Trung Cộng xây đập, gây khốn khó cho dân nghèo dọc sông Mekong





Làng đánh cá bên sông Mekong. (Hình: AP)


PHNOM PENH, Cambodia (NV) – Người dân nghèo ở vùng Đông Nam Á, đang sống dọc theo giòng sông Mekong, nguồn nuôi sống hàng chục triệu con người, đang bị sự đe dọa từ các con đập do Trung Quốc xây cất, vốn là một biểu hiệu rõ ràng về việc kiểm soát, cả về chính trị lẫn võ lực, của Bắc Kinh đối với các quốc gia láng giềng.

Sles Hiet, 32 tuổi, một ngư dân Cambodia, gốc Hồi Giáo Chăm, sống trên một chiếc thuyền nhỏ ở nhánh sông thuộc tỉnh Kandal, nói rằng số cá ông ta đánh được mỗi năm cứ ít đi.

“Chúng tôi không hiểu tại sao bây giờ không còn nhiều cá như trước,” ông cho AFP hay về sự bí ẩn khiến nhiều người dân sống nơi đây ngày càng ngập sâu hơn trong tình trạng đói nghèo.

Đây cũng là lời than nghe thấy được từ nhiều ngôi làng dọc theo con sông Mekong, ngoằn ngoèo uốn khúc từ bình nguyên Tây Tạng, qua Miến Điện, Lào, Thái Lan, Cambodia và Việt Nam trước khi chảy ra biển Đông.

Với chiều dài gần 4,800 cây số (khoảng 2,982 dặm), sông Mekong là con sông nuôi nhiều cá tôm nhất thế giới và chỉ đứng sau có con sông Amazon về sự đa dạng của sinh vật, bản tin AFP cho hay.
Con sông cũng giúp nuôi sống khoảng 60 triệu con người.

Tuy nhiên, sự kiểm soát giòng sông hiện do Trung Quốc nắm giữ rất chặt chẽ.
Thủ Tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường sẽ đến Phnom Penh hôm Thứ Tư này để dự hội nghị vùng có thể thay đổi hẳn tương lai của giòng sông.
Bắc Kinh hiện đã xây sáu con đập khổng lồ ở thượng nguồn và đang đầu tư vào hơn một nửa trong số 11 con đập đang được xây xa hơn về phía Nam, theo tổ chức International Rivers.

Các nhóm tranh đấu bảo vệ môi sinh cảnh cáo rằng việc xây đập là mối đe dọa trầm trọng cho cá sống nơi đây, do sự thay đổi giòng chảy của nước, đó là chưa kể tới đe dọa lụt lội cho bao trăm ngàn người khác.
Trong khi các chuyên gia hiện chưa đồng ý hoàn toàn với nhau về ảnh hưởng của các con đập với môi sinh, họ thảy đều công nhận rằng Trung Quốc có thế thượng phong và hoàn toàn kiểm soát nguồn tài nguyên vốn là huyết mạch cho kinh tế của các quốc gia phía Nam.

“Các quốc gia ở hạ nguồn Mekong sẽ không thể nào chống lại sức mạnh của Trung Quốc,” theo lời Thitinan Pongsudhirak, một chuyên gia về chính sách quốc tế ở đại học Chulalongkron University ở Bangkok, Thái Lan.
Một trong những điều Bắc Kinh có thể làm dễ dàng là điều tiết nguồn nước, tạo áp lực nặng nề lên các quốc gia khác.

Điều này được thấy rõ vào năm 2016, Việt Nam phải kêu gọi Trung Quốc xả nước đập để giúp giảm bớt tình trạng hạn hán khô kiệt trầm trọng trong vùng đồng bằng sản xuất lúa gạo của mình, cũng theo AFP.


Người Việt(V.Giang)