Người Việt xấu xí




Nguyên Thạch (Danlambao) - Với bản tánh bảo thủ cố hữu tự nhiên của con người, quả thật rất khó khăn cho những ai tự chê trách mình, chê trách dân tộc mình với bao thói hư tật xấu. Để làm được điều này, chúng ta phải cần đến sự can đảm cùng tinh thần cầu tiến thật sự thì mới mong đạt được ước muốn. Bằng không cứ nuốt lấy những viên thuốc giả tạo được bọc bởi lớp mật ngọt thì bao giờ mới hết bệnh? Thành ngữ Việt Nam có nói “Thuốc đắng dã tật, lời thật mất lòng” là vậy.

*

Tôi biết chắc rằng khi đọc bài viết nêu lên những thói hư tật xấu, những điểm tiêu cực này, sẽ khiến một số người sẽ nổi giận. Các cụ thường dạy “giận mất khôn”, giận để trở nên bướng bỉnh, tự ái, không muốn đối mặt với sự thật để điều chỉnh, sửa đổi nhằm có những thái độ, hành động khá tốt hơn lên thì đây cũng được xem là một cái xấu trước nhất.

Thế nên trước khi đi vào bàn luận và nhận định, người viết xin định rõ từ “người Việt” ở đây là ám chỉ người Việt của chế độ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và thành phần “Ăn cơm quốc gia, thờ ma cộng sản” ở miền Nam sau ngày 2-9-1945 khi Hồ Chí Minh đọc “Bản Tuyên Ngôn Độc Lập” ở quảng trường Ba Đình. Đồng thời từ “người Việt” cũng chỉ rõ người Việt dưới chế độ của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, trong đó kể cả cán bộ, đảng viên ĐCSVN.

Đảng cộng sản luôn hãnh tiến và tự hào rằng: Đảng CSVN quang vinh sang suốt, xã hội chủ nghĩa là một xã hội siêu việt, Việt Nam dân chủ gấp vạn lần xã hội tư bản, ở Việt Nam ra ngõ gặp anh hùng… nhưng trên thực tế thì hoàn toàn ngược lại, tôi xin liệt kê ra từng điểm khái quát như sau:

1- Gian dối: Hãy nghe vài danh nhân nói về cộng sản và sự gian dối của họ. Russian President Vladimir Putin:

He who believes in the communism has no brain
He who follows the communism has no heart

Kẻ nào tin những gì Cộng Sản nói là không có cái đầu
Kẻ nào làm theo lời của Cộng Sản, là không có trái tim.

Soviet Secretary General Mikhail Gorbachev (Tổng Bí Thư Xô Viết): I have devoted half of my life for communism, today I am sad to say that the Communist Party only spreads propaganda and deceives.


Tôi đã bỏ một nửa cuộc đời cho lý tưởng cộng sản. Hôm nay tôi đau buồn mà thú nhận rằng: cộng sản chỉ biết tuyên truyền và dối trá.

USA President Abraham Lincoln (Tổng thống Mỹ): You can fool of the people all the time, and all the people some times, but you can’t fool all the people at all the time.

Anh có thể lừa dối một số người trong mọi lúc, và lừa dối mọi người trong vài lúc, nhưng anh không thể mãi mãi lừa dối tất cả mọi người.

Từ một hệ thống cầm quyền dựa trên gian dối làm nền tảng để cai trị thì việc tạo nắn ra một xã hội gian dối là chuyện đương nhiên. Không gian dối sẽ bị loại trừ ra khỏi xã hội, cho nên người Việt Nam phải gian dối để được tồn tại trong một chế độ gian dối chứ không còn cách nào khác hơn, từ đó sự gian dối của người VN dưới chế độ cộng sản là không thể chối cãi trước sự lô gíc đó.

2- Mụ mị:
Để đạt đến mức độ ổn thỏa của sự gian dối, guồng máy cầm quyền phải dùng mọi phương cách để mụ mị dân chúng dưới bất cứ hình thức ngụy biện, đổi trắng thay đen nào miễn đạt đến mục đích. Người CS thường nói trên đầu môi: “Lấy cứu cánh để biện minh cho phương tiện”.

Adolf Hitler từng nói ra những lời này không chút ngượng ngùng: “Lời nói dối nếu được lặp đi lặp lại hàng triệu lần sẽ trở thành sự thực”. Ông Hồ đã áp dụng sự mụ mị ấy và ông ta có phần nhiều đã đạt.

