Vạn vật đều có linh: Chuyện con kiến báo ân



Không ít người đã từng nghe nói vạn vật đều có linh. Thật vậy, chúng ta đều biết rằng động vật có thể nghe hiểu một số lời nói của con người, thậm chí chúng còn biết đền ơn đáp nghĩa. Hai câu chuyện sau đây sẽ giúp bạn phần nào vững tin hơn về điều này.



Vạn vật đều có linh, động vật cũng có tình. (Ảnh: 1Zoom)

1. Kiến vương cứu mạng Đổng Chiêu báo ân

Đổng Chiêu là người huyện Phú Dương, quận Ngô (nay là thành phố Phú Dương, Hàng Châu). Trong một lần đi thuyền qua sông Tiền Đường, ông nhìn thấy một con kiến bám vào đoạn cỏ lau rất ngắn nổi trên sông, nó cứ bò đến một đầu cọng cỏ rồi quay lại đầu bên kia, qua lại liên tục, có vẻ vô cùng hoảng loạn. Đổng Chiêu nói: “Con kiến này hẳn là đang sợ chết rồi!“.


Vì thế ông muốn vớt con kiến lên thuyền, nhưng những người trong thuyền đều trách móc: “Đây là côn trùng độc có thể cắn chết người, không thể để nó sống được. Chúng ta phải giết chết nó!“.

Trong lòng Đổng Chiêu rất thương cảm con kiến này, không nỡ giết nó nên đã dùng sợi dây buộc cọng cỏ lau với con thuyền. Đến khi thuyền cập bờ, con kiến mới được bò khỏi sông lớn.

Trong đêm hôm đó, Đổng Chiêu nằm mơ thấy một người mặc quần áo đen, mang theo 100 người đến cảm ơn: “Tôi là kiến vương, không cẩn thận rơi xuống sông, may có ông cứu sống tôi. Sau này nếu ông gặp nguy hiểm hay khó khăn gì thì cứ nói với tôi“.


Hơn 10 năm sau, nơi ở của Đổng Chiêu xảy ra vụ án cướp bóc. Quan phủ ngang ngược áp tội, lên án ông là thủ phạm và bắt giữ ông trong nhà giam của huyện thừa. Lúc này, Đổng Chiêu chợt nhớ tới lời báo mộng của kiến vương: “Kiến vương nói gặp chuyện nguy cấp thì cứ nói với nó, nhưng hiện tại đến nơi nào để nói cho nó biết đây?“.

Ngay trong lúc đang suy nghĩ hết sức chuyên chú, người bị giam cùng với Đổng Chiêu hỏi: “Ông đang suy nghĩ gì vậy?“. Đổng Chiêu liền kể lại chi tiết tình hình thực tế.

Người nọ nói: “Ông chỉ cần bắt hai ba con con kiến đặt trong lòng bàn tay, nói cho chúng biết là được rồi“.

Đổng Chiêu làm theo lời người này, quả nhiên đêm hôm đó ông mơ thấy người mặc quần áo đen, kiến vương nói: “Ông có thể nhanh chóng tìm nơi nương tựa trong núi Dư Hàng. Thiên hạ đã loạn rồi, chẳng bao lâu nữa lệnh đại xá sẽ được ban bố“.

Sau đó, Đổng Chiêu bừng tỉnh. Con kiến đã cắn phá gông cùm, xiềng xích, nên ông có thể chạy khỏi nhà tù, vượt qua sông Tiền Đường, tìm nơi nương tựa tại núi Dư Hàng.

Không lâu sau lệnh đại xá thực sự được ban bố, Đổng Chiêu được đặc xá.

2. Con kiến đền ơn bồ câu


Con kiến đang đi đường mệt thì gặp một hồ nước, nó liền đi đến bên bờ hồ muốn uống nước rồi nghỉ ngơi chốc lát, nhưng không ngờ lại bị trượt chân xuống hồ nước. Con kiến không biết bơi, nó vùng vẫy, uống phải mấy ngụm nước và kêu cứu: “Cứu mạng, cứu… cứu tôi với!“.

Trên một cái cây lớn bên hồ nước có một con chim bồ câu đang đậu, nó nghe thấy tiếng kêu cứu của con kiến bèn ló đầu ra xem xét: “Chao ôi, không hay rồi! Con kiến rớt xuống hồ mất rồi!“.

Bồ câu muốn cứu con kiến, nhưng chính nó cũng không biết bơi. Vậy phải làm sao đây? Nó cái khó ló cái khôn, kẹp một chiếc lá ném xuống chỗ con kiến nói: “Mau bò lên trên chiếc lá đi!”

Con kiến vội vàng bắt lấy lá cây, dùng hết sức bình sinh bò lên. Thế là con kiến đã được cứu! Nó nói với bồ câu: “Này anh bồ câu , cảm ơn anh đã cứu mạng tôi, về sau nếu có cơ hội, tôi nhất định sẽ báo đáp anh!“.

Bồ câu mỉm cười đáp: “Không cần cảm ơn đâu! Sau này cậu phải cẩn thận nha!“.


Sau vài ngày, vào một buổi trưa nọ, con kiến lại đi qua hồ nước, nó nhìn thấy bồ câu ngủ trên tàn cây. Nó rất muốn chào hỏi bồ câu nhưng lại không muốn quấy rầy giấc ngủ trưa của cậu, vì vậy con kiến chuẩn bị tiếp tục hành trình.

Đúng lúc này, con kiến chợt nghe thấy tiếng bước chân “sàn sạt”, chỉ chốc lát sau, một người thợ săn xuất hiện. Ông ta phát hiện con bồ câu nằm im trên cây, nên giương cung lắp tên, nhắm thẳng vào bồ câu.

Con kiến nghĩ: “Không hay rồi, bồ câu gặp nguy hiểm!”. Lúc này có kêu to cũng không kịp nữa, vừa khéo là chân thợ săn ở ngay bên cạnh nó, thế là con kiến liền mở miệng cắn một phát!

Thợ săn đang muốn bắn tên chợt cảm thấy chân vô cùng đau nhức, thân thể lung lay một chút, mũi tên được bắn đi, bay sượt qua mình bồ câu cắm vào thân cây, khiền con chim giật mình tỉnh dậy. Con kiến thừa dịp la lớn: “Bồ câu mau chạy đi, có nguy hiểm!“.

Bồ câu lại càng hoảng sợ, cuống quít giương cánh bay đi mất. Thợ săn đuổi theo, nhưng làm sao đuổi theo được bồ câu, ông ta đành phải ủ rũ rời đi.

Một lát sau, bồ câu bay trở về, nó bày tỏ cảm kích với con kiến. Con kiến liền nói: “Tôi cũng rất vui, bởi vì tôi rốt cục có cơ hội báo đáp ân cứu mạng của anh rồi!”.

***

Có thể thấy, con kiến còn biết đền ơn, thì con người chúng ta càng phải biết có ân tất báo, sống có tình nghĩa. Thực ra, làm người chỉ cần giữ được sự thiện lương thì tự khắc sẽ được thần linh và vạn vật bảo hộ. Nhân quả là công bình, chỉ vì con người không tin nên không thấy, chứ không phải không có nhân quả.


Tú Văn