Lãnh đạo VN kỷ niệm, giới trẻ ‘không nhớ’ CM tháng 10 Nga





Tượng Lenin ở Hà Nội được trang hoàng nhân dịp Việt Nam kỷ niệm 100 năm cách mạng tháng 10 Nga


Đảng Cộng sản Việt Nam kỷ niệm trọng thể ngày nổ ra cuộc cách mạng tháng 10 Nga cách đây 100 năm, 7/11/1917, trong khi giới trẻ tỏ ra ít quan tâm đến sự kiện này.

Khoảng một tuần nay, trải rộng từ trung tâm ra đến vùng ngoại ô cách chừng 10 kilomet, nhiều đường phố Hà Nội treo các biểu ngữ nền đỏ chữ vàng, mang nội dung “100 năm tinh thần cách mạng tháng 10 Nga bất diệt!” hoặc “Nhiệt liệt chào mừng 100 năm cách mạng tháng 10 Nga vĩ đại”. Nhiều công sở cũng treo các khẩu hiệu này.

Đồng thời, cũng ở thủ đô Việt Nam, đã diễn ra nhiều hoạt động kỷ niệm cuộc cách mạng của Nga, từ các triển lãm, hòa nhạc, cho đến đỉnh điểm là buổi lễ trọng thể sáng ngày 5/11 do Tổng bí thư Đảng Nguyễn Phú Trọng chủ trì.

Trong diễn văn tại lễ kỷ niệm với sự có mặt của toàn bộ các nhà lãnh đạo hàng đầu Việt Nam và 3.500 đại biểu, vị tổng bí thư nói cách mạng tháng 10 Nga thành công đã “tiếp sức cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế”.

Ông Trọng tiếp đó khẳng định rằng “mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam” đều gắn liền với ảnh hưởng của cuộc cách mạng ở Nga, ngoài ra là nhờ sự ủng hộ và giúp đỡ của nhân dân Liên Xô trước đây.

Tin tức trên báo chí Việt Nam không cho hay liệu có nhà ngoại giao nào của đại sứ quán Nga dự lễ kỷ niệm do đảng cộng sản Việt Nam tổ chức hay không. VOA liên lạc với đại sứ quán Nga hôm 6/11 nhưng chỉ nhận được câu trả lời từ một người nói tiếng Nga là họ đang nghỉ lễ.

Một nữ phó bí thư đoàn thanh niên cộng sản thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, trong vai trò là đại diện thế hệ trẻ Việt Nam tại buổi lễ, đã phát biểu rằng thế hệ trẻ hôm nay “hiểu được tầm vóc, ý nghĩa lịch sử và giá trị thời đại to lớn” của cách mạng tháng 10 Nga đối với “cuộc đấu tranh giành độc lập và xây dựng chủ nghĩa xã hội” của Việt Nam.

“Thế hệ trẻ chúng tôi nguyện trung thành với mục tiêu, lý tưởng của đảng”, nữ phó bí thư khẳng định.

Thực ra cuộc cách mạng này bọn cháu học từ mấy năm trước rồi cho nên là bây giờ cháu cũng không nhớ nữa ạ.
Triệu Quang Minh, 17 tuổi


Nhưng những lời phát biểu trong hội trường không có sự cộng hưởng với những gì người ta có thể thực sự nghe thấy trên đường phố.

Trên quảng trường dưới chân tượng Lenin, nằm trong công viên mang cùng tên của lãnh tụ cuộc cách mạng Nga, ở ngay gần trung tâm Hà Nội, hàng trăm sinh viên, học sinh không chú ý đến những việc chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 100 năm vào những ngày này. Họ dành thời gian cho giải trí cá nhân hay các trò chơi tập thể.

Nam sinh viên Triệu Quang Minh, 17 tuổi, nói với VOA:

“Thực ra cuộc cách mạng này bọn cháu học từ mấy năm trước rồi cho nên là bây giờ cháu cũng không nhớ nữa ạ”.

Minh cho rằng những người đồng trang lứa như cậu quan tâm nhiều hơn đến những gì đang diễn ra trong đời sống xã hội hiện tại, thay vì các vấn đề lịch sử:

“Người ta quan tâm làm sao học cho giỏi, sau này kiếm được nhiều tiền. Theo xu thế, mọi người muốn là nếu có điều kiện thì đi du học, ra nước ngoài học càng nhiều càng tốt. Tại vì môi trường bên đấy vừa tốt hơn, sau này bằng cấp cũng sẽ tốt hơn ở Việt Nam, sau này sẽ kiếm được thu nhập nhiều hơn”.


Cựu chiến binh Đào Văn Quân, 75 tuổi, nói ông giữ nhiều tình cảm tốt đẹp về Liên Xô trước đây và Nga sau này vì họ đã giúp đỡ Việt Nam rất nhiều trong “các cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ”.

