4 trẻ sơ sinh tử vong ở Bắc Ninh kết luận do nhiễm khuẩn bệnh viện



Chiều 21/11, hội đồng chuyên môn đã công bố kết luận 4 bé sơ sinh tử vong tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh liên quan nhiễm khuẩn bệnh viện.



4 bé sơ sinh tử vong tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh liên quan nhiễm khuẩn bệnh viện. (Ảnh minh họa)

Sáng 21/11, hội đồng chuyên môn y tế Bắc Ninh họp báo công bố kết luận nguyên nhân 4 bé sơ sinh tử vong ở Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh. Đại diện hội đồng chuyên môn có bà Tô Mai Hoa, Giám đốc Sở Y tế Bắc Ninh; Phó giáo sư Trần Minh Điển, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương; Phó giáo sư Trần Danh Cường, Phó giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương.

Theo bà Hoa, hội đồng chuyên môn đã xem xét quá trình tiếp nhận, chăm sóc, xử trí cho 4 bé sơ sinh tử vong tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh. Kết luận của hội đồng chuyên môn, 4 trẻ đều sinh non tháng, sinh đủ tháng nhưng nhẹ cân, được xử lý sản khoa và xử lý sau sinh phù hợp. Các cháu bị nhiễm khuẩn sau 3 – 5 ngày điều trị tại viện. “Nguyên nhân nhiễm khuẩn sơ sinh có thể liên quan nhiễm khuẩn bệnh viện”, hội đồng chuyên môn kết luận.

Phó giáo sư Trần Minh Điển giải thích, thông thường vi khuẩn có mặt ở mọi nơi từ đất, nước, bề mặt, cơ thể… Cơ thể khỏe mạnh thì khống chế được các vi khuẩn. Khi cơ thể có miễn dịch không ổn định trên nền bệnh tim bẩm sinh, down… thì tự thân không khống chế được nguy cơ nhiễm khuẩn mà phải hỗ trợ bằng kháng sinh.



Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trao đổi với lãnh đạo Sở Y tế và Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh tại hành lang bệnh viện. (Ảnh: VNE)

Theo Phó giáo sư Điển, hội đồng chuyên môn đã kiểm tra tình trạng nhiễm khuẩn toàn bộ môi trường từ lúc bé sinh ra ở phòng đẻ đến khi nằm phòng điều trị. Kết quả sẽ công bố sau.


Theo các bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ TP HCM, sinh non là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ trong vòng một tháng đầu đời và đứng thứ hai làm chết trẻ dưới một tuổi, sau bệnh lý viêm phổi. So với bé sinh đủ tháng, trẻ sinh non có nguy cơ tử vong gấp 20 lần do dễ bị hạ thân nhiệt, nhiễm khuẩn, suy hô hấp và những trở ngại trong nuôi dưỡng. Khoảng 25% trẻ sinh non bị mù hoặc giảm thị lực, 5% trẻ giảm thính lực. Những di chứng dài hạn có thể gặp như tăng nguy cơ bệnh lý tim mạch, tăng huyết áp, hen suyễn…

Đảm bảo vô khuẩn trong môi trường chăm sóc trẻ sinh non rất quan trọng, nhất là với thực trạng nhiễm khuẩn bệnh viện đang là vấn nạn toàn cầu, đặc biệt ở những nước đang phát triển như Việt Nam. Tỷ lệ tử vong trong sốc nhiễm khuẩn có nhiễm khuẩn huyết trên thế giới rất cao, từ 40 đến 60% ở các nước phát triển và lên đến 80% ở các nước đang phát triển. Bệnh viện Nhi Trung ương trong những năm qua đã rất nỗ lực giảm tỷ lệ tử vong sốc nhiễm khuẩn sơ sinh từ 75% xuống còn khoảng 50%.



Bé sinh non đang được chăm sóc tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh. (Ảnh: VNE)

Phó giáo sư Điển nhấn mạnh việc nâng cao ý thức của cán bộ y tế, người nhà bệnh nhân trong vệ sinh bàn tay là quan trọng hàng đầu. Bàn tay của nhân viên y tế cần đảm bảo sạch nhất, vì thế các bệnh viện giám sát chặt chế độ rửa tay xà phòng dưới vòi nước và rửa tay sát trùng. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo để phòng nhiễm khuẩn bệnh viện, cần nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, bảo đảm vệ sinh môi trường, khoa, phòng bệnh… và đặc biệt là vệ sinh tay.

Trước đó, sáng 20/11, tại bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh đã có 4 bé sơ sinh tử vong. Kết luận sơ bộ ban đầu của Viện Khoa học Kỹ thuật hình sự và các chuyên gia nhi khoa, dựa trên giám định pháp y bệnh nhi, nguyên nhân gây tử vong là do “sốc nhiễm khuẩn”.

11 em bé đang được điều trị tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh ngay chiều và tối 20/11 đã được chuyển về Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. Trong số này, có đến 7 bé được bác sĩ xác định bị nhiễm trùng, theo dõi nhiễm trùng huyết, đều phải nằm cách ly trong điều kiện vô trùng.

Tintuc.vn
22/11/2017