Apple đã “lách” hàng tỷ USD tiền thuế như thế nào?


Những nỗ lực bí mật để tránh hàng tỷ USD tiền thuế của nhà sản xuất iPhone đã bị phanh phui trong hồ sơ Paradise đang gây chấn động giới siêu giàu toàn cầu mới đây.



Apple đang để 252 tỷ USD bên ngoài nước Mỹ. (Ảnh: Prime Digital)

Hồ sơ Paradise – một kho tài liệu vừa rò rỉ cho thấy, Apple đã tìm được một địa điểm mới để cất giấu một lượng tiền mặt khổng lồ khoảng 252 tỷ USD, sau hơn hai thập kỷ hưởng lợi từ thuế suất rất thấp tại Ireland. Nhà sản xuất iPhone không đưa số tiền này về Mỹ vì sẽ phải đối mặt với mức thuế rất cao.


Theo báo cáo tài chính mới nhất, Apple thu về 44,7 tỷ USD từ các thị trường nước ngoài nhưng chỉ phải nộp 1,65 tỷ USD thuế cho các chính phủ năm 2017, tương đương 3,7%. Tỷ lệ này chưa bằng 1/6 thuế thu nhập doanh nghiệp trung bình trên thế giới.

Sau đó, trước sức ép từ cộng đồng châu Âu, Ireland đã phải đóng các lỗ hổng cho phép doanh nghiệp hưởng thuế suất dưới 12,5%. Hiệp hội Các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) tiết lộ hãng công nghệ Mỹ này đã tìm được một địa điểm mới để giữ lại lợi nhuận ở nước ngoài sau thời điểm này.

Suốt nhiều năm qua, Apple hưởng hầu hết lợi nhuận ở nước ngoài nhờ Ireland. Các thoả thuận với chính phủ nước này cho phép Apple chỉ phải chịu mức thuế 0,005% trong năm 2014 với hầu hết các sản phẩm bên ngoài nước Mỹ, theo Uỷ ban châu Âu (EC).

Theo đó, Apple đã chọn Jersey, một hòn đảo nhỏ tại Anh không đánh thuế lợi nhuận của các doanh nghiệp nước ngoài và phần lớn nằm ngoài thẩm quyền của Liên minh châu Âu (EU). Đồng thời, Jersey cũng có mối liên hệ mật thiết với hệ thống ngân hàng tại Anh. Vì thế, hòn đảo nhỏ này có vai trò quan trọng trong chiến lược thuế mới của Apple.

Đáp lại thông tin này, Apple cho biết đã điều chỉnh cấu trúc của công ty khi Ireland thay đổi chính sách thuế năm 2015 trong một thông báo cách đây vài ngày. “Như một phần của những thay đổi, công ty con nắm giữ tiền mặt ở nước ngoài của Apple đã chuyển tới Anh. Động thái này để đảm bảo nghĩa vụ thuế và thanh toán cho Mỹ không bị cắt giảm”, hãng công nghệ này cho biết.


Apple nhấn mạnh: “Từ đó, Apple đã nộp thuế hàng tỷ USD tại Mỹ đối với các khoản thu của công ty con này. Không có lợi ích về thuế cho Apple từ sự thay đổi này, và điều quan trọng là việc này không làm giảm các khoản nộp thuế hay nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp tại bất kỳ quốc gia nào”.

“Công ty trả từng đồng thuế nợ mỗi quốc gia trên toàn thế giới, bao gồm thuế suất tiêu chuẩn 35% tại Mỹ và 21% với doanh thu ở nước ngoài. Tỷ lệ này đã được duy trì trong nhiều năm”, nhà sản xuất iPhone khẳng định.

Hiện tại, EU đang cố gắng buộc Ireland phải truy thu 13 tỷ EUR (15 tỷ USD) thuế Apple chưa nộp. Trong khi đó, EC cáo buộc chính phủ Ireland đã tiếp tay bất hợp pháp giúp Apple hưởng thuế suất thấp suốt hơn 20 năm.

Tháng 10/2017, chính phủ Ireland cho biết đã nỗ lực thu hồi thuế từ Apple, dù chưa chấp nhận cáo buộc của EC. Trong khi đó, CEO Apple – Tim Cook cho rằng phán quyết của EC không có cơ sở dựa trên thực tế và luật lệ.

Hồ sơ Paradise được tiết lộ trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump đang tìm cách điều chỉnh thuế liên bang của Mỹ. Hồ sơ Paradise gồm khoảng 13,4 triệu tài liệu văn bản bao gồm dữ liệu từ năm 1950 đến năm 2016, chủ yếu đến từ Appleby, một công ty luật có văn phòng tại Bermuda và một số địa điểm khác, chuyên cung cấp dịch vụ pháp lý về tài khoản ở nước ngoài và hai công ty luật Estera và Asiaciti Trust.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross, Nữ hoàng Anh Elizabeth và nhiều nhân vật cấp cao khác đều có tên trong kho tài liệu do tờ Sueddeutsche Zeitung của Đức thu thập.

Số tài liệu này ban đầu được báo Đức Suddeutsche Zeitung nắm được và sau đó chia sẻ với ICIJ và các đơn vị truyền thông đối tác lớn như Guardian, BBC và New York Times. Tuy nhiên, nguồn rò rỉ kho tài liệu hồ sơ Paradise không được tiết lộ. Hồ sơ Paradise do 381 nhà báo từ 67 quốc gia phân tích.

“Thiên đường thuế” là cách gọi về một khu vực mà mặt pháp lý mức thuế được ấn định rất thấp hoặc miễn hoàn toàn. Tài sản cất giữ ở các “thiên đường thuế” là một vấn đề nan giải đối với các chính phủ trên thế giới trong nhiều năm trở lại đây. Giới chuyên gia cho rằng, lượng tài sản cất giữ ở nước ngoài trên thế giới hiện lên đến 10.000 tỷ USD.

Hồng Liên (t/h)