Đứng trong Bảo tàng Lịch sử Quân sự, đối diện tượng Lenin, ông tỏ ý lo lắng về việc nhiều người trong giới trẻ Việt Nam không nắm về lịch sử:

“Nếu như Việt Nam không học lịch sử, không học truyền thống với bạn bè, thì sau này tất nhiên có thể mai một đi đấy. Nếu nhà nước không giáo dục lớp trẻ bây giờ, học sinh bây giờ, thì nó mai một đi nhiều đấy. Lớp trẻ bây giờ quên lịch sử, quên quá khứ nhiều quá”.

Sự thay đổi là tất yếu. Không có cái gì bền vững mãi mãi được. Người ta cũng phải theo quy luật sinh lão bệnh tử. Một giá trị lớn như cách mạng tháng 10 Nga đã tồn tại rất lâu rồi, nhưng khi thời cuộc thay đổi, cuộc sống thay đổi, thì bây giờ tư tưởng, tâm tư tình cảm của mọi người cũng sẽ thay đổi, và rồi cũng sẽ đến lúc nó phải đi vào dĩ vãng.

ông Nguyễn Như Phong, nguyên đại tá an ninh, 63 tuổi


Các lãnh đạo chính trị và các cán bộ tuyên giáo Việt Nam lâu nay nhiều lần cảnh báo rằng sự “phai nhạt” trong nhận thức của người Việt Nam về “lịch sử cách mạng”, nhất là trong giới trẻ, có thể dẫn đến những thay đổi sâu xa.

Đối với đại tá an ninh đã nghỉ hưu Nguyễn Như Phong, 63 tuổi, ông có cái nhìn thực tế. Người từng là phó tổng biên tập báo Công an Nhân dân nói với VOA ngay dưới chân tượng Lenin:

“Sự thay đổi là tất yếu. Không có cái gì bền vững mãi mãi được. Người ta cũng phải theo quy luật sinh lão bệnh tử. Một giá trị lớn như cách mạng tháng 10 Nga đã tồn tại rất lâu rồi, nhưng khi thời cuộc thay đổi, cuộc sống thay đổi, thì bây giờ tư tưởng, tâm tư tình cảm của mọi người cũng sẽ thay đổi, và rồi cũng sẽ đến lúc nó phải đi vào dĩ vãng”.

Tuy nhiên, nhà báo kỳ cựu của Việt Nam cho rằng giá trị của cuộc cách mạng Nga, văn hóa và tính cách Nga sẽ vẫn có âm hưởng lâu dài trong nhiều người Việt, một phần do yếu tố lịch sử, một phần khác là nhờ những hợp tác vẫn tiếp tục, và có thể còn gia tăng giữa Việt Nam với Nga.

Nhận xét về việc đảng cộng sản Việt Nam kỷ niệm “rất trang trọng” 100 năm cuộc cách mạng tháng 10, trong khi chính nước Nga gần như không có hoạt động chính thức gì đáng kể, ông Phong nói điều đó thể hiện “tình cảm của đất nước Việt Nam đối với đất nước Xô Viết xưa”.

Vị cựu đại tá an ninh đưa ra quan điểm cũng trùng với những gì nhiều lãnh đạo Việt Nam đã nói, đó là nếu không có cách mạng tháng 10 Nga, Việt Nam “chưa chắc” đã có cách mạng tháng 8, và cũng “chưa chắc” đã có một nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam như hôm nay.

Mặc dù vậy, ông Phong đánh giá rằng các hoạt động kỷ niệm có thể ít ảnh hưởng đến dân chúng:

“Tôi nghĩ nó có hiệu quả nhưng mà có lẽ không nhiều, bởi vì bây giờ thời thế đã đổi khác nhiều rồi. Cách nghĩ, cách sống, đặc biệt là thế hệ hiện nay thì họ cũng đã nhìn nước Nga bằng con mắt khác. Và thực tế thì người Nga cũng đã nhìn người Việt Nam bằng con mắt khác. Bây giờ đó là sự hợp tác cùng phát triển kinh tế”.

Trước buổi lễ chính thức hôm 5/11, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đặt lẵng hoa dưới chân tượng Lenin trong một nghi lễ chỉ kéo dài chừng hơn 5 phút.

Gần đó, nhiều bạn trẻ ở độ tuổi dưới 19 như sinh viên Triệu Quang Minh đứng chờ ở ngoài “hàng rào” các nhân viên công an, an ninh bảo vệ cho nghi lễ.

Ngay khi vị lãnh đạo đảng và các quan chức hàng đầu kết thúc nghi lễ và rời đi, các bạn trẻ tấp nập đổ vào quảng trường dưới chân tượng, sôi nổi trượt patin, đánh cầu lông hay các trò chơi tập thể, dường như không để ý gì tới các khẩu hiệu về kỷ niệm 100 năm cách mạng tháng 10 Nga ở quanh đó.


06/11/2017
VOA