Quê Hương Ô Nhiễm




Có vẻ như ô nhiễm khó chữa, khó cứu vãn, như dường sẽ bó tay… Vì nơi nào tại Việt Nam cũng thấy ô nhiễm, từ Nam ra Bắc, từ Đông sang Tây…

Báo Pháp Luật kể về một thống kê chính thức của chính phủ: Xử lý 400 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng…

Bản tin PL kể, trong năm 2018, Tổng cục Môi trường sẽ đẩy mạnh công tác kiểm soát ô nhiễm khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp; tập trung vào các khu công nghiệp đang hoạt động nhưng chưa đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài cho biết tại hội nghị tổng kết năm 2017 cuối tuần qua: Trong năm qua đã có 400/439 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng bị xử lý, đạt tỉ lệ 91,1%.

Trong khi đó, các cơ sở lao động ô nhiễm tới mức báo động. Báo Giao thông ghi rằng theo thống kê của Cục Quản lý Môi trường, có tới 80-90% số cơ sở lao động chưa thực hiện quy định…

Theo thống kê của Cục Quản lý Môi trường (Bộ Y tế), có tới 80-90% số cơ sở lao động chưa thực hiện quy định quan trắc hoặc thực hiện không đầy đủ đối với các yếu tố có hại, có nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp.

Ngoài ra, việc đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe và phòng chống bệnh nghề nghiệp vẫn chưa được triển khai đồng đều; công tác thu gom, phân loại, vận chuyển, lưu giữ, bảo quản chất thải y tế tại các cơ sở y tế chưa tốt… Trong tổng số hơn 6.000 cơ sở lao động, hiện mới có 218 đơn vị công bố đủ điều kiện thực hiện quan trắc môi trường lao động trên toàn quốc. Theo thống kê mới nhất, tại Việt Nam hiện có gần 28.000 người lao động mắc mới bệnh nghề nghiệp. Trong tổng số 30 bệnh nghề nghiệp được đưa vào danh mục thanh toán BHYT thì bệnh bụi phổi là bệnh phổ biến nhất, chiếm tới 74% số ca. Tiếp theo là bệnh đường hô hấp chiếm 32%; sau đó là bệnh do tiếng ồn chiếm 17%…

Trong khi đó, bản tin BNews/TTXVN kể: Tái chế nhôm đang “bức tử” môi trường tại Bình Yên-Nam Định…

Làng nghề đúc nhôm tại thôn Bình Yên, xã Nam Thanh (Nam Trực, Nam Định) đang “bức tử” hầu hết các sông ngòi, kênh mương, nhiều ha ruộng vườn tại địa phương.

Đã hơn 20 năm, nghề đúc nhôm được du nhập về thôn Bình Yên, xã Nam Thanh (Nam Trực, Nam Định). Cái được mà nghề này mang lại đó là ngày càng nhiều hộ gia đình ở đây trở nên khá giả, song mặt trái của nó là môi trường nơi đây đang ngày càng bị “bức tử” bởi hầu hết các sông ngòi, kênh mương, nhiều ha ruộng vườn đã bị bỏ hoang vì ô nhiễm…

Bản tin kể rằng đường về làng Bình Yên đã không còn đẹp bởi nhiều thửa ruộng đã bị bỏ hoang, hầu hết các nhánh kênh mương nước dẫn ra sông đã bị ô nhiễm, nước nhuốm màu (chỗ thì xanh rêu, chỗ thì đen, chỗ bạc trắng, chỗ thì đặc sệt màu vàng, bốc lên mùi hôi thối). Tất cả đều có nguồn gốc từ nghề đúc, tái chế nhôm gây ra.

Theo ông Trần Duy Liêm, cán bộ môi trường xã Nam Thanh, 100% nước thải từ sản xuất của các hộ sản xuất đúc, cán nhôm của thôn Bình Yên vẫn thải trực tiếp ra môi trường. Do vậy, toàn bộ nguồn nước từ các kênh, sông trên địa bàn bị ô nhiễm nghiêm trọng. Ngoài ra, có khoảng 20 hec ta ruộng lúa của xã Nam Thanh đã bị bỏ hoang, không thể gieo cấy vì bị ngấm nước ô nhiễm.

