Những công trình kiến trúc lâu đời nhất hành tinh



Nhiều công trình kiến trúc được xây dựng cách đây hàng nghìn năm TCN nhưng vẫn còn tồn tại đến ngày nay, nắm giữ những ý nghĩa lịch sử quan trọng của nhân loại.



Hang động Theopetra, Meteora, Greece: Hang động ở Theopetra, nằm gần các tu viện nổi tiếng ở Meteora, là một địa điểm khảo cổ rất độc đáo, có bằng chứng về sự sống của con người cách đây 130.000 năm. Trước cửa hang động là một bức tường 23.000 năm tuổi, được coi là cấu trúc nhân tạo lâu đời nhất trên trái đất. Ảnh: CNN.



Gobekli Tepe, Thổ Nhỹ Kỳ: Gobekli Tepe là một quần thể kiến trúc cổ đại nằm trên đỉnh một dãy núi phía Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ, được đoàn khảo sát khảo cổ của Đại học Istanbul và Đại học Chicago phát hiện năm 1964. Các nhà khảo cổ xác định quần thể được xây dựng khoảng 9.000 năm TCN bằng những công cụ thô sơ. Gobekli Tepe được biết đến là địa điểm của công trình tôn giáo nhân tạo lâu đời nhất thế giới. Ảnh: Sciencevibe.



Barnenez, Pháp: Cairn of Barnenez là một di tích hầm mộ thời kỳ đồ đá mới ở gần Plouezoc'h, trên bán đảo Kernéléhen ở phía bắc Finistère, Brittany, Pháp. Công trình có niên đại vào khoảng đầu những năm 4.800 TCN và được coi là đại diện tiêu biểu của nghệ thuật megalithic. Hầm mộ Barnenez dài 72 m, rộng 25 m và cao hơn 8 m, có 11 phòng và được xây dựng bằng 13.000 đến 14.000 tấn đá. Ảnh: Megalithic.



Monte d’Accoddi, Sardinia, Italy: Monte d 'Accoddi là một địa điểm khảo cổ được phát hiện năm 1954 ở Sassari, phía bắc Sardinia, Italy và được gọi là kim tự tháp bậc thang của Italy. Các phần cổ nhất của khu vực này có niên đại từ 4.000 đến 3650 TCN, và các nhà sử học cho rằng đó là một bàn thờ hoặc một ngôi đền. Monte d 'Accoddi được đánh giá là đại diện tiêu biểu nhất về thời tiền sử của Sardinia. Ảnh: Lanuovasardegna.



Ggantija, Malta: Ggantija có niên đại khoảng 5.500 năm trước trên đảo Gozo và là những đền thờ đầu tiên ở Malta. Công trình gồm 2 ngôi đền bằng đá được xây dựng từ khoảng những năm 3600 đến 3200 TCN. Ggantija có những kiến trúc đá lâu đời nhất thế giới, lớn hơn cả kim tự tháp của Ai Cập, nằm trên diện tích hơn 3.000 ha, và được Unesco công nhận là di sản thế giới. Ảnh:Worldatlas.



Knap of Howar, Scotland: Knap of Howar nằm trên hòn đảo Papa Westray của Scotland có niên đại từ năm 3700 đến năm 3500 TCN. Công trình được coi là ngôi nhà đá cổ nhất ở Bắc Âu, gồm 2 ngôi nhà được xây dựng liền kề với các bức tường cao 1,6 m. Ảnh: Tumblr.



West Kennet Long Barrow, Anh: West Kennet Long Barrow là một quần thể những ngôi mộ có niên đại từ năm 3650 TCN trong Thời kỳ Đồ đá mới. Theo tổ chức Di sản Anh, những ngôi mộ này nằm ở Wiltshire, Anh, nhiều người đã được hỏa táng và chôn cất ở đây trước khi ngôi mộ đóng cửa vào năm 2000 TCN, sau khi được sử dụng khoảng 1.000 năm. Các cuộc khai quật vào năm 1859 và 1955 đến năm 1956, tìm thấy đồ gốm, dụng cụ bằng đá, và hạt có niên đại từ năm 3000 đến năm 2600 TCN. Ảnh: Historicengland.



Pentre Ifan, Wales: Pentre Ifan nằm trên sườn núi nhìn ra thung lũng Nevern ở Pembrokeshire là hầm mộ đá lớn nhất và được bảo quản tốt nhất xứ Wales, xây dựng khoảng năm 3500 TCN. Pentre Ifan có nghĩa là làng của Ivan và là địa điểm megalithic nổi tiếng của xứ Wales. Điểm nổi bật của Pentre Ifan là phiến đá khoảng 16 tấn, dài 5 m đặt trên 3 tảng đá khổng lồ cách mặt đất 2,4 m. Ảnh: Megalithic.



Newgrange, Ireland: Newgrange nằm ở phía đông Ireland là một ngôi mộ cổ khoảng 5.000 năm tuổi. Newgrange có đường kính 85 m và cao 13,5 m là một trong những đài tưởng niệm thời tiền sử ấn tượng nhất ở châu Âu. Năm 1993, Unesco đã công nhận Newgrange là di sản thế giới. Ảnh: Beautifulmeath.



Skara Brae, Orkney, Scotland: Skara Brae là một khu định cư thời kì đồ đá, nằm trên vịnh Skaill ở Orkney, Scotland. Skara Brae bao gồm 8 ngôi nhà được xây dựng từ khoảng năm 3180 đến khoảng 2500 TCN. Là ngôi làng tiền sử hoàn chỉnh nhất của Châu Âu, Skara Brae được Unesco công nhận là di sản thế giới và là một trong bốn địa điểm tạo thành " Trái tim thời kỳ đồ đá mới”. Ảnh: Museopics.



Kim tự tháp Djoser, Ai Cập: Nằm trong khu Saqqara, Ai Cập, kim tự tháp Djoser được xây dựng vào khoảng thế kỷ 27 TCN, là lăng mộ của Pharaoh Djoser. Djoser là kim tự tháp đầu tiên của Ai Cập bao gồm 6 mastaba được xây dựng chồng lên nhau, ban đầu có chiều cao 62 m và là công trình xây dựng cắt đá quy mô lớn sớm nhất thế giới. Ảnh: Madamasr.



Kim tự tháp Giza, Ai Cập: Giza còn được gọi là kim tự tháp Khufu và là kim tự tháp lớn nhất và lâu đời nhất trong 3 kim tự tháp ở Niza Giza, giáp với El Giza, Ai Cập với chiều cao ban đầu là 146,5 m. Đồng thời, kim tự tháp Giza cũng di sản lâu đời nhất trong 7 kỳ quan của thế giới cổ đại, và là công trình duy nhất còn nguyên vẹn. Các nhà Ai Cập học nói rằng kim tự tháp được xây dựng để trở thành hầm mộ cho triều đại thứ 4 Pharaoh Khufu của Ai Cập và hoàn thành khoảng năm 2560 TCN. Ảnh: Travelandleisure.


Kỳ quan kiến trúc bị quên lãng suốt 2.000 năm Thành cổ Petra, một trong những kỳ quan kiến trúc tuyệt vời của nhân loại, đã từng chìm trong quên lãng trong suốt 2.000 năm.