bán lại!"

    "Đồ điêu! Mày ra công an với tao, xem mày còn điêu ngoa được như thế mãi hay không?"

    Thiếu nữ giằng lại. Bà ta lôi đi. Cuộc giằng co làm náo loạn cả một góc chợ. Mọi người xúm lại. Có cả trăm câu hỏi cùng một lúc nhao nhao lên:

    "Ăn cắp hả?"

    "Ăn cắp hả?"

    "Đánh bỏ mẹ nó đi. Không chịu lao động gì, chỉ ngồi không ăn bám!"

    Sự ồn ào ấy trong khoảnh khắc đã thu hút mấy đồng chí làm an ninh ở quanh chợ. Một người xông tới, phụ với người đàn bà giữ cứng thêm một cánh tay nữa của thiếu nữ. Tóc của nàng bây giờ xổ tung. Hai chiếc khuy áo trên ngực cũng bị banh ra. Nhưng thiếu nữ không nhìn thấy gì, không phân biệt được gì trước khung cảnh hỗn độn ồn ào trước mắt. Nàng nghĩ đến hai em đang còn ở nhà. Nàng nghĩ đến cặp mắt dữ dội của thiếu phụ. Nàng nghĩ đến cái áo tây vàng và hình ảnh của con cóc dẹp lép bầy nhầy. Tất cả ùa đến thật nhanh, choáng ngộp hết đầu óc nàng, và nàng để mặc cho mọi người lôi mình đi như lôi một con vật.

    Tới đồn công an, người đàn bà trung niên khai rành rọt:

    "Thưa các đồng chí, tôi vừa chôn chồng được đúng năm ngày. Tất cả giấy tờ khai báo, thủ tục tôi còn giữ đầy đủ cả ở đây. Trong lúc khâm liệm cho chồng tôi, tôi có để cho ông ấy một chiếc áo tây vàng. Chiếc áo này đây. Nó quen thuộc với gia đình tôi từ mấy chục năm nay. Tôi có thể chỉ ra rất nhiều dấu vết mà tôi đã thuộc nằm lòng. Vậy mà hôm nay đi chợ, tôi thấy cô này đứng bán đúng cái áo đã chôn theo chồng tôi. Nhờ các đồng chí điều tra hộ, cái áo ở đâu ra? Làm sao cô ta có được cái áo đó?"

    Tất cả mọi người trong phòng đều sửng sốt. Mấy đồng chí công tác ở bàn kế bên cũng bỏ cả việc, mở to mắt ra nhìn. Trong cả trăm ngàn vụ rắc rối trong đời sống từ trước ở đây, chưa bao giờ lại có chuyện xảy ra lạ lùng đến thế. Mọi con mắt đều dồn về phía thiếu nữ. Nàng có vẻ còn mệt mỏi sau một cuộc lôi kéo ồn ào giữa đám đông, nhưng bây giờ nàng đã lấy lại được vẻ bình thản hằng ngày, và nói cho đúng hơn, thật khó có thể đoán ra được tâm trạng của nàng sau vẻ mặt lầm lì và ánh mắt sắc sảo lạnh lùng. Nàng đã biểu lộ một thái độ không nao núng, mà cũng chẳng sợ hãi, đúng là một thái độ của một kẻ đã bị dồn đến đường cùng và sẵn sàng đương đầu với tất cả.

    Chính thái độ ấy đã khiến cho anh chàng công an trẻ, mới khởi đầu giở giọng nạt nộ nhưng rồi sau cũng phải dịu xuống. Nàng không để cho ai mắng mỏ mình. Với thiếu phụ trung niên, nàng nói:

    "Ờ thì cái áo ấy của ông chồng bà. Bà không cần phải la lối om xòm."

    Thiếu phụ cũng chỉ cần nàng xác nhận có thế. Bà ta giơ hai tay ra trước mặt, về phía đám công an lố nhố ở trong phòng như để phân vua:

    "Thế đấy! Thế đấy! Tôi có vu oan giá họa cho ai!"