Còn ông Bùi Văn Tĩnh- xóm 1, thôn Bình Yên chia sẻ, nghề đúc nhôm ở làng Bình Yên vốn không phải là nghề truyền thống, chỉ mới xuất hiện cách đây khoảng 20-30 năm. Tuy vậy, nghề này bén rễ rất nhanh, anh truyền cho em, hộ này truyền cho hộ kia, xóm trên truyền cho xóm dưới… nên giờ đây trong thôn gần như nhà nào cũng có xưởng cán, đúc nhôm, mỗi xóm, hộ là một công đoạn khác nhau, hàng trăm xưởng đúc nhôm nằm xen kẽ với khu dân cư.

Ban đầu, người dân đúc xoong, nồi nhưng nay chủ yếu là đúc thanh nhôm. Nhờ sản xuất kinh doanh có hiệu quả, thu lãi lớn nên nhiều hộ dân ở đây trở nên khá giả và giàu có. Song cái giá phải trả là sự ô nhiễm môi trường sống ngày càng trở nên nghiêm trọng: khói bụi từ sỉ than được đổ khắp các ngả đường, nước sông hồ ao chuôm thì đã từ lâu không có một sinh vật nào có thể sống được bởi hóa chất như crom, thuốc tẩy… không khí trong làng lúc nào cũng ngột ngạt bởi các lò đốt hoạt động liên tục 24/24 giờ.

Trong khi đó, báo Môi Trường & Đô Thị kể chuyện Hà Nội: Hà Nội lại… lọt ‘top’ ô nhiễm không khí…

Moitruong.net đưa tin, sáng 25/12, kết quả đo lường không khí tại Hà Nội thuộc nhóm “Rất không lành mạnh” và nằm trong top 10 thành phố ô nhiễm nhất Thế giới. Theo thông số tại trạm đo lường chất lượng không khí đặt tại Đại sứ quán Hoa Kỳ đường Láng Hạ, Ba Đình, Hà Nội cho biết mức độ ô nhiễm ở Thủ đô đã đạt mức rất cao, chỉ số AQI lên tới 207 thuộc nhóm “Rất không lành mạnh” và cảnh báo sức khỏe trường hợp khẩn cấp đối với tất cả mọi người.

Đây không phải lần đầu tiên mức độ ô nhiễm không khí của Hà Nội lọt top ô nhiễm nhất thế giới. Trước đó ngày 5/10/2016, chỉ số AQI tại Hà Nội còn lên tới 241, cao thứ nhì thế giới. Trong năm 2016, Thành phố Hà Nội có tới 282 ngày ô nhiễm không khí.

Trong vòng 30 ngày gần đây, chất lượng không khí ở Hà Nội có nhiều thời điểm rất xấu khi tần suất chỉ số AQI luôn ở mức cao, vài lần chạm ngưỡng 300 (mức nguy hiểm).

Trong khi đó, Báo Tin tức đưa tin, theo sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nội thành Hà Nội hiện có hơn 118 ao, hồ. Đa số đều bị ô nhiễm bởi nước thải, trầm tích, bùn đáy. Có nhiều hồ mà lưu lượng nước thải chảy vào đã vượt quá khả năng tự làm sạch; gây ô nhiễm hữu cơ, dầu mỡ, kim loại nặng, vi sinh. Bên cạnh đó, xung quanh các hồ thường có nhiều hàng quán, gây mất sinh môi trường. Tại nhiều nơi, việc đổ rác, phế thải xuống hồ còn khá phổ biến làm thu hẹp diện tích mặt nước và gây ô nhiễm môi trường.

Báo Hà Nội Mới kê chuyện chăn nuôi tại xã Việt Hùng, huyện Đông Anh: Nhiều cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường.

Do liên tục phải hứng chịu các loại tiếng ồn, khói bụi, nước thải chưa qua xử lý từ các xưởng sản xuất hoạt động 24/24 giờ đóng trên địa bàn thôn Trung, xã Việt Hùng (Đông Anh) xả ra khu vực xung quanh, nhiều năm nay môi trường sống, làm việc của người dân địa phương bị ảnh hưởng nặng nề.

Bản tin cũng kể về lò thép tái chế biến: Điển hình về việc gây ô nhiễm là Công ty TNHH Sản xuất và Dịch vụ thương mại Báu Lan xây dựng 7 xưởng tái chế thép phế liệu, mỗi ngày cho ra lò từ 7 đến 10 tấn phôi thép. Ngày 17-11-2017, khi Tổ công tác của UBND xã Việt Hùng và Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đông Anh xuống kiểm tra, phát hiện trong quá trình hoạt động, công ty có phát sinh các chất thải rắn, nguy hại đến môi trường, nhưng lại không có kho lưu giữ, phân loại và hợp đồng với đơn vị thu gom theo quy định.

Ô nhiêm thê thảm vậy…


Báo Tổ Quốc