“Nở rộ” sinh viên bị buộc thôi học




Hiện tượng trên có vẻ phổ biến ở các trường đại học thuộc TPHCM trong thời gian gần đây. Qua đó, báo động thực trạng “chất lượng” sinh viên đang có... vấn đề. Và, vấn đề này hết sức tai hại, nếu không được chấn chỉnh.


Tháng 9.2017, UBND tỉnh Bình Phước đã kiểm tra toàn diện việc tuyển sinh vào các trường đại học, theo diện cử tuyển (nhà nước đài thọ kinh phí). Qua kiểm tra phát hiện: Từ năm 2006-2015, tỉnh Bình Phước cử tuyển 828 sinh viên đi học, nhưng có đến 232 sinh viên không đi học, tự ý nghỉ học, hoặc sinh viên đi học không đạt yêu cầu, bị kỷ luật buộc thôi học…

Trong con số trên, có 72 em học dự bị không đạt yêu cầu buộc thôi học, 24 em học lực yếu bị buộc thôi học theo quy chế, 32 em tự ý nghỉ học, bị kỷ luật buộc thôi học….

Trong khi đó, các con số đưa ra từ một số trường đại học lớn tại TPHCM về hiện trạng sinh viên bị buộc thôi học cũng không nhỏ. Ví dụ: Trường Đại học Nông Lâm TPHCM, lãnh đạo trường đã phải ký một lúc 946 quyết định buộc thôi học đối với 946 sinh viên của trường. Đây là những sinh viên do không chịu học hành, bị cảnh cáo 3 lần liên tục.

Con số cảnh cáo những học sinh lười học cũng hết sức … báo động: 1.614 em bị cảnh cáo lần 1, 1.323 em bị cảnh cáo lần 2…

Trường Đại học luật TPHCM cũng vừa đưa ra danh sách 320 em bị cảnh cáo học vụ, đình chỉ học 1 năm hoặc bị buộc thôi học về quê, do học lực quá kém cỏi.

Không khác 2 trường Đại học Luật và Nông Lâm, tại Trường Đại học Khoa học – Xã hội và Nhân văn TPHCM, tình trạng buộc thôi học đối với sinh viên cũng… “nở rộ” không kém. Thời gian qua, trường đã ra các quyết định cảnh cáo và buộc thôi học 214 sinh viên. Các sinh viên này thường rơi vào các trường hợp không đạt số tín chỉ tối thiểu theo quy định tại mỗi học kỳ, điểm trung bình các môn học kém…

TS Lê Bá Chí Nhân – Trường Đại học Kinh tế TPHCM cho rằng: “Sinh viên thời nay khác sinh viên thời xưa. Giờ có đầy đủ các phương tiện công nghệ, kỹ thuật, thông tin… nhưng chính vì dựa trên những tiện ích ấy mà số lượng không nhỏ sinh viên chủ quan, không chịu động não, lười học… Thậm chí, có em bỏ lơi chuyện học để làm việc khác kiếm tiền…

Việc các trường phải buộc thôi học sinh viên là chuyện chẳng đặng đừng, rất buồn. Tuy nhiên, đó là điều cần thiết, phải làm để chấn chỉnh việc học, gạn đục khơi trong, nâng cao chất lượng mỗi sinh viên, sau khi ra trường phải thật sự có chất lượng.

Làm gì, cách nào để tuyển sinh viên đủ năng lực để học đại học ngay từ đầu vào? Các trường phải có biện pháp duy trì, khơi gợi lòng hiếu học của các sinh viên, suốt thời gian ngồi dưới giảng đường? Không thể để tình trạng sinh viên khi vào đại học thuộc diện khá, giỏi nhưng sau đó là rơi vào học lực kém, buộc phải thôi học”.

Theo Lao Động