Nhân sinh cảm ngộ: Vì sao chúng ta lại tức giận?



Có một tác giả đã từng nói: “Nụ cười có thể hàn gắn mọi thứ, còn sự tức giận có thể giết chết hàng triệu điều”. Ấy vậy mà, cuộc sống hiện đại con người lại rất dễ nổi giận, không thể kiềm chế được bản thân mình…



Người càng có năng lực, thì tâm tính càng tốt, họ hiểu rõ rằng nóng giận thì không cách nào giải quyết được vấn đề. (Ảnh: Linkedin)

Con người ngày nay thường dễ dàng nổi giận, khả năng kiềm chế rất kém, gặp chút sự việc nhỏ cũng dễ “bốc hỏa”. Bởi con người khó kiềm chế dẫn đến toàn bộ xã hội khó tìm thấy sự yên bình. Sống trong môi trường xã hội căng thẳng như vậy, cảm giác hạnh phúc của con người cũng ngày càng ít dần.

Lấy một ví dụ nhỏ, hiện nay trên đường phố người người, xe cộ đi lại tấp nập, tuy nhiên bởi đạo đức của con người tăng không kịp với tốc độ phát triển của giao thông, dẫn đến rất nhiều người mắc phải hội chứng “cáu gắt đường phố”.

Đi trên đường, nếu chúng ta để ý quan sát sẽ phát hiện ra hiện tượng: người điều khiển xe đi đường không nhìn đường mà chỉ mải chơi điện thoại, người đi bộ thì mắng người lái xe không đi cẩn thận, không biết nhường đường cho người khác, người điều khiển xe cũng chửi bới nhau, nào là ai đó dừng giữa đường, ai đó chạy chậm, ai đó vượt xe v.v. Tóm lại là chúng ta không thể cảm nhận được bầu không khí hòa ái khi đi trên đường.

Tính nóng giận của con người rất dễ gây ra tranh đấu. Tục ngữ có câu: “Lùi một bước biển rộng trời cao, nhẫn một lúc sóng yên gió lặng”. Có nhẫn mới an, nhưng con người hiện nay đa phần là tâm địa hẹp hòi, không thể nhẫn được, không thể nhường nhịn được.

Vợ chồng chỉ vì chút việc nhỏ mà cãi nhau rồi thành ra thù hận nhau, kết cục hôn nhân tan vỡ; trong công việc chỉ vì chút lợi nhỏ mà tranh giành đến mức kẻ sống người chết, nơi đâu cũng trở thành chiến trường.

Người ta chẳng qua cũng chỉ để bảo vệ cho cái “danh” của bản thân mà thôi, cảm thấy bản thân mình oan uổng hoặc mất mặt, cảm thấy nhục nhã không chịu nổi, phải nói ra cho thỏa cơn tức này, phải có kẻ thắng người thua.

Trong thần thoại Hy Lạp cổ đại có kể về câu chuyện cuộc chiến thành Troy, nguyên nhân cũng chỉ vì hai người đàn ông cùng tranh giành một mỹ nữ tên là Helen, kẻ không giành được người đẹp quá tức giận mà khơi mào cuộc chiến. Chính cái tâm lý tranh hơn thua của con người đã gây ra tấm bi kịch này.

Có người cho rằng nhẫn nhịn là thể hiện của sự nhu nhược, cho nên phải vùng lên tranh đấu, kỳ thực tranh đấu mới là không vượt qua được chính bản thân mình. Người có thể nhẫn nhịn không phải là người nhu nhược, mà là thể hiện của ý chí mạnh mẽ và phẩm chất cao thượng.

Người có phẩm chất cao thượng không nhận thức giống như người bình thường, họ có thể khống chế những cảm xúc tiêu cực của bản thân bằng ý chí mạnh mẽ. Tôi có biết một người như vậy, bà ấy thực sự có thể nhẫn nhịn trong mọi hoàn cảnh, gặp chuyện không vừa ý vẫn luôn vui vẻ, suy nghĩ khoáng đạt. Bà ấy có thể đối mặt với mâu thuẫn trong cuộc sống bằng tâm thái lạc quan, cuối cùng hóa giải được mâu thuẫn theo chiều hướng tốt lên.

