Vụ án mạng bố đầu độc con làm lịch sử Halloween hoàn toàn thay đổi



Đối với trẻ em nước Mỹ, Halloween luôn là một dịp lễ hội được trông đợi nhất. Những đứa trẻ trong khu phố háo hức diện đồ hóa trang, rủ nhau đến từng nhà để chơi trò “chọc ghẹo hay là kẹo” và sau đó mang về nhà biết bao nhiêu là món kẹo ngọt ngon lành như những chiến lợi phẩm.

Thanh kẹo tẩm kịch độc

Tưởng rằng lễ hội ma quái hàng năm đối với trẻ con chỉ toàn là niềm vui ngọt ngào, vậy mà một vụ án mạng xảy ra vào mùa Halloween năm 1974 đã khiến cho lịch sử lễ hội hoàn toàn thay đổi. Ronald Clark O’Bryan hay còn được biết đến với biệt danh Candy Man – kẻ sát nhân không chỉ nhẫn tâm hạ sát con trai ruột của mình mà còn “giết” luôn Halloween của tất cả trẻ em Mỹ.



Ronald Clark O’Bryan khi bị cảnh sát bắt (Ảnh: Internet)

Buổi tối mưa gió 31/10/1974 tại Deer Park, Texas, Ronald dắt theo con trai 8 tuổi Timothy, con gái 5 tuổi Elizabeth cùng gia đình hàng xóm Jim Bates đi xin kẹo trong khu phố. Theo báo cáo vào thời điểm đó, cả nhóm đi đến một ngôi nhà không bật đèn, sau khi gõ cửa không ai trả lời, tất cả đều quay lưng đi đến nhà tiếp theo.

Lúc này Ronald bỗng đi chậm lại phía sau, đến khi bắt kịp mọi người, hắn móc ra 5 cây kẹo ống hút Pixy Stix nói rằng chủ nhà lúc nãy đưa cho. Hắn phát kẹo cho hai đứa con mình, hai đứa trẻ nhà Bates và một đứa trẻ khác vừa nhập hội.

Đêm hôm ấy khi kết thúc buổi xin kẹo, bọn trẻ trở về nhà trong tâm trạng vui sướng với cả túi kẹo to trên tay. Timothy cũng vậy, cậu bé rất nôn nóng được thưởng thức thành quả của mình. Trước khi đi ngủ, Timothy được cho phép ăn một chiếc kẹo và cậu bé đã chọn cây kẹo ống hút mà bố đã đưa.

Loay hoay một lúc không bóc được, Timothy đã nhờ đến bố giúp cậu bé lấy kẹo ra khỏi ống hút. “Kẹo có vị rất đắng”, Timothy đã thắc mắc với bố như vậy. Ronald sau đó chạy đi rót một cốc nước ngọt để giúp con trai giảm bớt vị khó chịu từ kẹo. Chỉ trong vòng vài giây sau, Timothy bỗng gặp cơn đau bụng dữ dội. Cậu bé liên tục nôn mửa và co giật. Cho đến lúc được đưa đến bệnh viện, Timothy đã qua đời.



Thanh kẹo ống hút được tẩm chất độc (Ảnh: Internet)

Báo cáo pháp y cho thấy, Timothy đã chết vì ngộ độc cyanide. Nồng độ thuốc độc phát hiện trong người cậu bé đủ để giết chết 3 người đàn ông khỏe mạnh. Khi được hỏi cung, Ronald khai với cảnh sát con trai mình chỉ ăn duy nhất một cây kẹo Pixy Stix.

Nỗi sợ hãi lan rộng vì cảnh sát không biết được có bao nhiêu cây kẹo nhiễm độc đã được phát ra. Ngay lập tức họ phải cử nhân viên đến từng nhà trong phố để cảnh báo và thu hồi lại tất cả kẹo bọn trẻ xin được. Những thanh kẹo ống hút do Ronald phát sau đó được kiểm tra đều chứa chất độc cyanide. Rất may mắn, ngoài Timothy, không có trường hợp bị đầu độc nào khác.

Bộ mặt thật của người bố “đau khổ”

Trong tang lễ của Timothy, Ronald rất suy sụp, hắn còn đứng lên hát một bài thánh ca bày tỏ nỗi đau khổ của mình trước cái chết bất ngờ của con trai. Toàn thể người tham gia ngày hôm đó, không ai là không rơi lệ, và họ chắn chắc không bao giờ nghĩ rằng, hung thủ gây ra cái chết của Timothy đáng thương không ai khác lại chính là người bố ruột của cậu bé.