Riêng dưới góc độ này thì cái nhìn và hai câu thơ chửi của cụ Tản Đà quả không sai:

Cũng bởi thằng dân ngu quá lợn
Cho nên quân nó dễ làm quan.


Gian dối và mụ mị, tật hư kiểu điếm đàng là những thói cực kỳ xấu… vậy gian dối điếm đàng là những điểm để tự hào ư?.

3- Độc tài độc đoán: Sống dưới sự cai trị của độc đảng chuyên độc tài quá lâu thì chẳng những hơn 4 triệu đảng viên thấm nhuần tính độc tài mà người dân, nhất là đàn ông Việt còn nhiễm nặng tính độc tài độc đoán ấy. Đa số phái nam ở VN luôn có thái độ gia trưởng và là gia chủ, xem nhẹ quyền của phụ nữ và thường hay hiếp đáp đánh đập, đôi khi rất tàn nhẫn. Ở một đất nước mà quyền phụ nữ không được tôn trọng thì có đáng tự hào là những con người có phong cách?

4- Ươn hèn: Sống dưới một chế độ độc tài đảng trị đầy nghịch lý, đất nước bị bọn cầm quyền giao bán cho ngoại bang Tàu cộng mà đại đa số người dân vẫn cúi đầu cam phận!. Không dám đồng lòng phản ứng, để mặc cho thiểu số cô đơn xuống đường với lời hô hào cùng biểu ngữ phản kháng trước sự thờ ơ vô cảm của rừng người qua lại nhởn nhơ coi như không phải trách nhiệm của họ thì làm sao bạo quyền e ngại mà ngưng đàn áp nhóm người ít ỏi đó?

Một số người việt chỉ giỏi hơn thua sống chết đến cùng với anh em, với lớp người thấp cổ bé họng nhưng với côn an, với bạo quyền thì cúi mặt im re. Với cộng đồng, với các tổ chức bạn thì phê phán, chỉ trích tận mạng nhưng với ĐCS (Đảng Cướp Sạch) thì không dám mạnh miệng tố giác, gặp côn an thì một điều dạ hai điều vâng. Vậy có xứng đáng tự hào là một dân tộc anh hùng? Hay là tự hào về anh hùng rơm?.

5- Ăn cắp, ăn cướp: Đây là một thói xấu trong những thói xấu xa tệ hại của người Việt Nam. Đảng, nhà nước thì ăn cướp của ngân quỹ quốc gia, của dân qua các hình thức tham nhũng, đổi tiền, trưng dụng tài sản, đất đai, nhà cửa, qui hoạch chiếm đoạt… công nhân thì ăn cắp của công ty, dân thì ăn cắp vặt lẫn nhau.

Đường phố thì cướp giật nhan nhản như cướp xe, móc bóp, giựt dây chuyền, đồng hồ, xách tay, điện thoại… hay bất cứ thứ gì có giá. Đây là những hình ảnh rất tệ hại và khủng khiếp đối với khách nước ngoài vì vô số các thành phố của hầu hết các quốc gia trên thế giới họ không nhìn thấy cảnh này. Cho dẫu ở Singapore hay Tokyo, Vancouver, Toronto hay Sydney, Perth. Cho dẫu Seoul hay Göteborg, Berlin. Irbid hay London, Paris hay rất nhiều nơi khác cũng không thấy cảnh bệ rạc đáng khinh này.

Ngay chính bản thân vợ của tác giả cũng bị bọn cướp đạp cho té xe để giựt xách tay vào một buổi chiều xậm tối ở thành phố lẻ Nha Trang trên đường Trần Phú trước sự lắc đầu ngao ngán của nhóm khách Tây phương du lịch ở thành phố này khi thấy vợ tôi bị chảy máu đầm đìa ở cánh tay.

Một đất nước mà số người từ dân tới hầu hết quan đều ăn cắp, ăn cướp thì có gì là tự hào? Người ta thường nói “Bần cùng sinh đạo tặc”, một cách lô gic, đất nước có quá nhiều đạo tặc là một đất nước bần cùng thì đất nước ấy tự hào ở chỗ nào?.

6- Lời nói và hành động bất nhất: Cố Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã để lại đời một câu thành ngữ giá trị điểm mặt bọn cộng sản là lũ người nói và làm bất nhất “Đừng nghe những gì cộng sản nói mà hãy nhìn kỹ những gì cộng sản làm”. Có nghĩa là CS làm và nói luôn trái ngược nhau.

