Luật Phá sản ngân hàng yếu kém: Rút tiền kịp thời sẽ được đảm bảo quyền lợi





Ngân hàng VPBank, Việt Nam.


Chiều 20 tháng 11 vừa qua, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi. Theo đó, các ngân hàng yếu kém sẽ được quyền phá sản. Luật có hiệu lực từ ngày 15 tháng 1 năm 2018.

Từ Sài Gòn, ông Nguyễn Nhật Huy, Giám đốc chi nhánh ngân hàng VPBank cho đài RFA biết một số chi tiết liên quan quyền lợi của người gửi tiền.

RFA: Luật phá sản các ngân hàng yếu kém được Quốc hội thông qua hôm 20 tháng 11 trong bối cảnh được hiểu cụ thể như thế nào thưa anh? Và lợi ích lớn nhất của Luật Phá sản Ngân hàng này là gì?

Ông Nguyễn Nhật Huy: Luật phá sản ngân hàng do quốc hội thông qua là những ngân hàng yếu kém hoặc trong tình trạng kiểm soát đặc biệt, nếu như không cơ cấu lại được thì bắt buộc phải cho phá sản. Nhưng những quyền lợi của người gửi tiền và những tài sản mà họ thế chấp thì vẫn phải đảm bảo cho người ta.

Lợi ích lớn nhất là bây giờ những ngân hàng này yếu kém mà không vực dậy được, không làm gì được hết thì bắt buộc phải cho phá sản và nó sẽ có ích cho ngân hàng nhà nước vì ngân hàng nhà nước sẽ không nhảy vô can thiệp, không tốn nhân lực, không tốn tiền để cơ cấu lại nuôi bộ máy đó nữa.

RFA: Quyền lợi đó được đảm bảo như thế nào thưa ông? Luật này được thông qua trong lúc dư luận đang có tranh cãi về quy định hiện hành chỉ trả cho người gửi tiết kiệm 75 triệu đồng nếu một ngân hàng phá sản. Điều này được hiểu như thế nào cho đúng trong Luật phá sản ngân hàng?

Ông Nguyễn Nhật Huy: Bồi thường 75 triệu là khi nào gọi là mất đi hết, nhà nước này thay đổi chế độ thì lúc đó mới đền bù. Chứ khi ngân hàng tái cơ cấu thì trong quá trình đó, khách hàng được quyền đến rút số tiền của mình, thì Ngân hàng nhà nước hoặc những bộ phận tái cơ cấu thì vẫn đảm bảo quyền lợi. Khi ngân hàng tái cơ cấu lại thì có thông báo hết thì quyền lợi của người gửi vẫn được rút hết.

Khi ngân hàng phá sản thì sẽ có công văn, rồi ra toà. Toà sẽ coi người nào gửi tiền, người nào đi vay, người gửi bao nhiêu, ngân hàng phải chi bao nhiêu…Sau khi toà, chính phủ đồng ý cho phá sản mà mình chưa rút, thì lúc đó mới đền bù 75 triệu.

Nếu người Việt ở nước ngoài gửi tiền ở ngân hàng bị phá sản ở Việt Nam mà không về rút kịp, đến 1, 2 năm sau, ngân hàng đó phá sản rồi, cầm thẻ tiết kiệm đó đi rút thì chỉ rút được 75 triệu thôi.

RFA: Sự khác biệt giữa ngân hàng yếu kém và ngân hàng kiểm soát đặc biệt là thế nào?

Ông Nguyễn Nhật Huy: Ngân hàng yếu kém là họ vẫn đang hoạt động được. Còn ngân hàng kiểm soát đặc biệt là ví dụ như vốn chủ sở hữu có 10 tỷ thôi, mà ngân hàng bị âm vốn chủ sở hữu luôn, cho vay mà quá hạn rồi không chi trả, ngân hàng lấy vốn chủ sở hữu để trả nợ hết cho người gửi, không có tiền để trả lương, không có tiền hoạt động.

RFA: Người dân trong nước, đặc biệt là những người gửi tín dụng, đón nhận thông tin này như thế nào thưa ông?


Ông Nguyễn Nhật Huy: Họ vẫn bình thường, không hoang mang. Người Việt Nam trong nước bây giờ hiểu nhiều. Vả lại các tổ chức tín dụng, bên Ngân hàng Nhà nước, chính phủ cam kết là vẫn để cho hoạt động của ngân hàng vẫn tốt. Ngân hàng nào yếu kém thì sẽ tái cơ cấu bằng các đề án do ngân hàng tự đưa ra. Tái cơ cấu thì làm trong mấy năm. Nếu không làm được thì lúc đó ngân hàng nước ngoài nhảy vô mua. Rồi mấy năm mà vẫn không được thì lúc đó mới tính đến câu chuyện cho phá sản.

RFA: Có nghĩa rằng để đi đến quyết định cho phá sản 1 ngân hàng thì cần phải có thời gian thử thách?

Ông Nguyễn Nhật Huy: Hiện tại để đi đến phá sản thì hơi khó vì nó ảnh hưởng đến hệ thống của ngân hàng và những người gửi tiền sẽ không gửi ở những ngân hàng yếu kém hoặc những ngân hàng không có thương hiệu mạnh. Họ sẽ lo gửi ở nước ngoài hoặc những ngân hàng mạnh. Khi đó những ngân hàng kia sẽ nguy hiểm.

RFA: Cơ quan nào có thẩm quyền đưa ra quyết định cho phá sản 1 ngân hàng yếu kém và thời gian cần bao lâu?

Ông Nguyễn Nhật Huy: Thủ tục rất là nhiêu khê và thời gian ít nhất là kéo dài 3 đến 4 năm. Chỉ có chính phủ và Toà án Tối cao mới quyết định được.

RFA: Nguy cơ phá sản của các ngân hàng Việt Nam hiện nay như thế nào?

Ông Nguyễn Nhật Huy: Hiện nay chỉ có những ngân hàng kiểm soát đặc biệt là Ngân hàng Đông Á. Sắp tới là Eximbank, nhưng Eximbank đã có 1 đề án tái cơ cấu lại rồi, đó là Nhật Bản bỏ tiền ra để tái cơ cấu. Nghĩa là nó vẫn hoạt động bình thường. Trong trường hợp hoạt động không tốt nữa, Nhật cũng bỏ luôn thì lúc đó lại tái cơ cấu tiếp. Nếu không thì câu chuyện phá sản mới được tính đến.

RFA: Xin cảm ơn ông Nguyễn Nhật Huy.


RFA
Cát Linh, RFA
2017-11-22