Động đất ở Iran – Iraq: Nhiều ngôi làng ‘biến mất’, 452 người thiệt mạng



Hàng trăm ngôi làng trở nên hoang tàn, thậm chí bị san phẳng sau trận động đất kinh hoàng ở biên giới 2 nước Iran – Iraq vào đêm 12/11. Số người thiệt mạng đã lên đến 452, trong khi lực lượng cứu hộ đang vật lộn để giải cứu những người còn mắc kẹt trong đống đổ nát.



Nhiều khu vực đã bị san phẳng sau trận động đất đêm 12/11. (Ảnh: Xinhua / SPA USA / Newscom)

Guardian dẫn hãng tin nhà nước của Iran Irna cho biết số người chết đã lên đến hơn 450 trong khi 6.700 người khác bị thương sau trận động đất cấp độ 7,3 xảy đến ở các tỉnh miền Tây Iran vào hôm 12/11. Người từ thủ đô Baghdad của Iraq lẫn Tehran của Iran đều có thể cảm thấy cơn rung chuyển.

Nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là tỉnh Kermanshah của Iran. Người phát ngôn Hội Trăng lưỡi liềm đỏ Iran xác nhận, ít nhất 500 ngôi làng đã bị tàn phá, chủ yếu tại tỉnh Kermanshah. Giới chức nơi đây đã công bố 3 ngày để tang các nạn nhân. Tại hạt Dalahu của tỉnh, một số ngôi làng đã bị phá hủy hoàn toàn.



Các nhân viên cứu hộ và người dân nỗ lực tìm kiếm người sống sót trong đống đổ nát. (Ảnh: Reuters)
Điện và nước sinh hoạt bị cắt đứt, đường sá bị phá hủy đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới khả năng tiếp cận của lực lượng cứu hộ. Các quan chức địa phương nói rằng, số người chết chắc chắn sẽ tăng lên khi lực lượng tìm kiếm cứu hộ đến được những vùng hẻo lánh.

Farhad Tajari, một nghị sĩ địa phương, nói, “thị trấn Sarpol-e Zahab (của Kermanshah) chỉ có 1 bệnh viện và đã bị phá hủy. Tất cả bệnh nhân và y bác sĩ bị chôn dưới đống đổ nát, nó không thể hoạt động được“.

Trước tình hình cấp bách hiện nay, giới chức Iran đã khẩn trương huy động mọi lực lượng xe cứu thương, nhân viên y tế, kỹ thuật, máy bay trực thăng sẵn sàng chuẩn bị ứng cứu tại sân bay Mehrabad ở thủ đô Tehran. Về phía người dân, nhiều người đã đến các cơ sở y tế hiến máu nhằm sẵn sàng hỗ trợ người bị thương.



Tình trạng quá tải tại các bệnh viện là điều đã được dự báo khi số người chết và bị thương sẽ còn tiếp tục tăng. (ẢNh: CNN)

Một phóng viên Iran đã đến Sarpol-e Zahab miêu tả rằng, nơi đây “không có đủ thức ăn, nhiên liệu và cái lạnh buốt có thể làm nhiều người chết. Trẻ em và người già chịu đói và nhiều gia đình không có nơi ở“.

“Nhu cầu cần nhất hiện nay của người dân là lều bạt để trú qua đêm, nước uống và thực phẩm. Những căn nhà xây dựng gần đây thì còn đứng vững nhưng những nhà cũ bằng đất thì bị phá hủy hoàn toàn”, Tướng Mohammad Ali Jafari – chỉ huy Lực lượng Vệ binh cách mạng Iran, nói. Theo Hội Chữ thập Đỏ Iran, hơn 70.000 đang cần nơi nương náu khẩn cấp.



Thị trấn Sarpol-e Zahab ở phía Tây Iran là nơi nhiều người chết nhất do động đất. Ít nhất 236 người thiệt mạng tại đây. (Ảnh: Anadolu)

Hiện các đội cứu trợ khẩn cấp mang theo nhu yếu phẩm cơ bản đã được triển khai tới vùng bị nạn để hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả của thảm họa động đất. Trong khi đó, các dư chấn mạnh vẫn tiếp tục xuất hiện tại khu vực chịu ảnh hưởng của động đất. Ít nhất 193 đợt dư chấn đã được ghi nhận sau trận động đất đêm 12/11.



Mọi sự phát hiện nhỏ nào dưới đống đổ nát đều khiến thân nhân những người bị mất tích như bị đặt vào giữa lằn ranh hi vọng và tuyệt vọng, và đã có những hi vọng vụt tắt. (Ảnh: NYT)

Bộ trưởng phụ trách các vấn đề khẩn cấp của Nga, ông Vladimir Puchkov đã tuyên bố, bộ này sẵn sàng hỗ trợ hai nước khắc phục hậu quả của thảm họa động đất này.

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim cũng lên tiếng cam kết hỗ trợ nạn nhân thảm họa động đất ở Iran và Iraq. Ông Yildirim cho biết, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã cử một nhóm cứu trợ mang theo thuốc men và thực phẩm cần thiết để giúp đỡ nạn nhân động đất.



Người ta chưa bao giờ từ bỏ hi vọng tìm kiếm người sống sót cho tới khi đống đổ nát cuối cùng được tìm kiếm và dọn dẹp. Người khỏe thì bới bê-tông, người già hay trẻ nhỏ cố gắng lắng nghe tiếng kêu cứu từ bên dưới. (Ảnh: CNN)

Iran nằm trên đường đứt gãy địa chất giữa hai mảng kiến tạo Ả Rập và Á – Âu nên thường xuyên gánh chịu các trận động đất lớn nhỏ.

Tháng 6/1990, Iran từng hứng chịu thảm họa động đất gây thương vong lớn nhất trong lịch sử hiện đại của nước này, phá hủy một loạt thành phố ở phía Bắc gồm Rudbar, Manjii và Lu-san cùng hàng trăm làng mạc, cướp đi sinh mạng của khoảng 37.000 người.

Năm 2003, một trận động đất mạnh 6,6 độ Richters khác đã tàn phá thành phố Bam của Iran, khiến hơn 26.000 người khác thiệt mạng.

Tú Văn (t/h)
14/11/2017