Người Việt Nam ít khi có lời nói đi đôi với hành động mà thường thì nói một đàng làm một nẻo. Tệ hại hơn nữa là có nhiều trường hợp xét ra rất ngược ngạo đầy dối trá, như “nói không là có, nói có là không”, thế là thế nào?!. Người Việt Nam có nên duy trì tình trạng bất phân minh này không?.

7- Chia rẽ: Một số người thường cho rằng người Việt Nam rất đoàn kết nhưng trên thực tế thì như thế nào, chúng ta nên xem lại. Theo nhận xét chung của tác giả thì thật sự là người Việt rất chia rẽ. Người Việt hay soi mói lẫn nhau và thường có tiểu tâm, hay ganh ghét khi thấy người khác hơn mình, hay thù vặt, ghim lâu, chờ có cơ hội là hạ bệ, trả thù thì mới hả hê. Người Việt rất dễ làm quen, kết thân nhưng cũng rất mau trở mặt và thậm chí coi nhau như kẻ thù. Các cụ đã quá dầy dạn khi nói rằng “Bạo phát thì bạo tàn”, một câu nhận định rất sâu sắc khi nói đến người VN về vấn đề này.

Chia rẽ là một trong những nguyên nhân chính đưa đến thất bại. Các cuộc đấu tranh giành lấy Dân Chủ Tự Do và Nhân Quyền hay những tổ chức đấu tranh đứng lên nhằm hô hào chống lại bạo quyền cộng sản nhưng các nhà đấu tranh, các tổ chức đấu tranh đã gặp phải không ít trở ngại do sự chia rẽ này. Thế chúng ta có nên tự hào về nhược điểm này không?.

8- Xem mình là cái rốn của vũ trụ: Lối suy nghĩ này thường thấy phổ quát không những ở những người có trình độ trung bình trở lên mà còn thấy ngay cả ở những anh nông dân bình thường. Lúc nào cũng cho rằng mình đúng, ý tưởng, lời nói của ta là quan trọng hơn hết, còn tất cả ý tưởng, quan niệm… của những người khác chỉ là thứ kém nên không cần phải nghe theo, không cần tuân thủ.

9- Thù dai: Đây là thái độ của nhà cầm quyền VNCS. Đất nước đã chấm dứt chiến tranh hơn 42 năm rồi mà ĐCSVN vẫn còn kỳ thị vùng miền Nam Bắc, nhà cầm quyền vẫn phân biệt ngụy quân, ngụy quyền qua lý lịch thì làm sao mà kết hợp để phát triển đây?

10- Cẩu thả, làm ẩu nhưng hay đổ thừa và không nhận trách nhiệm: Người Việt Nam không có tinh thần trách nhiệm cao, bất luận họ là người của hệ thống cầm quyền hay Bác sĩ, Kỹ sư, Công nhân hoặc ngay cả người dân bình thường. Người Việt hay làm cẩu thả, làm qua loa cho xong việc chứ không đặt nặng vấn đề hiệu quả chất lượng và trách nhiệm, đến khi có liên đới bổn phận thì hay chối, đổ thừa và không nhận trách nhiệm.

11- Vô trách nhiệm: Đây là thái độ và cung cách của hầu hết cán bộ công nhân viên của hệ thống cầm quyền, họ chỉ cố gắng để nhắm vào chức quyền vì có quyền còn đồng nghĩa với có tiền. Ngoài ra họ không cần quan tâm đến trách nhiệm và sự tác hại có khi rất khủng khiếp về sự vô trách nhiệm đó. Hãy đơn cử một vài thí dụ như: Beauxite Tây Nguyên, Formosa, Nhiệt điện Tuy Phong, Nhà máy giấy Lee & Man, Xả lũ gây lụt lội chết người, hư hại nhà cửa, tài sản mùa màng… Loại người không quan tâm đến hậu quả khủng khiếp do mình gây ra mà cũng chẳng chịu trách nhiệm thì có đáng tự hào làm những loại người như vậy không?.

12- Hay chê bai nói xấu giữa người Việt với nhau: Đây là những hành vi thấp hèn, họ không nghĩ sâu xa rằng khi chê bai nói xấu thì chính bản thân người chê bai cũng chẳng tốt lành gì bởi chính người nói xấu cũng là người Việt. Khi ai cũng bị chê là xấu, điều đó còn có nghĩa là cả một dân tộc đều xấu. Đây là lối hành xử nông cạn kém chiều sâu nên tránh.