    Rồi bà ta ngồi xuống ghế, thở dốc. Sau một hồi cố gắng, kể từ lúc túm đứa con gái to gan này ở ngoài chợ cho đến lúc nó phải xác nhận rằng cái áo tây đó là của bà, bà ta đã hoàn toàn đạt được những thắng lợi mà mình mong muốn. Sau đó là phần của nhà nước. Nhà nước sẽ xử lý vụ này, sẽ phải làm cho ra nhẽ. Nếu cần, bà sẽ thưa lên tới thành ủy. Nhưng sự sốt sắng của các đồng chí công an trong vụ này làm bà hài lòng. Bà thấy mình nên đóng vai trò hiền lành, chân chỉ thì sẽ có lợi hơn, vì đằng nào sự thể cũng đã hai năm rõ mười. Nghĩ như thế bà dịu hẳn vẻ mặt của mình xuống và chẳng mấy chốc, mọi người nghe thấy tiếng của bà ta khóc sụt sịt. Bàn tay của bà quơ lấy dải khăn tang dài lên lau mặt một cách cố ý để cho mọi người nhìn thấy. Điều này có kết quả ngay vì đồng chí công an ngồi ở bàn giấy giữa đã an ủi bà bằng một giọng dịu dàng rồi quay qua thiếu nữ, cất giọng nạt nộ:

    "Biết điều thì khai hết đi, nếu không thì tù mọt gông!"

    Thiếu nữ hơi nhếch cặp mắt lên, ánh mắt vẫn đầy vẻ lạnh lẽo, và nàng cất tiếng hỏi lại:

    "Chế độ ta cũng còn có "gông" hả đồng chí?"

    Bị hỏi móc họng, đồng chí công an tái ngay mặt lại rồi sau đó vụt đỏ bừng lên. Đồng chí ấy tác sác để xí xóa câu nói hớ hênh của mình:

    "Đừng có đánh trống lảng. Cái áo mày lấy ở đâu. Khai ra đi!"

    "Việc gì tôi phải đánh trống lảng. Việc gì tôi phải chối cãi. Nhưng tôi yêu cầu đồng chí bỏ cái giọng mày tao ấy đi. Tôi là nhân dân. Đồng chí phục vụ nhân dân, đồng chí không có quyền nói năng với tôi như thế."

    Bị hai đòn phủ đầu liên tiếp, đồng chí công an đột nhiên sững sờ hẳn lại. Anh ta nhìn sững người con gái ngồi ngay trước mặt với một vẻ vừa ngạc nhiên, vừa tò mò. Kinh nghiệm cho thấy những loại cứng cỏi như thế hẳn gốc gác của nó phải có gì đáng gờm. Vậy thì không ai dại gì mà húc bừa vào những của mà tông tích của nó chưa rõ ràng. Đồng chí công an nhỉnh ngay nét mặt, và xuống giọng ôn hòa:

    "Được rồi! Tôi rút lại cách xưng hô đó. Nhưng tôi nói trước cho cô biết, muốn xưng hô cách nào thì xưng hô, cô phải khai cho hết. Cái áo đó cô lấy ở đâu?" Thiếu nữ buông sõng một câu:

    "Đào mả!"

    Giọng nói của nàng sắc, gọn, lạnh lùng, thản nhiên, không một chút xúc động. Điều đó làm cho mọi người đã sửng sốt lại càng thấy sửng sốt hơn. Đến ngay thiếu phụ đang ngồi sụt sùi cũng vội ngưng ngay tiếng khóc để giương mắt lên nhìn. Đào mả thì dĩ nhiên rồi, nhưng bà ta không thể tin được rằng câu chuyện động trời ấy lại được thực hiện bằng chính ngay thiếu nữ mảnh mai ngồi ở phía trước mặt. Bà ta chợt nhớ đến hành động của mình trong vòng nửa giờ trước đó. Túm lấy nó ở giữa chợ. Điều nó đi qua một dẫy phố để tới đồn công an. Vậy mà quân trời đánh, thánh vật này không xỉa cho bà một dao thì quả là bà vừa thoát khỏi một tai nạn tầy trời. Nghĩ như thế, bà ta thấy rúm người lại, nếu ở quanh đó không đầy rẫy những bóng dáng công an áo vàng thì bà ta đã vùng lên, bỏ chạy đi rồi. Bây giờ thì bầu không khí trong phòng có vẻ nghiêm trang hơn lên. Đây không còn là một vụ ăn cắp, ăn trộm hay mua đi bán lại nữa. Nó đã trở thành một vụ đào mả. Một vụ động trời. Một vụ hi hữu mà từ xưa đến nay chưa bao giờ xử lý tới cả.

