Lần đầu tiên Nga dựng đài tưởng niệm nạn nhân dưới thời Stalin



Vào ngày 30/10 vừa qua, Nga tổ chức lễ khánh thành công trình đầu tiên tưởng niệm nạn nhân bị đàn áp dưới thời nhà lãnh tụ cộng sản Joseph Stalin, với sự tham dự của Tổng thống Vladimir Putin.



Tổng thống Putin phát biểu tại lễ khánh thành Bức tường Đau thương hôm 30/10. (Ảnh: TASS)

Đây là lần đầu tiên Liên bang Nga xây dựng đài tưởng niệm nạn nhân thời Liên Xô, BBC cho biết.

Theo BBC, công trình đài tưởng niệm này mang tên Bức tường Đau thương do nghệ sĩ điêu khắc Georgy Frangulyan thực hiện bằng chất liệu đồng, miêu tả về những con người với các khuôn mặt bị biến dạng giống như lưỡi hái. Công trình nằm dọc theo đường vành đai trung tâm thủ đô Moscow.

Trao đổi với BBC về tác phẩm của mình, nghệ sĩ Frangulyan nói rằng công trình tưởng niệm này không chỉ là “đại diện cho nghệ thuật bình thường, mà nó là biểu đạt của cảm xúc, của nỗi sợ hãi và sự báo động”.

Được biết, dưới thời Joseph Stalin từ những năm 1920 tới những năm 1950, ít nhất 750.000 thường dân Liên Xô đã bị hành quyết, và hàng triệu người bị trục xuất hoặc bỏ tù.

Phát biểu trong lễ khánh thành công trình quan trọng này hôm 30/10, Tổng thống Putin nói: “Một sự đánh giá minh bạch và rõ ràng về cuộc đàn án này sẽ giúp ngăn chặn điều đó lặp lại”.

Theo Tổng thống Nga: “Đối với tất cả chúng ta, đối với các thế hệ tương lai, điều rất quan trọng là phải biết và ghi nhớ thời kỳ bi thảm này trong lịch sử nước ta, khi toàn bộ các tầng lớp, toàn bộ các dân tộc: công nhân và nông dân, kỹ sư và thuyền trưởng, linh mục, quan chức chính phủ, nhà khoa học và nhà văn hóa bị bức hại nghiêm trọng”.

“Quá khứ khủng khiếp này không thể bị xóa nhòa khỏi ký ức quốc gia chúng ta và không thể biện minh bằng bất cứ điều gì”, ông Putin khẳng định.

Ông nhấn mạnh: “Đàn áp chính trị là bi kịch cho tất cả nhân dân, cho toàn xã hội, đòn tàn nhẫn với đất nước chúng ta, đến tận gốc rễ, văn hóa, ý thức, khiến chúng ta còn chịu ảnh hưởng cho đến bây giờ“.

Tuy nhiên, nhiều người cáo buộc Tổng thống Putin hiện nay vẫn tiếp tục di sản đàn áp chính trị và trấn áp tự do dân sự như dưới thời cộng sản Liên Xô.

Một nhóm các nhà bất đồng chính kiến từ thời Liên Xô đã viết thư gửi tới một website tin tức của Nga nói rằng họ đánh giá sự kiện khánh thành công trình tưởng niệm này là “không kịp thời và không chân thành”.

Trong thực tế, từ khi trở thành Tổng thống Liên bang Nga, ông Putin có thái độ rất rõ ràng với những sai lầm của thời Xô Viết.

Năm 2005, Tổng thống Putin đã chính thức bãi bỏ ngày lễ kỷ niệm Cách mạng tháng Mười (7/11) và chỉ xem đây là ngày đi làm bình thường. Thay vào đó, từ 2005, Nga chọn 4/11 làm ngày lễ, gọi đây là Ngày Đoàn kết Quốc gia, kỷ niệm cuộc nổi dậy đánh đuổi Ba Lan khỏi Moscow tháng 11/1612.

Từ nhiều năm qua, Điện Kremlin tránh nói đến Cách mạng Tháng 10, mà như lời phát ngôn viên Dimitry Peskov từng hỏi: “Kỷ niệm để làm gì nữa?“.



Tổng thống Putin cùng đại diện Giáo hội Chính Thống và các tôn giáo khác đặt hoa bên tường điện Kremlin trong ngày lễ kỷ niệm chiến thắng quân Ba Lan năm 1612. (Ảnh: BBC)

Trong cuộc chiến 1605 – 1618, Vua Zygmunt đã dùng liên quân với Lithuania và lính đánh thuê Đức, Hungary để tấn công Nga đang suy yếu vì nội loạn. Họ chiếm Pskov, bao vây Smolensk, rồi từ năm 1610 đã làm chủ doanh trại Moscow.

Cuộc nổi dậy của dân Moscow năm 1611 có sự hỗ trợ của các nhà buôn và Giáo hội Chính Thống giáo đã đẩy quân Ba Lan ra khỏi thành phố vào năm 1612. Chiến tranh tạm kết thúc với hòa ước Deulino vào năm 1618 và Nga đã mất nhiều đất đai.

Tuy thế, trong cuộc chiến, lần đầu tiên có sự phối hợp của bốn thành phần dân tộc Nga: người dân, giới doanh nhân, quân đội và tăng lữ để chống ngoại xâm.

Tổng Giám mục Moscow là Germogen bị quân Ba Lan giết chết và sau được Giáo hội Nga phong thánh.

Các yếu tố này là cần thiết để ông Putin tạo ra biểu tượng mới mang tinh thần dân tộc, thay cho chủ nghĩa cộng sản bài trừ tôn giáo của Cách mạng Tháng 10. Quả vậy, mọi buổi lễ 4/11 đều có mặt các chức sắc của Giáo hội Chính thống giáo Nga.

Giáo hội Nga cũng coi Cách mạng Tháng 10 là “đại thảm họa về tâm linh” cho dân tộc Nga, và coi đó là một thử thách “của thời kỳ tàn sát” với đức tin Ki Tô.

Tú Văn (t/h)
09/11/2017