13- Ỷ lại: Kém tinh thần vì cộng đồng, vì xã hội, vì dân tộc: Đặc tính chung của người Việt Nam là hay ỷ lại vì họ nghĩ rằng ta không làm thì có người khác làm, cho nên tục ngữ VN đã có câu “Cha chung không ai khóc” là vậy.

Về sự giúp đỡ, tài trợ thì họ luôn nghĩ rằng chỉ có ta mới cần sự giúp đỡ hơn hết (về chuyện này, ai là người Việt sống ở nước ngoài khi gởi tiền quà giúp bà con anh em ở VN thì rành nhất), còn những người khác thì chưa hoặc không cần.

Người Việt Nam xem việc xây dựng cộng đồng, đóng góp cho xã hội, hy sinh cho dân tộc là thứ yếu mà chỉ lo von vén cho bản thân, cho gia đình mình là chính. Thái độ này đã đưa đến chuyện cộng đồng yếu kém, xã hội không ai quan tâm và dân tộc đất nước dễ bị lâm vào cảnh lệ thuộc ngoại bang và nô lệ.

14- Thờ ơ vô cảm: Như đã nêu trên, người Việt bất luận là quan chức lãnh đạo đất nước hay chỉ là dân thường, tất cả đều chỉ quan tâm đến băng đảng của mình, quyền lợi cho riêng bản thân gia đình mình mà sẵn sàng ngoảnh mặt quay lưng trước bao nỗi khổ đau của đồng loại. Họ không có nhiều cảm nhận về nỗi đau của tha nhân bằng nỗi đau của chính họ.

Xa hơn nữa, đất nước chẳng là của riêng ai nên việc Đất Nước, Biển Đảo, tài nguyên… còn hay cạn kiệt hay mất mát là không quan trọng, nợ công nhiều hay ít cũng makeno vì đó là nợ của cả nước chứ chẳng phải của mình, thậm chí có người còn cho rằng đó là những cái lo lắng viển vông mà lo cho túi tiền của mình cạn kiệt thâm thủng mới là hệ trọng.

Tuy không là tuyệt đối nhưng người dân dưới chính thể Việt Nam Cộng Hòa đa số đều ẩn chứa trong họ quan niệm Nhân Lễ Nghĩa Trí Tín, họ được khích lệ cho việc bảo tồn truyền thống tốt đẹp từ cha ông, họ không hề bị ép buộc phải tuyệt đối tôn sùng lãnh tụ nào mà phủ nhận hẳn công lao của tiền nhân.

Nếu đem chỉ số thông minh (IQ) của người Việt ở hải ngoại mà cân đo để so sánh với chỉ số IQ của người Việt ở quốc nội thì không có sự chênh lệch nhưng vì sao người Việt ở nước ngoài rất khác biệt với người Việt ở trong nước? Câu trả lời đó là do thể chế chính trị.

Người Việt hải ngoại được sinh ra và sinh hoạt trong những môi trường chính trị Tự Do, họ có đầy đủ Nhân Quyền dưới những thể chế Dân Chủ, nhân phẩm và tài năng được tôn trọng và họ hoàn toàn sở hữu được sự bình đẳng trong việc góp công sức cùng trí tuệ vào việc phát triển cộng đồng, xã hội, đất nước.

Người Việt hải ngoại cùng lớp hậu duệ VNCH là tiềm năng và cũng là những nền tảng căn bản cho một Việt Nam tương lai chứ không phải là thế hệ lớp con cháu của Hồ Chí Minh, đó là những nhận định và cũng là sự khẳng định của tác giả.

Ngược lại người Việt ở quốc nội thì thiếu vắng những điều căn bản như đã nêu trên. Họ phải sống trong một xã hội mụ mị của độc tài độc đảng, hoàn toàn không có Tự Do trong việc đóng góp ý kiến phản biện cho vô vàn sai trái, ngịch lý. Ở đây, đối lập là nhà tù, là phản động, là thế lực thù địch, diễn biến hoà bình…

Ở đây người cầm nắm điều hành vận mệnh đất nước phải “Hồng hơn Chuyên”, nghĩa là tài năng, trí tuệ không quan trọng bằng đảng tính, cho nên ở đất nước này người ngu có thể thoải mái làm thầy người khôn mà không hề cảm thấy ngượng ngùng.

