Ông Đinh La Thăng xin ‘xem xét bối cảnh’




Ông Đinh La Thăng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư thành ủy TPHCM, nguyên Chủ tịch HĐQT PVN, trong phiên tòa ngày 8/1/2018.

Một nhà quan sát chính trị Việt Nam cho rằng việc ông Đinh La Thăng thừa nhận “trách nhiệm của người đứng đầu” cần được hiểu cho đúng, nhất là khi trước đó ông Thăng khai việc chỉ định thầu đối với các đơn vị thành viên PVN là “do chủ trương của Bộ Chính trị”.

Bình luận với VOA sau phiên xét xử ngày thứ 2 đối với ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và các bị cáo về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và “Tham ô tài sản” hôm 9/1, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp cho rằng ông Thăng không phải là người có quyền ra quyết định trong các chủ trương phát triển Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

TS. Hà Hoàng Hợp nói:

“Ông Thăng không phải là người đứng ra chịu trách nhiệm trước pháp luật Việt Nam về hoạt động của PVN cũng như các công ty con. Ông ấy là đại diện sở hữu vốn của nhà nước Việt Nam ở đó, và ông ấy không có quyền ra quyết định. Trong trường hợp này, những người nào ra quyết định thì người ấy phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nói như thế có nghĩa là ông Thăng không chịu trách nhiệm về mặt pháp luật, mà ông ấy chỉ chịu trách nhiệm về cái mà ông ấy gọi đúng theo ngôn ngữ của người Việt Nam là ‘chịu trách nhiệm của người đứng đầu’”.

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp cho rằng một án tù dành cho nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư thành ủy TPCHM Đinh La Thăng là điều thấy trước, dù có thể không thuyết phục.

“Tất cả những văn bản người ta đưa ra nói rằng ông ấy ký cái nọ cái kia, ép cái nọ cái kia không cấu thành tội hình sự. Nhưng bây giờ bắt ông ấy rồi đem ra xử như thế thì mọi người đều hiểu rằng thế nào cũng cho ông ấy một cái án tù, mà như thế thì rất buồn cho tất cả”, lời TS. Hợp.

Sức ép lớn

Theo tường thuật của báo chí Việt Nam, tại phiên tòa ngày 9/1, ông Đinh La Thăng tỏ ra bình tĩnh và thừa nhận do “chỉ đạo quyết liệt”, “nóng vội” nên đã vi phạm quy trình, thủ tục trong dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.




Công an áp giải ông Đinh La Thăng đến tòa.


Trước đó, trong phẩn thẩm vấn, một loạt các thuộc cấp của ông Thăng khai rằng họ biết sai nhưng không thể không làm vì chịu “sức ép” từ Chủ tịch PVN lúc đó là ông Thăng.

Về phần mình, ông Thăng nói ông bị “sức ép tiến độ” nên mới nôn nóng và ép tiến độ, dẫn đến việc cấp dưới vi phạm, nhưng hoàn toàn không có “động cơ cá nhân” trong việc này.

Ông Thăng yêu cầu Hội đồng Xét xử (HĐXX) hãy xem xét bối cảnh dự án trong tổng thể 10 năm trước, khi “tiến độ căng thẳng, sức ép lớn” và hành lang pháp lý chưa hoàn thiện.

Báo Tuổi Trẻ dẫn cáo trạng tòa án cho biết từ tháng 12/2007, ông Đinh La Thăng đã đưa ông Trịnh Xuân Thanh về làm Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV của PVC, đồng thời tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho PVC hoạt động.

Trong phiên tòa ngày 9/1, ông Trịnh Xuân Thanh khai mặc dù biết PVC chưa đủ năng lực nhưng vẫn nhận thực hiện dự án vì “muốn cố gắng giải quyết công an việc làm cho nhân công”.

Ngoài tội danh “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế”, ông Trịnh Xuân Thanh còn bị cáo buộc tội “Tham ô tài sản”. Tuy nhiên trong phiên thẩm vấn, ông Thanh nhất mực bác bỏ việc mình lấy 4 tỷ đồng để chi tiêu, biếu xén vào dịp Tết.

