Tàu ngầm Argentina mất tích: Hy vọng tìm thủy thủ sống sót đang cạn dần



5 ngày đã trôi qua kể từ khi tàu ngầm ARA San Juan của Argetina mất liên lạc, cơ hội sống sót của 44 thành viên thủy thủ đoàn trên tàu đang ngày một cạn dần và có lẽ chỉ còn tính bằng giờ.



Tàu ngầm San Juan đã có thời gian sử dụng trên 30 năm. (Ảnh: Hải quân Argentina)

Hải quân Argentina cùng đội tìm kiếm quốc tế đang tăng tốc độ tìm kiếm tàu ngầm ARA San Juan mất tích vào ngày 15/11. Gabriel Galeazzi, phát ngôn viên Hải quân Argentina nói với CNN: “Chúng tôi đã tăng gấp 3 lần nỗ lực tìm kiếm trên mặt biển và dưới nước với 10 máy bay”.

Tàu cứu hộ và máy bay của ít nhất 7 quốc gia đang rà soát khu vực phía Nam Đại Tây Dương để tìm kiếm tàu ngầm mất tích. “Chúng tôi đang có một đội tìm kiếm gồm 11 tàu từ Hải quân Argentina, Uruguay, Chile, Peru, Brazil, Mỹ và Anh. Những tàu cứu hộ này đang tìm kiếm dọc theo hải trình đã được lên kế hoạch của tàu ngầm”, phát ngôn viên Galeazzi cho biết thêm.

Tuy nhiên, BBC dẫn lời Đô đốc Gonzales cho biết: “Thời tiết ở khu vực tìm kiếm tiếp tục gây khó khăn. Chúng tôi đang phải đương đầu với những đợt sóng cao từ 6 – 8m trong khi sức gió lên tới hơn 70km/giờ. Không may mắn là có vẻ như thời tiết xấu như thế này sẽ còn tiếp tục kéo dài thêm 48 giờ tới”.

Cơ hội sống sót tính bằng giờ

Giáo sư Đại học Quốc gia Australia James Goldrick, cựu lãnh đạo Viện Lực lượng Phòng vệ Australia, nói với News.com.au rằng cơ hội sống sót của các thủy thủ trên tàu San Juan rất thấp.

“Cứ mỗi giờ trôi qua, khả năng tìm thấy họ sống sót trở về càng ít đi. Tôi không đặt hy vọng nhiều vào việc sẽ tìm thấy họ. Sẽ thật tuyệt vời nếu như đó chỉ vấn đề về lỗi liên lạc (của con tàu), nhưng sau ngần ấy thời gian, tôi không tin điều đó. Chúng ta nên đối mặt với tình huống xấu nhất”, Giáo sư Goldrick, cựu Đô đốc của Hải quân Australia, nhận định.

Theo New York Times, viễn cảnh khả quan nhất hiện nay là hệ thống liên lạc của tàu ngầm bị trục trặc, có thể do cháy nổ hoặc bị ngấm nước, nên không thể phát tín hiệu về đất liền. Tuy nhiên, hệ thống liên lạc hỏng không làm ảnh hưởng tới khả năng di chuyển của tàu và như vậy lẽ ra con tàu này phải cập cảng Mar del Plata theo đúng lịch trình.

Hải quân Argentina cho biết, lượng lương thực và khí oxy trên tàu ngầm San Juan đủ cho các thành viên thủy thủ đoàn sống sót trong vòng 2 tuần. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng trong trường hợp xảy ra thảm họa thì điều này cũng không có tác dụng. Trong khi đó, một số người tỏ ra lo ngại vì San Juan là một tàu ngầm cũ của Argentina, được chế tạo từ năm 1984.

San Juan là một tàu ngầm điện – diesel nên có thời gian hoạt động dưới nước khá hạn chế. Tàu ngầm điện – diesel có thể hoạt động liên tục trên biển khoảng 30 ngày nhưng thời gian có thể lặn dưới nước liên tục chỉ khoảng 7 – 10 ngày.

Peter Layton, chuyên gia về tàu ngầm tại Viện Griffith ở châu Á, Đại học Griffith, Australia cho biết, nếu tàu ngầm bị kẹt dưới dáy biển và các hệ thống bên trong không gặp sự cố nghiêm trọng, lượng oxy trên tàu có thể duy trì tối đa khoảng 10 ngày. Nếu lịch trình của tàu ngầm không quá bí mật, họ thường lặn cách mặt nước biển khoảng 50 m. Cứ 24 giờ mỗi lần, tàu sẽ nổi gần mặt nước, dùng ống thở để chạy động cơ diesel nạp điện cho pin, bổ sung oxy và gửi tín hiệu liên lạc.