Ở đây vẫn không thiếu những người còn cái TÂM nhưng cái tâm tốt ấy thậm chí đã không được đề cao mà luôn bị xem là có Ý ĐỒ để gây ảnh hưởng, lôi kéo quần chúng chống đảng!. Một guồng máy cầm quyền với lối suy nghĩ như vậy ắt sẽ đưa đến kết quả là một xã hội đầy mặc cảm, chia rẽ và thù hận, tối tăm và tụt hậu… là lẽ đương nhiên (tất yếu).

Nếu những nhận định của người viết là sai quấy phủ nhận rằng VN là một nơi đáng để sống, phủ nhận ĐCSVN là một đảng tài tình đưa dân tộc đến thành công… thì tại sao lắm gia đình ở VN mà đa số là gia đình các quan chức CS hiện nay muốn tranh thủ sắp xếp cho con cháu đi du học ở nước ngoài, như Mỹ, Canada, Úc, Anh, Pháp… hay chí ít là Singapore, Đài Loan, Nam Hàn cũng được và phải tìm mọi cách để được ở lại những nơi đó mà đúng ra con cháu họ phải ở VN để giữ vững thành quả cách mạng và phát triển sự thành công đó chứ?. Tự hào về Việt Nam thì tại sao lại tránh bỏ VN?. Điều này nếu không phải là nghịch lý thì là gì?.

Với phong cách cùng thái độ của người Việt Nam dưới trào cộng sản hiện nay thì chưa chắc đã hơn bất cứ dân tộc nào khác trên hành tinh này nên chớ vội tự hào ảo, tự sướng sản mà sẽ tiếp tục chuốc lấy những thất bại ngày càng tệ hại hơn.

Tôi muốn tâm sự với ác bạn trẻ, thế hệ rường cột tương lai của đất nước và dân tộc rằng: Khi những bước chân vào đời hãy còn mới mẻ, các bạn hãy dùng tri thức của mình để nhận thức cho thật kỹ những thói hư tật xấu của người Việt Nam mà mạnh dạn xa lánh. Hãy chịu khó tìm đọc những câu chuyện nói về cuộc sống và nếp suy nghĩ của quần chúng dưới chế độ XHCN, cũng như tìm đọc những tác phẩm văn học đầy tính văn hóa, nhân văn và nhân bản của thời Việt Nam Cộng Hòa để biết được chân giá trị giữa hai thể chế mà sớm định hướng cho mình những hướng đi có ý nghĩa.

Những người đang bước trên con đường Việt Nam hôm nay là những người MÙ, chỉ có người mù mới không thấy được sự nguy hiểm của hố sâu vực thẳm trước mặt cho nên không có cảm giác lo sợ mà cứ mãi huyênh hoang và vô tư trong nhãn quang mù lòa của mình.

Thiết tưởng đây là lúc mà mỗi một người Việt Nam phải bình tĩnh mà suy xét, nhìn lại chính mình để nhận thấy rằng ta mắc phải những thói hư tật xấu nào mà sớm tự nguyện điều chỉnh, sửa chữa thì may ra người Việt Nam mới khá lên được.

Với bản tánh bảo thủ cố hữu tự nhiên của con người, quả thật rất khó khăn cho những ai tự chê trách mình, chê trách dân tộc mình với bao thói hư tật xấu. Để làm được điều này, chúng ta phải cần đến sự can đảm cùng tinh thần cầu tiến thật sự thì mới mong đạt được ước muốn. Bằng không cứ nuốt lấy những viên thuốc giả tạo được bọc bởi lớp mật ngọt thì bao giờ mới hết bệnh? Thành ngữ Việt Nam có nói “Thuốc đắng dã tật, lời thật mất lòng” là vậy.

Tuy không yếm thế nhưng tôi cũng không thể tự hào sảng được. Tôi là một người Việt Nam, tôi cũng có một số những thói hư tật xấu như đã nêu trên nhưng với tinh thần phục thiện và cầu tiến, tôi cố gắng tránh xa những tiêu cực đó, cố dìm những tự ái cá nhân không cần thiết để gần gũi với những người chung quanh và nếu cần thì biểu hiện tính khiêm nhường để có được sự đoàn kết tạo sức mạnh, thứ lực mà chúng ta rất cần hôm nay cho công cuộc đấu tranh sớm thoát khỏi tròng ách cộng sản và nô lệ ngoại bang thì may ra người Việt mới thành công và ngẩng mặt lên với thế giới.

18/11/2017


Nguyên Thạch
danlambaovn.blogspot.com