Trạm thu phí Hầm Thủ Thiêm bị xóa sổ vì chính phủ Nhật phản đối?



Vào sáng ngày 19 tháng 12 năm 2017, Sở Giao Thông Vận Tải Tp HCM đã đề nghị tháo dỡ Trạm thu phí Hầm Thủ Thiêm bán sắt vụn sau 6 năm hoạt động, với lý do tránh tắc nghẽn giao thông khi qua hầm.


Theo báo VNExpress, trạm thu phí Hầm Thủ Thiêm sẽ được tháo dỡ trước Tết Nguyên Đán 2018, để tránh tình trạng hầm Thủ Thiêm thường xuyên kẹt vào giờ cao điểm, do lượng xe máy tăng đột biến trong ba tháng qua.

Sở Giao Thông Vận Tải đã giao Trung tâm quản lý cho lực lượng túc trực ở hai đầu hầm 24/24; tăng làn đường vào hầm và hướng thoát khỏi hầm cho xe máy; cho xe máy đi vào làn ôtô khi xảy ra ùn tắc, bổ sung một số biển cấm để phân luồng lại giao thông…

Trạm thu phí được quyết định đưa thử nghiệm từ tháng 09/2012 với hy vọng sẽ thu lại nguồn vốn đầu tư xây dựng Hầm Thủ Thiêm do công ty Nhật thiết kế và thi công. Trạm thử nghiệm thu phí 1 tháng, thì uỷ ban nhân dân Tp.HCM quyết định tạm dừng, với lý do “kinh tế HCM chưa phát triển vượt bậc và người dân còn gặp nhiều khó khăn”.

Tuy nhiên, một nguyên nhân khác được biết đến, là do phía chính phủ Nhật Bản đã có công hàm phản đối gửi chính phủ Việt Nam, yêu cầu không được thu phí, vì Hầm Thủ Thiêm được xây dựng từ nguồn vốn ODA của chính phủ Nhật Bản.

Được biết, trạm thú phí được đặt trên địa bàn Quận 2 đoạn đầu đường dẫn vào Hầm Thủ Thiêm với 12 cabin được xây dựng đầy đủ tiện nghi bao gồm: máy tính, ti vi, máy lạnh,… với chi phí xây dựng hàng chục tỉ đồng.


Một người dân bức xúc bày tỏ: “Nhà cầm quyền Việt Nam tìm đủ mọi cách, mọi lý do để hút máu của người dân. Dù công trình Hầm Thủ Thiêm được xây dựng bằng nguồn hỗ trợ ODA nhưng họ lại muốn thu kiểu BOT. Ai sẽ phải chịu trách nhiệm việc xây dựng rồi phá bỏ trạm thu phí này, khiến thất thoát hàng chục tỉ đồng của người dân?”


Nguyên Nguyễn / SBTN