VN cần tịch thu tài sản không rõ nguồn gốc






Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.
Việt Nam cần tiến hành tịch thu tài sản không giải trình được nguồn gốc.

Đây là ý kiến của bà Nguyễn Thị Thủy, Thường trực Ủy ban Tư pháp tại phiên họp Quốc hội sáng ngày 21/11 về nội dung dự án Luật phòng, chống tham nhũng.

Bà Thủy dẫn số liệu cho thấy trong 10 năm qua thiệt hại do tham nhũng gây ra cho Việt Nam là trên 59.700 tỷ đồng và 400 ha đất nhưng chỉ thu hồi được khoảng 10% số này, tức là khoảng trên 4.600 tỷ đồng và 219 ha đất.

Nguyên nhân được bà Thủy đưa ra là do pháp luật Việt Nam chưa có cơ sở xử lý sớm với tài sản tham nhũng. Thậm chí nhiều người kê khai tài sản không đúng nhưng chỉ bị phạt dưới hình thức cảnh cáo hay cách chức.

Trong khi đó, theo bà, hơn 40 quốc gia trên thế giới đã đưa ra quy định về xử lý tài sản không giải trình được nguồn gốc. Một trong những nước được bà Thủy khen ngợi là Trung Quốc vì theo bà tại quốc gia này nếu tài sản không giải trình nguồn gốc được sẽ bị tịch thu và bị tù đến 5 năm.

Cũng tại phiên họp Quốc hội sáng 21/11, đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng tham nhũng ở Việt Nam là một căn bệnh cần thuốc đặc hiệu nhưng các biện pháp giải quyết tràn lan, không trọng tâm giống như thuốc bị pha loãng không trị được bệnh.

Vì vậy, vị đại biểu này nói rằng Việt Nam cần thay đổi cơ chế chống tham nhũng để tránh sự tràn lan này.

Theo ông Quốc, để làm được điều này cần phải huy động toàn bộ hệ thống pháp luật chứ không riêng gì luật phòng chống tham nhũng.

Cũng liên quan đến tham nhũng, 4 lĩnh vực được xác định xảy ra tham nhũng nhiều nhất ở Việt Nam là cảnh sát giao thông, quản lý đất đai, hải quan và ngành xây dựng.

Thông tin trên dược Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới công bố vào ngày 21/11 qua một cuộc khảo sát ý kiến người dân và doanh nghiệp về tình trạng tham nhũng ở Việt Nam. Cuộc khảo sát được tiến hành trên gần 5.500 người.

Kết quả cuộc khảo sát cho thấy tham nhũng là một trong 3 vấn đề được người dân quan tâm nhất, chỉ sau giá cả sinh hoạt và an toàn thực phẩm. 82% số người được hỏi cho rằng tham nhũng rất phổ biến ở Việt Nam. 45% cho biết họ từng chứng kiến tham nhũng và 44% doanh nghiệp cùng 28% người dân phải trả chi phí không chính thức.

Nhiều doanh nghiệp cho biết họ bị vòi vĩnh tiền và quà tặng để công việc được suôn sẻ. Các ngành thường xuyên đòi phí ngoài quy định nhất là cảnh sát giao thông, công an kinh tế, quản lý tài nguyên, và xây dựng.

Hầu hết những người được hỏi đều cho rằng đối tượng tham nhũng ở Việt Nam chưa phải chịu hình phạt thích đáng và các biện pháp chống tham nhũng cũng chưa được hiệu quả. Ngoài ra người dân còn lên án sự tiếp tay và bao che giữa công chức và đối tượng tham nhũng.



RFA
2017-11-21