Cuộc điều tra dần làm sáng tỏ vụ án khi cảnh sát phát hiện ra được những tình tiết mới, tất cả đều dẫn đến kẻ tình nghi số 1 là Ronald. Theo như thông tin, Ronald đang mắc nợ đến hơn 100 nghìn USD, chiếc xe hơi của hắn đang sắp bị thu hồi, hắn có hàng loạt khoản vay ngân hàng và ngay cả căn nhà cũng đã bị mang ra thế chấp.



Bài báo về cái chết của cậu bé Timothy (Ảnh: Internet)

Tuy nhiên, phát hiện quan trọng nhất là Ronald đã mua bảo hiểm nhân thọ cho hai đứa con vài tháng trước khi sự việc xảy ra. Hắn còn liên tục nâng giá trị khoản bảo hiểm ngay trước khi Timothy chết. Theo đó, nếu cậu con trai qua đời, Ronald sẽ được nhận khoản bồi thường là 40 nghìn USD.

Ronald khai rằng hắn không nhớ lấy mấy thanh kẹo ở nhà nào. Khi cảnh sát điều tra, những căn nhà mà hắn cùng người hàng xóm Tim và lũ trẻ ghé qua đều không hề phát kẹo ống hút. Sau đó, Ronald lại nói hắn nhớ đã lấy kẹo ống hút từ một căn nhà đã tắt đèn. Ban đầu gọi cửa không ai trả lời, sau đó có người hé cửa và phát cho mấy thanh kẹo. Chủ nhân ngôi nhà đó, Courtney Melvin đã phủ nhận cáo buộc này và đưa ra được chứng cứ ngoại phạm vững chắc.




Nạn nhân nhỏ tuổi bị chính bố mình đầu độc (Ảnh: Internet)

Nhân viên điều tra cũng phát hiện được Ronald đã từng đến một cửa hàng ở Houston để mua chất độc potassium cyanide (kali xyanua). Mặc dù ra về tay không, nhưng từng ấy chứng cứ cũng đủ để cảnh sát thành lập động cơ giết người của Ronald.
Các nhà điều tra tin rằng, Ronald đã nhẫn tâm hạ sát con trai để được hưởng bảo hiểm, giúp hắn thanh toán nợ nần. Hắn còn rất kỹ càng, phát kẹo cả cho những đứa trẻ khác nhằm che đậy hành động dã man của mình.

Án tử hành dành cho người bố vô nhân tính

Ronald bị bắt vào ngày 5/11/1974 với 5 cáo buộc: 1 tội giết người và 4 tội cố ý giết người. Tuy nhiên Ronald luôn phủ nhận tội danh của mình. Buổi xét xử vụ án của Ronald diễn ra trong vòng 71 phút. Sau khi xem xét toàn bộ lời buộc tội và chứng cứ, thẩm phán kết án tử hình đối với Ronald. Ngày 31/3/1984, Ronald bị tiêm thuốc độc, tuyên bố tử vong vào lúc 0 giờ 48 phút sáng.



Đông đảo thanh niên tụ tập để ủng hộ kết án tên sát nhân Candy Man (Ảnh: Internet)

Cho đến giây phút cuối cùng, Ronald vẫn chưa từng thừa nhận lời buộc tội và luôn cho rằng mình không có tội. Lá thư cuối cùng để lại, hắn viết: “Là con người, ai cũng sẽ mắc sai lầm. Án tử này là một sai lầm nhưng không có nghĩa hệ thống công lý của chúng ta là sai. Chính vì thế, tôi sẽ tha thứ cho tất cả những ai đã tham gia vào cái chết của tôi…”

Vụ án đầu độc của Ronald đã làm rúng động toàn nước Mỹ. Từ sau khi thông tin được công bố, rất nhiều chương trình bảo vệ an toàn trong lễ Halloween được đặt ra để giúp phụ huynh bảo vệ con em mình. Trẻ con bị kiểm soát chặt chẽ hơn trong mỗi dịp lễ, phụ huynh cũng rất khắt khe kiểm tra mỗi chiếc kẹo mà con mang về. Lễ hội Halloween từ đó trong mắt mọi người luôn ẩn chứa những nguy hiểm chết người. Và chính vì thế, nhiều thế hệ sau này luôn cho rằng, chính Ronald hay Candy Man, chính là người đã “giết” chết Halloween vui vẻ của trẻ con.


Theo Thời đạị