Bạn có biết, nhìn người qua tướng ăn còn chuẩn hơn tướng mạo


Cổ nhân thường nói: “Từ chi tiết nhỏ nhìn ra trí tuệ lớn”. Ăn cơm cũng như thế, mặc dù là một việc vừa nhỏ vừa đơn giản nhưng nó lại phản ánh được một người nào đó là có giáo dưỡng hay không.





Ăn được coi là bản năng, nhưng lại thể hiện mức độ giáo dưỡng. (Ảnh: El Sol)



Có người nói: “Tướng ăn quá kém cũng khiến người khác xem thường”. Trước kia có một đồng sự rất hay lựa đồ ăn, gặp món gì mình không thích liền gạt sang một bên. Ví như món hải sản kho dưa, vì không thích ăn dưa nên trong lúc ăn cứ gắp từng miếng dưa ra ngoài, chỉ chăm chăm vào món mực, tướng ăn rất khó coi.

Khi còn bé tôi sống ở nhà bà ngoại, cũng thường nghe bà dạy rằng, ăn cơm phải đợi mọi người cùng ngồi vào bàn, bậc trưởng bối động đũa rồi thì mình mới được động, lúc ăn không được phát ra âm thanh, khi gắp không được lựa chọn, đã gắp rồi là phải ăn, dù món không thích cũng nên yên lặng ăn hết. Lúc đó cảm thấy bà ngoại quá nhiều quy củ, quá phiền phức, hiện giờ nhìn lại mới thực sự cảm thấy được lợi ích của nó.

Tục ngữ có câu: “Phải để đồ ăn theo miệng, chứ đừng để miệng theo đồ ăn”, ý nói rằng, con người khi ăn bất kể thứ gì đều phải đưa đồ ăn vào miệng chứ đừng chúc đầu rồi đưa miệng đến chỗ đồ ăn để ăn. Từ cách ăn uống có thể phản ánh sự giáo dưỡng.

Giáo dưỡng thể hiện ở những chi tiết rất nhỏ, đặc biệt là trong những thói quen sinh hoạt hàng ngày. Ăn được coi là bản năng, nhưng lại thể hiện mức độ giáo dưỡng. Có hai loại tướng ăn được cho là rất xấu:
1. Trong dĩa đồ ăn, dùng chiếc đũa bới thức ăn để chọn cho mình món ưa thích.
2. Phàm ăn tục uống, cứ như thể sợ người khác sẽ tranh mất phần.

Có người bạn cũng từng kể, từ nhỏ nhà của anh ta rất gia giáo, người mẹ đặc biệt quản thúc con cái rất nghiêm khắc, ngồi có tướng ngồi, đứng có tướng đứng, ăn cơm không thể dùng đũa đảo tới đảo lui đồ ăn, gắp được cái gì phải ăn cái nấy, trong lúc ăn không được nói chuyện, không được phát ra tiếng…

Anh bạn này cảm thấy mẹ mình quản quá nhiều, nhưng sau khi lớn lên mới phát hiện những thói quen này lại ảnh hưởng rất lớn tới công việc và cuộc sống, bạn bè đều xem anh là một người có giáo dưỡng. Lớn lên rồi mới thấy biết ơn cha mẹ vì những thói quen tốt đã dưỡng thành từ khi thơ ấu.



Ăn uống cũng thể hiện dục vọng của mỗi người. (Ảnh: Bigthink)

Cổ nhân nói: “Quân tử ăn hương ăn hoa, tiểu nhân ăn đến bể bụng chưa thấy đủ”. Tôi nghĩ rằng điều này không đơn giản là vấn đề ăn uống, mà còn phản ánh dục vọng của một người. Quân tử làm việc gì đều có mức độ, tiểu nhân làm việc cũng phóng túng vô độ.

Đôi khi thái độ công tác của bạn không chỉ biểu hiện ở năng lực làm việc, mà còn biểu hiện ở một phương diện rất nhỏ như việc ăn cơm, nhất cử nhất động của bạn, người khác sẽ nhìn thấy rõ ràng. Chúng ta không phải thời thời khắc khắc đều giống như “thục nữ”, tuy nhiên, chúng ta vẫn nên ước thúc hành vi của chính mình, trong đó có việc ăn uống.

Nếu để ý một chút, chúng ta không khó để nhận thấy rằng, có những lúc ăn cơm cùng với một số người khiến chúng ta rất vui vẻ. Nhưng cũng có đôi lúc ăn cơm cùng với một người xong lại không có được một chút cảm tình nào với người ấy, thậm chí còn có cảm giác chán ghét.

Có lần tôi đi tham dự hôn lễ của một người bạn, ngồi cùng bàn với một số người không quen biết, trong đó cũng có vài đứa trẻ. Mỗi lần đồ ăn được đưa lên, một số vị chỉ gắp rau ăn, còn một số người, thấy món đồ ăn nào ngon liền gắp vào trong chén, còn ăn chưa xong, thấy món ăn khác lại tranh thủ gắp tiếp.

Những đứa trẻ còn hơn thế, gặp được chân gà, thịt vịt nướng các loại, liền trực tiếp dùng tay để bốc, người nhà ở bên cạnh cũng không ngăn cản. Thậm chí, tự mình còn bốc rồi đưa cho chúng cầm. Cả bữa ăn, một chút khẩu vị cũng không có.

Vậy mới nói, với một số người, được ăn cùng họ là hưởng thụ, nhưng với một số khác lại là tra tấn. Ăn uống như thế nào, chính là phản ánh sự giáo dưỡng của con người bạn.

Tuệ Tâm