TPP tiến tới mà không có Mỹ, được đổi tên thành CPTPP





Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam Trần Tuấn Anh (trái) và Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi trong một cuộc họp báo về hiệp định TPP bên lề hội nghị thượng đỉnh APEC ở Đà Nẵng, ngày 11 tháng 11, 2017


Các quốc gia tham gia hiệp định thương mại Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã đạt được đồng thuận về những yếu tố cốt lõi để tiến về phía trước mà không có Mỹ, các quan chức cho biết hôm thứ Bảy, sau khi có sự kháng cự vào phút chót của Canada làm nảy sinh nghi ngờ mới về sự tồn tại của thỏa thuận này.

Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam, mở đầu cuộc họp báo với sự tham gia của Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi, loan báo các bộ trưởng của 11 nước đã thống nhất những vấn đề cốt lõi của hiệp định mới theo hướng giữ nguyên các nội dung của hiệp định TPP cũ, “nhưng cho phép các nước thành viên sẽ tạm hoãn một số ít các nghĩa vụ để đảm bảo sự cân bằng trong bối cảnh mới.”

Ông cũng cho biết hiệp định TPP-11 giờ có tên chính thức là “Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership,” Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương, gọi tắt là CPTPP.

“Chúng tôi cho rằng những đoạn đường khó khăn nhất chúng ta đã đi qua và có thể nói đang đến rất gần với một hiệp định TPP-11,” Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói với cuộc họp báo.

Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi cho biết ông hy vọng rằng xúc tiến hiệp định thương mại này sẽ là một bước tiến tới việc đưa Mỹ quay trở lại.

Một phần chống lại sự thống trị ngày càng tăng của Trung Quốc tại Châu Á, Nhật Bản trước đó đã vận động mạnh mẽ cho hiệp định TPP, có mục tiêu loại bỏ thuế quan đối với các sản phẩm công nghiệp và nông nghiệp khắp 11 quốc gia ven bờ Thái Bình Dương, mà khối lượng thương mại đạt 356 tỉ đôla vào năm ngoái.

Để đạt được đồng thuận về việc xúc tiến hiệp định này, 20 điều khoản của hiệp định nguyên thủy sẽ bị đình chỉ, ông Motegi cho biết. Thỏa thuận sẽ có hiệu lực sau khi sáu trong số 11 nước thành viên phê chuẩn.

Trong số những điều khoản của của hiệp định TPP nguyên thủy có những điều khoản đề ra những tiêu chuẩn cao trong những lĩnh vực như môi trường, quyền người lao động và quyền sở hữu tài sản trí tuệ - một trong những điểm khúc mắc lớn sau khi Mỹ rời đi.

Việt Nam nói với việc Mỹ rút ra khỏi hiệp định TPP, có “những khó khăn nhất định” để tiếp tục duy trì hiệp định với những tiêu chuẩn cao như vậy “trong những điểm cân bằng mới về quyền lợi, lợi ích và nghĩa vụ cam kết của mình.”

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói thêm rằng đã có “một quan điểm thực tiễn hơn” để đảm bảo khả năng thực thi và tính hiệu quả đối với 11 quốc gia còn lại của TPP, và quan điểm này đã đưa các nước nước tới thỏa thuận về những vấn đề cốt lõi của TPP-11.

Ông không nêu cụ thể quan điểm “thực tiễn” đó là gì.

Hôm thứ Sáu, không chắc liệu một thỏa thuận có đạt được hay không khi hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo các nước TPP bị hủy sau khi Thủ tướng Canada không đến dự. Bộ trưởng thương mại Canada sau đó nói sự vắng mặt của ông Trudeau là do có “một sự hiểu lầm về lịch trình.”

Canada, nước có nền kinh tế lớn thứ hai trong số các nước TPP còn lại sau Nhật Bản, trước đó nói rằng họ muốn đảm bảo có một thỏa thuận mà sẽ bảo vệ công ăn việc làm.


VOA
11/11/2017