Sống giữa cõi hồng trần, kỳ thực điều gì cũng không cần sợ hãi


Nhân sinh một đời nên sống vì hiện tại, bất luận điều gì đều phải giữ tâm thái thản nhiên, mất đi cũng đạm nhiên, hết thảy mọi thứ đều không cần sợ hãi, vậy mới có thể mỉm cười giữa cõi hồng trần này.



Điều làm cho tâm hồn thoải mái, vui vẻ thì khó có thể dùng tiền vàng mua được, lại càng không thể tìm thấy nơi phồn hoa đô thị, ồn ào náo nhiệt. (Ảnh: Xyceo)

Không cần sợ cô đơn


Có rất nhiều người nói rằng, họ sợ bản thân mình cô đơn, sợ tịch mịch. Nhưng kỳ thực, một chút cũng không cần phải sợ điều này.

Quốc học đại sư Nam Hoài Cẩn từng nói rằng: “Đời người cao nhất đó là hưởng thụ tịch mịch, người sống cả đời mà không biết hưởng thụ tịch mịch thì dù có tiền tài giàu có đến đâu cũng là vô dụng”.

Khi chúng ta rảnh rỗi, không làm bất cứ chuyện gì, thể xác và tinh thần rơi vào trạng thái an tĩnh, như vậy rất có thể khiến chúng ta bắt đầu cảm thấy tịch mịch.

Lúc này không cần phải sợ hãi, càng không nên nghĩ đến việc tìm cách thoát khỏi trạng thái đó, mà nên để cho bản thân mình đắm chìm vào trong trạng thái đó. Dần dần chúng ta sẽ cảm nhận được mỗi bộ phận thân thể được thả lỏng, những phiền não thường ngày đều biến mất, lúc này đây chỉ còn lại sự yên tĩnh của nội tâm.

Điều làm cho tâm hồn thoải mái, vui vẻ thì khó có thể dùng tiền vàng mua được, lại càng không thể tìm thấy nơi phồn hoa đô thị, ồn ào náo nhiệt. Cho nên có người cho rằng tịch mịch là linh hồn của bình yên.

Không cần sợ nghèo khó


Vui vẻ là mục tiêu cuối cùng mà đời người muốn theo đuổi. Tiền bạc, của cải, công danh, đều không thực sự chân chính mang đến cho con người vui vẻ, mà ngược lại nếu con người có lòng tham thì sẽ bị vật chất hấp dẫn mê mờ mà quên hết thảy. Lúc này, của cải, tiền tài trở thành gông xiềng giam cầm tâm hồn con người.

Nhan Hồi, một môn sinh xuất sắc của Khổng Tử từng nói rằng: “Một ít gạo, một bầu nước, một gian nhà nhỏ vẫn thấy vui vẻ không kém”.



Tiền bạc, của cải, công danh, đều không thực sự chân chính mang đến cho con người vui vẻ. (Ảnh: Kienthuc)


Đây là một loại cảnh giới. Người này rõ ràng thấu hiểu được niềm vui của đời người không quan hệ gì với vật chất, giàu có, mà là ở tại thế giới tinh thần thỏa mãn tràn đầy.

Vì vậy, không cần phải sợ hãi nghèo khó, cũng không thể nói như vậy là không có chí tiến thủ, được chăng hay chớ, mà đây chính là hiểu được bản thân mình muốn cái gì và đem nó trở thành mục tiêu theo đuổi, chứ không phải mù quáng vì tiền tài vật chất mà lao vào kiếm tiền, làm giàu, vì xem trọng danh lợi mà theo đuổi danh lợi. Nếu sống như vậy sẽ không thể có được niềm vui cuộc đời thực sự, mà càng làm cho con người thêm mỏi mệt.

Không cần phải sợ mất đi

Đời người như một cõi tạm, bất kể dài hay ngắn, giàu hay nghèo, đến cuối đời không ai có thể mang theo bất cứ thứ gì ở thế giới này.

Bởi vì tự thân chúng ta theo đuổi, nên nhân sinh là một quá trình không ngừng đắc được.

Bởi vì số mệnh là do trời định, nên nhân sinh lại là một quá trình không ngừng mất đi.

Bất kể là vật chất, tình cảm hay những thứ khác chúng ta đều khó có thể có được vĩnh viễn. Cho nên sợ mất đi là một loại vọng tưởng và chấp nhất.


Một khi sợ hãi mất đi thứ gì đó, kỳ thực, chúng ta đã đánh mất đi một thứ so với tiền tài vật chất còn quý giá hơn, đó là sự an nhiên tự tại.

Phong Tử Khải có nói một câu rằng: “Không loạn tâm, không khổ vì tình. Không sợ tương lai, không nhớ chuyện cũ, không yêu không sợ qua một đời”. Đây chính là thái độ tốt nhất của đời người.



Sợ già đi, chính là sợ năm tháng trên tay mình trôi đi mất, sợ hãi dung nhan tuổi thanh xuân mai một không quay trở lại. (Ảnh: Aktuality)

Không cần phải sợ già đi

Sợ già đi, chính là sợ năm tháng trên tay mình trôi đi mất, sợ hãi dung nhan tuổi thanh xuân mai một không quay trở lại. Nhưng thử hỏi: Trên đời có ai mà không già đi?

Nếu thay đổi cách nhìn có lẽ sẽ thấy cuộc đời có rất nhiều giai đoạn đẹp đẽ. Giai đoạn 20 tuổi sẽ có khí thế mạnh mẽ của tuổi đôi mươi, giai đoạn 30 tuổi sẽ có sự sung mãn về tinh thần của tuổi ba mươi, giai đoạn 40 tuổi sẽ có sự thành thục ưu nhã của tuổi bốn mươi… Tóm lại mỗi một giai đoạn cuộc đời đều có đặc trưng và sự thú vị của nó, cũng giống như xuân – hạ – thu – đông, mỗi mùa đều có vẻ đẹp riêng không thể trộn lẫn.

Khi một người có tâm thái già nua, cho dù có giữ gìn nhan sắc đến đâu thì thế giới nội tâm của người đó cũng sẽ dần hoang tàn theo.

Khi một người giữ gìn tâm thái tươi trẻ, thì mặc cho năm tháng như nước trôi đi, nội tâm người đó vẫn tràn đầy sức sống.

Nhân sinh một đời, sống vì hiện tại. Đối với bất luận điều gì thì đều nên giữ tâm thái thản nhiên, mất đi cũng đạm nhiên, thuận theo tự nhiên. Tịch mịch, bần cùng, mất đi, tuổi già, phiền toái, hiểu lầm, khó khăn hay ly biệt… sống ở đời, kỳ thực cái gì cũng không cần sợ hãi.

Đức Hạnh biên dịch