Yêu tinh – Những sinh vật siêu nhiên đang ẩn náu ở Iceland



Người Iceland gọi yêu tinh là “Huldufolk”. Những sinh vật này khá giống người, sống trong các hốc đá. Mặc dù chúng luôn sống ẩn nấp, nhưng một số người được cho là vẫn có khả năng nhìn thấy chúng. Có rất nhiều câu chuyện kể về những cuộc gặp như vậy.



Yêu tinh là những sinh vật siêu nhiên thường sống trong những hang đá. (Ảnh: Pinterest)

Những truyền thuyết về yêu tinh

Có ít nhất 2 câu chuyện mang đến lời giải thích cho sự tồn tại của yêu tinh. Cả 2 câu chuyện này đều mang hơi hướng Kitô giáo. Trong câu chuyện thứ nhất, nguồn gốc của yêu tinh bắt nguồn từ giai đoạn trước sự sa ngã của loài người. Chuyện kể rằng một ngày nọ, Thiên Chúa đến Vườn Địa đàng thăm Adam cùng Eva và muốn gặp các con của họ.

Lúc đó Eva đang tắm cho chúng, nhưng bà vẫn chưa tắm xong cho tất cả. Vì cảm thấy xấu hổ nếu dẫn những đứa trẻ còn bẩn thỉu ra gặp Chúa, bà đã giấu chúng đi, chỉ để Chúa nhìn thấy những đứa đã sạch sẽ. Chúa bèn hỏi Eva xem còn đứa trẻ nào mà Ngài chưa gặp không. Eva trả lời là “Không”. Tuy nhiên, Đức Chúa đã thấu tỏ mọi điều và tuyên rằng những đứa trẻ bị giấu không cho gặp Ngài cũng sẽ biến mất khỏi tầm mắt của con người. Kết quả là, “những đứa trẻ bẩn thỉu” kia trở thành những yêu tinh đầu tiên.



Vườn Địa Đàng. (Ảnh: Pinterest)

Câu chuyện thứ hai kể rằng một ngày nọ, có du khách kia đi lạc rồi gặp được một trang trại. Anh ta gõ cửa và được một người phụ nữ lớn tuổi chào đón, mời anh ta vào nhà. Bà cho anh ăn tối rồi giới thiệu với các cô con gái của mình.

Đến tối, người lữ khách được sắp xếp cho một chiếc giường để ngủ. Anh ta bèn hỏi liệu có thể để một trong các cô con gái của bà ở cùng anh ta không, bà chủ đã đồng ý. Lúc ngủ, người khách choàng tay ôm lấy cô gái trẻ, nhưng tay anh ta lại xuyên qua người cô.

Người du khách liền hỏi chuyện gì đang xảy ra và được kể câu chuyện về loài yêu tinh. Trong câu chuyện này, yêu tinh xuất hiện sau cuộc nổi dậy của Ma vương trên Thiên đường. Vì họ là những người không ủng hộ hay chống lại Ma quỷ và các Thiên thần sa ngã, nên kết quả của thái độ trung lập đó là họ bị đẩy xuống trần gian và bị buộc phải sống trong những hang đá, ngọn đồi.

Đối với nhiều người ở Iceland, yêu tinh không chỉ đơn thuần là nhân vật hư cấu trong các câu chuyện huyền thoại đầy sắc màu. Dường như họ có một niềm tin sâu sắc về sự tồn tại của những sinh vật siêu nhiên này. Có những người khẳng định họ có khả năng nhìn thấy và nói chuyện với yêu tinh.

Hơn nữa, trên hòn đảo còn có các tour du lịch đưa du khách đến những địa điểm được cho là nơi cư ngụ của yêu tinh hoặc từng có người bắt gặp chúng, đặc biệt là thành phố Hafnarfjörður, nơi được xem là ‘thủ phủ của yêu tinh”.

Sự phá hủy môi trường sống của yêu tinh

Ngoài ra, người ta cũng tin rằng những tác động làm thay đổi cảnh quan của con người có thể ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của yêu tinh, và các dự án xây dựng nếu làm phiền đến họ nên phải dừng lại.

Dự án xa lộ nối bán đảo Alftanes và Gardabaer, khu ngoại ô của thủ đô Reykjavik là một ví dụ. Theo những người phản đối dự án, đường cao tốc này sẽ cắt qua một khu cư ngụ của yêu tinh. Nghiêm trọng hơn là nó sẽ phá hủy một “nhà thờ” quan trọng của yêu tinh, đó là một tảng đá lớn cao 3,7 m.



Tảng đá lởm chởm được cho là “nhà thờ” của yêu tinh. (Ảnh: BBC)

Cuối cùng, vấn đề đã được giải quyết nhờ một nhà tiên tri cho biết bà có thể giao tiếp với loài yêu tinh. bà đã dàn xếp ổn thỏa mọi chuyện giữa yêu tinh với những người xây đường cao tốc và đạt được một giải pháp.

Có vẻ như loài yêu tinh đã đồng ý cho dự án được tiếp tục, miễn là ‘nhà thờ yêu tinh’ được di chuyển cẩn thận đến một địa điểm mới. Đây là một ví dụ về việc đạt được giải pháp hòa bình giữa con người và yêu tinh.

Tuy nhiên, cũng có những câu chuyện trong đó yêu tinh đã trả đũa con người vì tàn phá ngôi nhà của họ bằng cách gây ra những điều tồi tệ như làm hỏng máy móc mới và gây tai nạn tại nơi làm việc của con người.



Người dân Iceland làm những ngôi nhà nhỏ cho yêu tinh bên những tảng đá. (Ảnh: The Vintage News)


Kể từ khi những con yêu tinh được cho là sống ở các tảng đá này, con đường đã được thu hẹp lại. (Ảnh: Polyglottando)

Hồng Liên, theo Ancient Origins