    Mọi thủ tục bây giờ được chuẩn bị lại hết. Người ta trình báo vào văn phòng của đồng chí trưởng phòng. Người ta sắp xếp lại hồ sơ ngổn ngang trên mặt bàn. Người ta tăng cường thêm một xấp giấy trắng để đặc biệt ghi cung. Người ta cũng thay thế luôn cả đồng chí ngồi ở giữa bàn lúc nãy bằng một người chắc ở chức vụ cao hơn.

    Cuộc thẩm vấn thiếu nữ kéo dài suốt ngày hôm đó. Nàng trả lời hết. Nàng thú nhận hết. Nàng mô tả hết, đến độ trong hồ sơ khai trình của nàng có cả sự việc con cóc bị một nhát cuốc chém dẹp lép trở thành một đống bầy nhầy. Người thư ký quều quào ghi chép cũng đã xài gần hết một thếp giấy đôi. Bây giờ thì người ta biết được rằng nàng đã sinh sống bằng cái nghề đào mả này từ trước đó hai năm. Bố nàng thuộc diện ngụy quyền đã bị đi an trí và bỏ xác trong trại cải tạo từ những năm của thập niên 60. Mẹ nàng bỏ đi lấy chồng khác, rồi cũng chết sau đó vài năm. Nàng còn hai em nhỏ. Nàng đã làm đủ mọi nghề để có thể nuôi cho hai em ăn học. Nhưng nghề nào cũng chỉ đủ nuôi một thân một mình nàng, trừ cái việc đi đào mả người chết lấy đồ dùng đem ra bán ở ngoài chợ trời. Nàng đã khai như thế. Và nàng tỏ ra thản nhiên khi nói lên những sự thực này.

    Thể theo lời yêu cầu của gia chủ đã có thân nhân bị đào tung mả lên, nàng bị giam giữ để cho tòa xét xử.

    Nhưng một tháng sau đó, người ta lại thấy nàng xuất hiện ở khu vực chợ trời. Người nàng xanh rớt. Thân hình tiều tụy. Sức khỏe của nàng sút giảm hẳn đi. Nàng ngồi thu mình ở một góc vỉa hè, trước mặt là mấy hộp sữa và vài bịch đường. Lý lịch của nàng vẫn còn trắng tinh. Bởi vì khi ra ngoài tòa nàng đã khai:

    - Xã hội của chúng ta là xã hội chủ nghĩa, chủ trương duy vật mà đả phá duy tâm. Chỉ những kẻ còn đầu óc duy tâm mới quan niệm rằng đào mả lên tức là xâm phạm đến linh hồn người chết. Tôi sống bằng lao động của chính tôi. Tôi không ăn bám một ai. Tôi chỉ lấy đi những đồ dùng chôn dưới mả là những thứ mà xã hội bỏ đi, đã phế thải. Hơn thế nữa, tôi lại dùng lợi tức ấy để nuôi các em tôi ăn học, tức là bằng lao động đó, tôi đã nuôi dưỡng những mầm non của đất nước. Vì thế, tôi là người hoàn toàn vô tội!

    Songkhla-1980



Trang 2 / 2 ĐầuĐầu 12

Chủ Đề Tương Tự

  1. Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 09-17-2017, 12:34 PM
  2. Nữ tiếp viên mặc bikini tiếp khách ở nhà hàng Sài Gòn
    By duyanh in forum Văn Hóa-Xã Hội-Kinh Tế
    Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 06-03-2017, 12:53 PM
  3. Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 10-02-2014, 10:46 PM
  4. Trả Lời: 9
    Bài Viết Cuối: 08-15-2014, 02:07 AM
  5. Tiếp viên Vietnam Airlines bị nghi tiếp tay hàng ăn cắp ở Nhật.
    By giahamdzui in forum Tôi - Người Việt Nam
    Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 03-03-2014, 11:14 PM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •