Luật Giáo dục sửa đổi: Chỉ mong lương giáo viên bằng CSGT



GS Nguyễn Lân Dũng cho rằng, Luật Giáo dục không thể cứ sửa đổi, bổ sung mãi mà phải làm lại.

Đưa ra 3 lý do để phải xây dựng lại Luật, GS Nguyễn Lân Dũng cho biết, thứ nhất là dựa trên căn cứ vào Nghị quyết của Đảng, trong đó có nêu rõ: Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục. Thứ hai, Việt Nam là nước đứng thứ 13 trên thế giới về dân số, không thua kém bất kỳ nước nào. Thứ ba, học sinh Việt Nam rất thông minh, bằng chứng là tại cuộc thi quốc tế nào học sinh Việt Nam cũng giành được rất nhiều huân, huy chương.



Các chuyên gia thảo luận tại hội thảo. Ảnh: VNN

"Đó là 3 lý do, buộc chúng ta phải tham khảo, học hỏi luật từ các nước khác để viết ngắn hơn, đúng hơn", ông Dũng nói.

Giải thích vì sao ông lại cho rằng phải viết ngắn hơn, đúng hơn, dẫn vào tờ trình Luật sửa đổi, GS Nguyễn Lân Dũng chỉ rõ từng điểm cụ thể như sau:

Đầu tiên về mục tiêu. Luật sửa đổi viết mục tiêu giáo dục là phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc...

"Đó là mục tiêu "Anh hùng lao động". Tôi được mời làm cố vấn cho một tổ chức quốc tế có hàng trăm quốc gia là thành viên. Tôi thấy, mục tiêu của họ chỉ gói trong một câu duy nhất: "Đào tạo thanh nhiên thành những người lương thiện". Tất nhiên, những người thanh niên lương thiện ở đây còn phải bao gồm cả trí tuệ nữa, nhưng mục tiêu của họ rất rõ ràng đó là "đào tạo con người thành người lương thiện".

Trong khi đó, mục tiêu của chúng ta lại quá dài dòng, mơ hồ, không định lượng được. Tôi không đồng ý với mục tiêu này.

Tôi không đồng ý với mục tiêu này vì mục tiêu của chúng ta đặt ra lâu nay toàn những điều cao siêu như thế nhưng kết quả thì sao? Ra ngoài xã hội đâu cũng nghe thấy những chuyện vô cảm, bố đánh con, dí điện vào con, mẹ kế đánh con chồng nằm viện đến cả giáo viên cũng đánh học sinh bất tỉnh, chấn thương sọ não... thế thì luật phải điều chỉnh cái này đi chứ", vị GS thẳng thắn.

Tiếp đến, Luật sửa đổi vẫn quá nặng về siết đầu vào mà buông lỏng đầu ra.

"Tại sao không xóa bỏ câu chuyện "chuyên tu, tại chức" đi? Tôi từng hỏi một cô làm nghề cắt tóc, cô đi học tại chức thì học thế nào? Cô này đáp, cô chả học gì cả, thích thì thầy cho bài về nhà làm. Vậy thì học để làm gì?

Luật sửa đổi lần này phải làm được việc này mới hay, có thể anh học đại học chính quy, đại học tại chức... không quan trọng nhưng đầu ra phải bằng nhau", GS Lân Dũng nói.

Lại nữa, về quy định ngân sách nhà nước đóng vai trò chủ yếu trong tổng nguồn lực đầu tư cho giáo dục. Trong đó có quy định trường tiểu học, trung học không phải đóng học phí.

"Tôi cho đây là mong muốn đầy ảo tưởng, không thể làm được. Tôi từng là đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Nguyên, tôi được đi tới nhiều nơi, thăm nhiều trường học mà không ai tưởng tượng được đó là trường học cả. Có những lớp học mà học sinh lớp 3, lớp 4 quay lưng lại học chung trong một phòng. Thậm chí có những lớp học không bàn ghế, học sinh đứng cầm tờ giấy để viết... Nhìn vào những cảnh tượng đó mà nói rằng Nhà nước phải chịu trách nhiệm hoàn toàn đối với các trường tiểu học và trung học cơ sở hệ công lập là bất khả thi", vị GS nhấn mạnh.

Vấn đề tiếp nữa, Luật có đề cập tới chất lượng giáo dục. "Tôi lấy ví dụ như việc đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam với nước ngoài đang khác nhau quá xa. Ở nước ngoài, bảo vệ luận án tiến sĩ các thầy giáo trong hội đồng tất cả đều mặc quần sooc, không thắt cà-vạt, phòng cũng không có hoa. Quan trọng nhất là học không phải tốn đồng nào cả. Còn hội đồng chấm thi là tất cả những giáo sư của các bang thuộc lĩnh vực đó, ngoài ra còn có cả một chuyên gia Nhật sang Mỹ tham gia vào hội đồng chấm thi đó.

Trong khi đó, ở Việt Nam, tôi có quen một tiến sĩ được cấp bằng quốc tế tiếng Pháp, nhưng Việt Nam không công nhận bằng đó và yêu cầu phải thi lại. Ngạc nhiên ở chỗ, vị tiến sĩ tiếng Pháp phải thi lại nhưng hội đồng chấm thi tại Việt Nam lại là những tiến sĩ tiếng Nga. Như vậy, cái quyền định khác nhau giữa đào tạo tiến sĩ tại Việt Nam và thế giới chính là hội đồng chấm thi.

Luật Giáo dục sửa đổi: Đừng để dạy tất cả làm quan!

Còn nữa, Luật đề xuất lương của ngành giáo dục được xếp cao nhất trong thang bảng lương công chức.

"Đề xuất này quá khôi hài, tôi chỉ mong lương của giáo viên Việt Nam chỉ cần bằng được lương của cảnh sát giao thông là mừng lắm rồi", ông Dũng nói.

Tổng hợp tất cả những phân tích ở trên, GS Nguyễn Lân Dũng kết luận: "Luật cần phải viết ngắn lại và đừng khác quá nhiều so với các nước khác trên thế giới".

Đất Việt
09/12/2017