Theo dõi diễn tiến lời khai của các bị cáo trong 2 ngày qua, TS. Hà Hoàng Hợp nói ông “băn khoăn” về quy trình xử án, trong đó bao gồm việc “hình sự hóa” những vi phạm về thủ tục.

“Ông Thanh thì có nhiều cái sai hơn ông Thăng, nhưng ông Thanh cũng chỉ là Chủ tịch Hội đồng thành viên của chỗ đó thôi. Bây giờ người ta khởi tố ông Thanh về tội tham ô. Nếu tội ấy mà chứng minh được thì phán quyết của tòa án có thể lên đến tử hình, rất nặng nề. Hai hôm nay thì ông Thanh nói rằng ông ấy không nhận số tiền ấy. Và thực sự, rất khó đưa ra bằng chứng là ông ấy nhận tiền. Nhưng rồi người ta vẫn xử thôi”, TS. Hợp nói.




Ông Trịnh Xuân Thanh trong phiên tòa ngày 8/1/2018.

Vụ án Đinh La Thăng-Trịnh Xuân Thanh thu hút sự chú ý đặc biệt của quốc tế sau khi chính phủ Đức cáo buộc tình báo Việt Nam bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh ngay tại Berlin, nơi ông xin tị nạn. Phía Đức tuyên bố sẽ “theo dõi sát” việc xét xử vụ án này.

Chỉ đề cập Bộ Chính trị, không nói đến ai khác

Đại án PVN là ưu tiên hàng đầu trong chiến dịch chống tham nhũng mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng quyết tâm đốc thúc giải quyết ngay đầu năm 2018. Báo chí quốc tế và nhiều luồng dư luận trong nước cho rằng nguyên nhân đằng sau của chiến dịch là nhằm tiêu diệt phe của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong bộ máy cầm quyền.
Trong lời khai hôm 9/1, ông Đinh La Thăng nói ông chỉ định đấu thầu đối với các đơn vị thành viên PVN là “do chủ trương của Bộ Chính trị”.

Đây là một diễn tiến khá bất ngờ lệch ra khỏi xâu chuỗi của vụ án cho tới lúc này, dẫn đến nhiều suy đoán khác nhau về việc có thể còn nhân vật quyền lực nào tiếp theo sẽ bị xử trong những ngày sắp tới hay không.

Nhận định về điều này, TS. Hà Hoàng Hợp nói:

“Tương tác từ chính phủ [trước đây], tức ông Nguyễn Tấn Dũng, đến ông Đinh La Thăng như thế nào thì cho đến nay, theo công bố kết luận điều tra, người ta nói rằng bản thân ông Đinh La Thăng đã không nghe theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là không được làm như thế, nhưng lại tự làm, có nghĩa là người ta muốn ám chỉ rằng ông ấy phải chịu trách nhiệm. Còn ngày hôm nay và chiều hôm qua xảy ra chuyện có những lời khai khác đi một chút, thì chúng ta chờ xem sẽ như thế nào”.

“Về bản chất, tất cả các quyết định liên quan đến sự phát triển, sản xuất, làm ăn… của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam không phải là quyền của ông Thủ tướng. Đó là thẩm quyền của Bộ Chính trị mà bản thân ông Thăng sáng nay nói rằng ông ấy thực hiện theo định hướng của Bộ Chính trị, chứ ông ấy không nói đến người nào khác cả”.
Cáo trạng tòa án nói ông Đinh La Thăng đã chỉ đạo PVN tạm ứng 6,6 triệu USD và hơn 1.300 tỷ đồng cho PVC. Các bị cáo tại PVC sau đó đã làm khống hồ sơ để rút 1.115 tỷ đồng và sử dụng sai mục đích, trái quy định gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 119 tỷ đồng.


10/01/2018
Khánh An-VOA