Hàng rào dài nhất thế giới đi bộ 6 tháng mới hết



Nếu được kéo thẳng, hàng rào Dingo ở miền đông nam Australia có thể nối từ New York tới London.

Thường hàng rào là thứ không tốn kém và có thể được dựng xong trong vài ngày, nhưng với người Australia, hàng rào Dingo là một công trình hoàn toàn khác. Hàng rào Dingo trải dài hơn 5.600 km từ thị trấn Jimbour, Queensland tới tận bờ biển vịnh Great Australia Bight phía tây nam Australia.



Hàng rào Dingo. Ảnh: Pinterest.

Từ những năm 1860, nhiều con tàu từ Anh tới Australia để lập nên các khu định cư đầu tiên và đem theo thỏ làm thức ăn, nhưng lũ thỏ đã sinh sôi tới mức không loài động vật ăn thịt nào có thể địch lại

. Hàng trăm triệu con thỏ lan rộng khắp lục địa này, phá hoại toàn bộ mùa màng của người dân. Chính quyền Tây Australia quyết định dựng lên hàng rào lưới thép dài 1.833 km để ngăn chặn sự bùng nổ của loài thỏ.

Tuy nhiên, công trình này bị xếp xó do không thể kiểm soát lũ thỏ, mà lại hiệu quả cho lợn, kangaroo hay cừu. Một vấn đề khác nổi lên là những bầy chó hoang (Dingo) hoành hành, chúng ăn thịt hàng triệu con cừu mỗi năm, theo Condé Nast Traveler.

Đến đầu những năm 1900, bang Tây Australia cho sửa chữa hệ thống hàng rào này để kiểm soát chó hoang, đó cũng là lý do người ta gọi công trình này là Dingo Fence.

Vào năm 1930, 32.000 km hàng rào lưới thép được dựng lên ở Queensland. Cho tới thập niên 40, chính quyền các bang nối liền hệ thống, tạo nên một hàng rào liên tục dài nhất thế giới.



Người dân Australia luôn phải canh chừng lũ chó hoang tấn công gia súc. Ảnh: ABC.

Đến năm 1980, công trình này dài 8.614 km, nhưng ngày nay được rút ngắn còn 5.614 km. Nếu muốn đi bộ dọc hàng rào vốn cao 1,8 m, bạn có thể phải mất đến 6 tháng mới hết chiều dài của nó.

Ngày nay, hàng rào được 23 nhân viên toàn thời gian thay phiên trông coi. Mỗi năm, chính phủ Australia tốn khoảng 750.000 USD để bảo trì hàng rào Dingo.

Dự án phần nào thành công qua nhiều năm, dù lũ chó hoang vẫn phá rào để thâm nhập vào lãnh thổ của vài bang miền nam Australia. Hàng rào Dingo cũng như một làn ranh giới phân chia hệ sinh thái thành hai nửa, dấy lên nhiều tranh cãi về vấn đề môi trường.



Hàng rào phân chia hệ sinh thái của miền đông nam Australia thành hai nửa. Ảnh: Mitswaki Iwwago.

Với bên ít chó hoang hơn, lũ thỏ, kangroo, các loài gặm nhấm sinh sôi mạnh, còn số lượng thằn lằn, các loài động vật có vú và thú có túi khác lại giảm. Thảm thực vật cũng bị biến đổi do không còn đủ cỏ cho tất cả các loài.

Trong khi đó, phần lãnh thổ có nhiều đàn chó hoang sinh sống lại màu mỡ hơn.

Theo tiến sĩ Mike Letnic của Đại học Sydney, chó hoang Dingo là thú ăn thịt hàng đầu, có vai trò quan trọng trong việc giữ cân bằng sinh thái và tăng cường đa dạng sinh học trên vùng đất rộng tới 2 triệu km2 của Australia.


Phạm Huyền