2 người chết trong ‘Ngày Thịnh nộ’ phản đối quyết định về Jerusalem của Mỹ





Người biểu tình Palestine la lớn trong các cuộc đụng độ với binh sĩ Israel, ngày 8 tháng 12, 2017.

Ít nhất hai người chết trong các cuộc đụng độ với binh sĩ Israel khi hàng ngàn người Palestine biểu tình phản đối việc Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và Tổng thống Palestine nói Washington không còn là một bên điều giải hòa bình nữa.

Khắp thế giới Ả-rập và người Hồi giáo, hàng ngàn người biểu tình đã xuống đường vào ngày linh thiêng của người Hồi giáo để bày tỏ tình đoàn kết với người Palestine và sự phẫn nộ trước việc ông Trump đảo ngược chính sách của Mỹ từ hàng chục năm qua.

Binh sĩ Israel bắn chết một người đàn ông Palestine gần biên giới Gaza, là cái chết đầu tiên được xác nhận trong hai ngày bất ổn. Hàng chục người bị thương trong "Ngày Thịnh nộ." Một người thứ hai sau đó chết vì thương tích, một quan chức bệnh viện ở Gaza cho biết .

Lục quân Israel cho biết hàng trăm người Palestine lúc đó đang lăn những lốp xe bốc cháy và ném đá vào binh lính qua biên giới.

"Trong các cuộc bạo loạn, binh lính IDF đã bắn một cách có chọn lọc vào hai kẻ xúi giục chính và xác nhận họ bị bắn trúng," lục quân nói.

Hơn 80 người Palestine bị thương ở khu vực Bờ Tây bị chiếm đóng và Gaza vì trúng đạn thật và đạn cao su của binh lính Israel, theo dịch vụ cứu thương Trăng Lưỡi liềm Đỏ của Palestine. Thêm hàng chục người hít phải hơi cay. 31 người bị thương hôm thứ Năm.

Khi những buổi cầu nguyện hôm thứ Sáu kết thúc tại nhà thờ Hồi giáo Al Aqsa ở Jerusalem, những người thờ phượng đi đến các cổng của Cổ Thành, hô to "Jerusalem là của chúng ta, Jerusalem là thủ đô của chúng ta" và "Chúng ta không cần những từ sáo rỗng, chúng ta cần đá và súng Kalashnikov." Các vụ xô xát nổ ra giữa những người biểu tình và cảnh sát.

Tại các thành phố Hebron, Bethlehem và Nablus, hàng chục người Palestine ném đá vào những người lính Israel bắn hơi cay đáp trả.

Tại Gaza, kiểm soát bởi nhóm Hồi giáo cực đoan Hamas, những lời kêu gọi người thờ phượng biểu tình phản đối vang lên trên các loa phóng thanh trong nhà thờ Hồi giáo. Hamas đã kêu gọi một cuộc nổi dậy mới của người Palestine như những "intifada" trong những năm 1987-1993 và 2000-2005, chứng kiến hàng ngàn người Palestine và hơn 1.000 người Israel thiệt mạng.

Tại Liên Hiệp Quốc, Đại sứ Mỹ Nikki Haley nói Washington vẫn có uy tín là một bên trung gian hòa giải.

"Hoa Kỳ có uy tín với cả hai bên. Israel sẽ không bao giờ, và không bao giờ nên, bị ép buộc phải tham gia một thỏa thuận của Liên Hiệp Quốc, hoặc của bất kỳ một tập hợp các nước nào đã cho thấy họ coi thường an ninh của Israel," bà Haley nói với Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Tuy nhiên, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tỏ ra thách thức.

"Chúng tôi bác bỏ quyết định của Mỹ về Jerusalem. Với lập trường này, Mỹ đã không còn đủ tư cách để bảo trợ tiến trình hòa bình nữa," ông Abbas nói trong một thông cáo. Ông không nói cụ thể hơn.

Pháp, Ý, Đức, Anh và Thụy Điển kêu gọi Mỹ "đưa ra những đề xuất chi tiết cho một thỏa thuận giữa người Israel và Palestine."

Thông báo của ông Trump hôm thứ Tư đã khiến thế giới Ả-rập tức giận và làm phật lòng các nước đồng minh phương Tây. Tư cách của Jerusalem là một trong những trở ngại lớn nhất cho một thỏa thuận hòa bình giữa Israel và người Palestine qua nhiều thế hệ.

Israel coi toàn bộ Jerusalem là thủ đô của mình. Người Palestine thì muốn phần phía đông của thành phố là thủ đô của một quốc gia độc lập của riêng họ trong tương lai.

Hầu hết các nước đều xem Đông Jerusalem, nơi mà Israel sáp nhập sau khi chiếm cứ trong Chiến tranh Trung Đông năm 1967, là lãnh thổ bị chiếm đóng. Nó bao gồm Cổ Thành, nơi có các địa điểm được coi là linh thiêng đối với người Hồi giáo, người Do Thái và Kitô hữu.

Suốt nhiều thập niên, Washington, giống như phần lớn cộng đồng quốc tế còn lại, không công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, nói rằng tư cách của nó nên được xác định trong tiến trình hòa bình Palestine-Israel. Không có nước nào khác đặt đại sứ quán ở đó.


VOA
09/12/2017