Một lần, con rể và con gái bà cãi nhau, con rể tỏ thái độ rất hung hăng, không kiềm chế, người bình thường hẳn sẽ phải làm cho ra nhẽ với con rể, bệnh vực cho con gái mình, nhưng bà ấy đã nhìn nhận vấn đề một cách khách quan, tìm ra nguyên nhân gây tranh cãi mà không thiên vị bên nào, vừa an ủi con gái, vừa giáo dục con rể, bà đã chỉ ra thiếu sót của con gái một cách có thiện ý, cuối cùng con gái bà nhận ra vấn đề của mình và làm hòa với chồng, gia đình bà đã tránh được một cuộc ly hôn không đáng có.



Người có phẩm chất cao thượng không nhận thức giống như người bình thường, họ có thể khống chế những cảm xúc tiêu cực của bản thân bằng ý chí mạnh mẽ. (Ảnh: Yandouz)

Con trai bà đi làm xa bị người ta lừa tiền, cầu cứu khắp nơi nhưng thân cô thế cô không ai giúp đỡ, bà khuyên con trai hãy “chịu thiệt làm phúc”, còn cho con ít tiền để làm lại từ đầu. Chồng bà tính tình nóng nảy và luôn cay nghiệt với bà, bà cũng không để trong tâm, luôn nói với mọi người rằng chồng mình là người tốt, chỉ ác khẩu chứ bản chất lương thiện.

Có thể có người cho rằng người nhẫn nhục như vậy thật quá ngốc. Nhưng nhìn từ một góc độ khác, con người ai cũng phải đối mặt với những phiền phức trong cuộc sống, nóng giận, tranh đấu chỉ khiến bản thân càng thêm đau khổ chứ chẳng thể thay đổi được gì. Người có tấm lòng quảng đại, không tính toán được mất, hơn thua mới có thể khéo léo thoát khỏi mâu thuẫn, gặp dữ hóa lành.

Người xưa gửi gắm đạo lý này qua câu tục ngữ “bụng tể tướng có thể chèo thuyền”, con người nếu không có sự nhẫn nhục lớn, tấm lòng khoáng đạt thì không thể làm được tể tướng, không làm được việc lớn.

Sự khác nhau về tâm thái của người thường cảm ơn và một người hay oán hận sẽ dẫn đến sự khác biệt về số phận 2 con người…


Khi tiếp nhận người khác, người cảm ơn sẽ tán thưởng ưu điểm của người đó, còn người oán hận sẽ bắt bẻ khuyết điểm của người khác.

Khi tiếp nhận ân huệ, người cảm ơn sẽ cảm động rơi nước mắt, còn người oán hận thì cho rằng vẫn chưa đủ.

Khi tiếp nhận xin lỗi, người cảm ơn sẽ tha thứ khoan dung, còn người oán hận sẽ khí hận đầy mình.

Khi tiếp nhận giúp đỡ, người cảm ơn sẽ cảm động và nhớ về công ơn của người khác, còn người oán hận chỉ biết phàn nàn người khác không đủ chu đáo.

Khi tiếp nhận lời khuyên, người cảm ơn sẽ cảm tạ tấm lòng tốt đẹp của người khác, còn người oán hận sẽ hoài nghi người ta có ý đồ xấu.


Bên ngoài thì mỗi người đều sống trong mỗi hoàn cảnh khác nhau. Nhưng trên thực tế, mỗi người đều sống bên trong thế giới nội tâm của mình. Khi mỗi người cùng tiếp nhận Phật Pháp từ bi phổ độ chúng sinh, tiếp nhận Phật Pháp thuyết giảng từ bi, người cảm ơn sẽ biết ơn và tận dụng mỗi một quan ải để tiến bộ không ngừng, còn người oán hận khi gặp một quan ải sẽ không ngừng oán trách và cứ thế tạo nghiệp càng nặng, sa đọa càng sâu.

Người cảm ơn mang lòng trung nghĩa, giống như một khối nguyên liệu tốt, khi dùng có thể uốn nắn thành khối vuông khối tròn. Người oán hận ôm lòng gian trá phản nghịch, ngay cả làm khối bán thành phẩm cũng không đủ tư cách, khi dùng thì phần nhiều là hư hỏng, phế phẩm.

Sưu Tầm