Giả sử tàu ngầm San Juan duy trì đúng lịch trình nói trên, con tàu có thể đã vượt quá nửa số ngày có thể lặn liên tục dưới nước. Nếu con tàu đang hoạt động trong nhiệm vụ bí mật và không nổi lên thường xuyên thì mọi thứ có thể rất tồi tệ.


Các sĩ quan Hải quân Hoàng gia Anh trên tàu tuần tra HMS Protector đang hỗ trợ Argentina tìm kiếm tàu San Juan mất tích. (Ảnh: News.com.au)
Trở ngại kỹ thuật

Euan Graham, giám đốc an ninh quốc tế Học viện Chính sách Quốc tế Lowy ở Sydney nói: “Tìm một tàu ngầm vốn dĩ rất khó khăn, vì nó được thiết kế để khó bị phát hiện khi hoạt động dưới nước”. Người ta thường dùng sonar thụ động để nghe tiếng động phát ra từ tàu, hoặc dùng sonar chủ động phát sóng để tìm kiếm.

“Nếu tàu ngầm San Juan đang bị kẹt ở đáy đại dương, việc tìm ra nó càng trở nên khó khăn hơn vì nó hầu như không phát ra tiếng động. Ngoài ra, sonar chỉ hiệu quả khi tìm kiếm các mục tiêu nằm lơ lửng giữa nước. Nếu tàu ngầm chìm sát đáy biển, sonar sẽ không phân biệt được”, ông Graham nhấn mạnh.

Theo Sputnik, thông thường các tàu ngầm đều được trang bị phao vô tuyến chỉ báo vị trí cấp cứu (EPIRB). Loại phao này được thả nổi trên mặt biển để phát tín hiệu lên vệ tinh, từ đó thông báo vị trí tàu ngầm gặp nạn trong trường hợp tàu không thể liên lạc với sở chỉ huy trên đất liền. Mặc dù vậy, theo một số chuyên gia, trong trường hợp tàu ngầm San Juan ở vị trí rất sâu dưới mặt nước biển thì dây cáp nối của phao EPIRB có thể không đủ độ dài để đưa phao nổi lên mặt nước.

Hơn nữa, với những tàu ngầm cũ như San Juan, khả năng kích hoạt phao EPIRB có thể sẽ gặp trục trặc. Ngoài ra, trong khoang của tàu ngầm cũng có một thiết bị phát tín hiệu khẩn cấp khác, nhưng nếu tàu ngầm gặp phải sự cố nghiêm trọng như đâm phải một vật thể nào đó khi đang di chuyển thì thiết bị này cũng không phát huy tác dụng.

Theo Giáo sư Goldrick, độ lặn sâu của tàu ngầm cũng là yếu tố ảnh hưởng tới khả năng sống sót của các thành viên thủy thủ đoàn.

Giả sử thân tàu còn nguyên vẹn, nó có thể chịu độ sâu tối đa khoảng 500 m. Nếu tàu nằm trên thềm lục địa Argentina, độ sâu nước biển có thể cạn hơn. Nếu tàu bị trượt xuống vùng nước sâu ở Đại Tây Dương, áp lực nước biển có thể phá hủy tàu.

Ngoài ra, khi tàu bị chìm xuống quá sâu thì ngay cả các thiết bị lặn cũng không thể giúp các thành viên thủy thủ đoàn ngoi lên mặt nước do cơ thể người không thể chịu được áp lực nước ở độ sâu như vậy. Ngay cả trong trường hợp may mắn thoát ra khỏi tàu ngầm và nổi lên mặt nước thì khả năng sống sót của họ cũng rất thấp, vì họ phải lênh đênh giữa một vùng nước lạnh trong thời gian dài trước khi các lực lượng cứu hộ tìm thấy họ.

Ngay cả khi vị trí của tàu được xác nhận, đội cứu hộ phải mất vài ngày để đưa buồng cứu hộ tiếp cận được tàu. Đó là một thách thức lớn nếu lượng oxy trên tàu ngầm đang cạn dần.

Bên cạnh đó, một thách thức lớn khác là tư thế của tàu ngầm khi tiếp cận đáy biển. Ông Layton nói: “Nếu tàu ngầm chìm ở tư thế nằm ngang, buồng cứu hộ sẽ dễ tiếp cận hơn. Nếu tàu chìm ở tư thế bị chúi xuống hay nghiêng sang một bên thì buồng cứu hộ không thể tiếp cận được”.


Ngaybaygio.com
22/11/2017