Mái nhà siêu bền làm từ rác thải ở Ấn Độ


Đây là mái lợp năng lượng Mặt trời, Modroof, được làm từ rác thải tái chế có chi phí rất rẻ, được sản xuất để giúp đỡ người nghèo sinh sống trong các khu nhà ổ chuột.


Modroof được phát triển bởi Rematerials, một công ty khởi nghiệp của Ấn Độ. Mái lợp được làm từ hỗn hợp gồm: bìa cứng, bao bì và rác thải nông nghiệp tái chế được nén chặt.

Hiện có khoảng 1 tỷ người đang sinh sống trong các khu nhà ổ chuột trên thế giới với các mái nhà lụp xụp, không đảm bảo an toàn được làm từ các vật liệu giá rẻ, không đảm bảo chất lượng và thậm chí còn độc hại. Những thứ dễ bị thổi bay bởi giông bão và gió mạnh.

Các mái lợp fibro xi măng còn có thể khiến nhiệt độ trong nhà tăng cao tới 46 độ C, khiến người cao tuổi và trẻ em có nguy cơ cao bị sốc nhiệt.

Công ty Rematerials cho biết, mái lợp Modroof có độ bền lên tới 20 năm và có khả năng chống chịu tốt. Mái lợp không cháy và chống nước. Modroof cũng có chi phí rẻ hơn nhiều, chỉ bằng 1/10 so với mái nhà đổ bê tông.

Công ty cho biết, họ còn một phiên bản đặc biệt được tích hợp các tế bào quang điện, giúp chuyển năng lượng Mặt trời thành điện năng, đủ để thắp sáng đèn LED và sạc điện thoại.

Rematerials hi vọng sản phẩm của họ có thể mở rộng ra toàn cầu để hỗ trợ và giúp đỡ người nghèo.

Theo Khoa Học