RÒ RỈ HÌNH ẢNH HÀNG LOẠT BIỆT PHỦ NGUY NGA TRÁNG LỆ CỦA QUAN CẤP CAO

Từ một vài vụ việc lẻ tẻ về “biệt phủ” của quan chức, công luận lại tiếp tục phát hiện ra rất nhiều quan chức khác có biệt thự, “lâu đài” “khủng” làm râm ran dư luận.

Cái kim trong bọc cũng có ngày còn lòi ra nói gì cái nhà, mà lại là những căn biệt phủ. Có lẽ vì vậy mà nếu hỏi đến biệt phủ nào thì người dân đều có thể kể ra vanh vách.

Kể từ khi có chủ trương cho đảng viên làm kinh tế tư nhân, trong Đảng xuất hiện nhiều đảng viên là những người sở hữu khối tài sản lớn. Phải nói ngay rằng nếu những căn biệt phủ kia được xây dựng từ nguồn thu nhập chính đáng, minh bạch, từ mồ hôi công sức của chủ nhân thì đó là điều đáng mừng.

Tuy nhiên, với những căn biệt thự khủng của các quan chức bị báo chí phanh phui hiện nay, có vẻ dư luận vẫn đặt ra nhiều nghi ngờ, nhiều dấu hỏi. Tất nhiên, chủ nhân của những căn biệt phủ này cũng đã đưa ra những lý do để giải thích về nguồn gốc tiền để xây dựng các căn biệt phủ kia. Có người cho biết do chăn nuôi, có người nhờ làm vườn, có người nhờ đi buôn… mà giàu có.




Những bài phản ánh của báo Pháp Luật TP.HCM về tình trạng biệt phủ của quan chức

Thế nhưng dư luận vẫn có quyền đặt câu hỏi rằng để thành công trên các lĩnh vực đó đương nhiên những người này phải đầu tư nhiều công sức chứ không thể dễ dàng đạt được. Nếu quá chú trọng vào việc làm giàu cho bản thân, liệu việc công có chu toàn. Ngoài ra, nếu do buôn bán mà giàu có vậy hồ sơ, sổ sách kế toán, chứng từ, đóng thuế ra sao cũng cần thông tin để người dân biết.

Không ai cấm quan chức, nhất là quan chức cao cấp không được xây biệt thự, họ cũng là con người và có những nhu cầu chính đáng của con người. Nếu là một doanh nhân thành đạt có thể nếu càng xây biệt phủ lớn, xây lâu đài người dân càng trầm trồ thán phục.

Thế nhưng đã là cán bộ, công chức, nhất là những người có chức vị cao cần có thiện tâm và tinh thần trách nhiệm. Trong khi trên địa bàn nhiều người dân còn nghèo khổ, chạy ăn từng bữa (như Yên Bái chẳng hạn) thì không có gì sỉ nhục người dân bằng cách xây lên đó những tòa lâu đài hoành tráng.

Vì vậy hãy khoan nói đến nguồn gốc tiền để xây các căn biệt phủ kia, chỉ riêng chuyện là những lãnh đạo mà sống trong những căn biệt phủ này khi đa số người dân còn khó khăn là điều khó chấp nhận.

Xung quanh câu chuyện về các biệt phủ này, một câu hỏi đặt ra là vai trò giám sát của MTTQ, của các đoàn thể chính trị-xã hội các cấp trên địa bàn ở đâu khi mà chỉ đến khi dư luận xôn xao thì cơ quan chức năng mới vào cuộc?

Người dân đang trông chờ các cơ quan chức năng vào cuộc, nhanh chóng đưa ra kết luận về nguồn gốc các tòa lâu đài mà báo chí đã lên tiếng. Nếu thật sự những tòa lâu đài kia được xây nên bằng công sức chính đáng của chủ nhân thì cũng cần công khai, minh bạch cách thức làm giàu để người dân biết. Ngược lại, cần có những hình thức kỷ luật nghiêm minh để củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, nhất là trong công cuộc phòng, chống tham nhũng hiện nay.

Những dinh thự, biệt phủ của quan chức “ồn ào” dư luận thời gian qua


Vài năm trở lại đây, hình ảnh những ngôi biệt thự của quan chức và được cho là của quan chức tại một số địa phương được nhiều người quan tâm vì sự bề thế, vì nằm tại vị trí đắc địa, “đất vàng” hoặc do nằm trên đất nông nghiệp… Nhiều biệt thự trong số này đã “ồn ào” dư luận trong suốt quãng thời gian dài…

Căn biệt thự xây dựng trên khu đất rộng hơn 16.000 m2 tại xã Sơn Đông, TP Bến Tre của ông Trần Văn Truyền – nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ từng làm “dậy sóng” dư luận cách đây vài năm. (Ảnh: Người lao động).


Hồi tháng 4/2017, báo chí phản ánh về ngôi biệt thự của gia đình ông Nguyễn Sỹ Kỷ – Phó Ban nội chính Tỉnh ủy Đắk Lắk – xây trái phép trên đất nông nghiệp tại phường Ea Tam (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk). Trả lời báo chí, ông Kỷ cho biết, ngôi biệt thự này do vợ ông là bà Tuất đứng tên có giá trị khoảng 3 tỷ đồng. Số tiền này chủ yếu là tiền con cái ông gom góp cộng với tiền làm vườn và làm đủ thứ nghề của bà Tuất. Thời trẻ, ông cũng chạy xe ôm thêm để tích góp. (Ảnh: Lao Động).


Căn biệt thự này thuộc sở hữu của ông Nguyễn Đức Vượng – Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam cũng thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội mới đây (Ảnh: VOV).




Cả 6 lô biệt thự ở vị trí đắc địa của Lào Cai, sau đấu giá đều thuộc quyền sở hữu, sử dụng của những gia đình quan chức tỉnh này… Phản hồi những vấn đề dư luận nêu lên, đại diện UBND tỉnh Lào Cai cho biết, việc đấu giá các thửa đất đã được làm đúng trình tự, thủ tục theo quy định. Theo giá khởi điểm được duyệt, các căn biệt thự này có giá 9,5 – 10,5 triệu đồng/m2 và các lô đất nhà liền kề có giá khởi điểm là 11 triệu đồng/m2! (Ảnh: Mạnh Cường).


Ngôi biệt thự của ông Vũ Xuân Sáng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Yên Bái đang thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội. Hiện ông Sáng cũng đang bị công an tỉnh này điều tra việc đưa số tiền 200 triệu đồng cho nhà báo Lê Duy Phong, báo Giáo dục Việt Nam (Ảnh: Người lao động).




Sau khi dư luận phản ánh về khu dinh thự của gia đình ông Phạm Sỹ Quý – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái, Thanh tra Chính phủ đã được mời vào làm rõ những vấn đề liên quan đến việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất khu dinh thự, nguồn gốc tài sản của gia đình ông Quý… Trả lời báo chí, ông Phạm Sỹ Quý cho biết, khu dinh thự của gia đình ông được xây dựng từ tiền vay ngân hàng 20 tỷ đồng, mượn của nhiều bạn bè, tiền tích cóp từ thời trẻ…(Ảnh: Toàn Vũ).



(viết bởi: Blog Đường Phố)
[/FONT]