Bất ngờ vì Uber, Grab bị cấm vào trung tâm


Lệnh cấm Uber, Grab xuất phát từ kiến nghị của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam và các hãng taxi truyền thống.


Sở GTVT TP Hà Nội vừa hoàn thành việc lắp biển cấm các xe hợp đồng dưới chín chỗ đi vào 13 tuyến phố trong khung giờ cao điểm.

Tài xế lúng túng

Những ngày qua, nhiều tài xế loại hình Uber, Grab lưu thông trên tuyến Láng Hạ, Lê Văn Lương, Cầu Giấy, Xuân Thủy… khá bất ngờ bởi nhiều tuyến đường cắm biển “cấm xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi”.

Anh Nguyễn Văn Toàn, một tài xế lái xe Uber, chia sẻ việc cấm trên khiến anh khá lúng túng và cân nhắc khi chở khách đi trên các tuyến phố này vào giờ cao điểm vì sợ bị lực lượng chức năng xử phạt.

Tuy nhiên, anh Toàn thừa nhận các quy định hiện hành đều buộc các xe loại hình Uber, Grab phải có logo. Song do kích thước logo hiện nay nhỏ, chưa được điều chỉnh nên các tài xế có thể lách luật bằng cách che logo để đi vào khu vực cấm.

Giải thích về lệnh cấm trên, ông Nguyễn Tuyển, Phó Trưởng phòng Quản lý vận tải - Sở GTVT TP Hà Nội, cho biết quy định cấm xuất phát từ kiến nghị của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam và các hãng taxi truyền thống.

“Các đơn vị này lập luận rằng hiện nay taxi truyền thống và loại hình Uber, Grab hoạt động tương tự nhau nhưng nhiều tuyến đường chỉ cấm taxi truyền thống mà không cấm loại hình Uber, Grab là không công bằng” - ông Tuyển nói.



Những tuyến đường cấm taxi nay được bổ sung biển “cấm xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi”. Ảnh: VIẾT LONG

Trước kiến nghị trên và được sự đồng thuận của Bộ GTVT, Sở GTVT đã giao cho các đơn vị nghiên cứu thực hiện. “Có người thắc mắc: Tại sao không ghi là cấm loại hình Uber, Grab mà lại ghi là cấm các xe hợp đồng dưới chín chỗ? Xin trả lời rằng Uber, Grab chưa có tên trong luật, chỉ xe hợp đồng dưới chín chỗ mới có tên trong luật… nên mới ghi như vậy” - ông Tuyển lý giải.

Ông Tuyển cũng khẳng định hầu hết xe hợp đồng dưới chín chỗ đều là xe hoạt động taxi loại hình Uber, Grab nên không lo ngại việc cấm trên sẽ ảnh hưởng đến các phương tiện khác. Ví dụ như xe đưa đón học sinh đa số đều 12 chỗ trở lên. “Tóm lại, mục đích việc cấm trên là tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các loại hình vận tải, cụ thể là taxi truyền thống. Việc quy định cấm các xe hợp đồng dưới chín chỗ theo Sở GTVT là phù hợp với quy định của Luật Giao thông đường bộ” - ông Tuyển nhấn mạnh.

Đồng tình, ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội, khẳng định phương tiện đưa đón học sinh không có xe dưới chín chỗ. Còn xe ma chay, cưới hỏi… là xe cá nhân, không cần lo lắng vì lệnh cấm.

13 tuyến phố cấm xe hợp đồng vào giờ cao điểm gồm: Hoàng Hoa Thám, Mai Xuân Thưởng, Giảng Võ, Láng Hạ, Lê Văn Lương, Trường Chinh, Khâm Thiên, cầu Chương Dương (chiều Nguyễn Văn Cừ sang Trần Nhật Duật), Hàng Bài, Phủ Doãn, Cầu Giấy, Xuân Thủy, Giải Phóng.

Không dễ xử phạt

Lệnh cấm trên liệu có khả thi? Làm sao để nhận diện các xe hợp đồng dưới chín chỗ để xử phạt nếu vi phạm?... Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Tuyển cho biết: Thông tư 63/2014 về quy định tổ chức hoạt động vận tải bằng ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ đều có quy định để nhận diện.

Cụ thể, xe hợp đồng phải niêm yết tên, số điện thoại của đơn vị kinh doanh vận tải ở phần đầu mặt ngoài hai bên thân xe hoặc hai bên cánh cửa xe, có phù hiệu “Xe hợp đồng”, xe Uber, Grab thí điểm có dán logo…; đối với taxi, quy định về tên, số điện thoại và biểu trưng (logo) của doanh nghiệp, hợp tác xã, có hộp đèn với chữ “TAXI” gắn trên nóc xe… “Như vậy, mỗi loại hình vận tải đều có quy định để nhận diện và xử phạt” - ông Tuyển nói thêm.

Tuy nhiên, ông Bùi Danh Liên cho rằng để nhận diện xử phạt các xe hợp đồng dưới chín chỗ hiện nay gặp rất nhiều khó khăn. Bởi hiện nay taxi truyền thống rất dễ nhận diện, trong khi đó loại hình Uber, Grab chủ yếu sử dụng xe nhàn rỗi, không có mào, logo dán phía trong xe, kích thước bé… Đặc biệt, tài xế có thể gỡ ra hoặc che lại nên sẽ gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong kiểm tra, xử phạt.

“Như chúng ta thấy, hiện nay nhiều tuyến phố cấm taxi truyền thống mà họ còn hoạt động lung tung thì sao quản nổi Uber, Grab... Để giải quyết được các vấn đề trên, phải chờ ban hành nghị định sửa đổi Nghị định 86/2014. Theo đó, các xe loại hình Uber, Grab sẽ được quy định rõ về bản chất của loại hình Uber, Grab. Khi đó việc nhận diện, xử phạt sẽ dễ hơn” - ông Liên nói.

Uber, Grab phải niêm yết tên, số điện thoại

Thời gian qua, trong quá trình thí điểm loại hình Uber, Grab, việc thiết kế logo do công ty sở hữu phần mềm (Uber, Grab) tự tạo và cấp phát cho phương tiện. Theo các hiệp hội taxi, việc giao cho các đơn vị này thực hiện là không hợp lý vì họ cố tình không đưa ra quy chuẩn nhận diện đủ lớn đối với loại hình Uber, Grab. Điều này làm cho các lực lượng chức năng khó nhận diện để xử lý những lỗi vi phạm.

Sau đó, Bộ KH&CN cũng kiến nghị các sở GTVT cần phải rà soát các tuyến phố có biển báo cấm taxi phải đồng thời đề xuất UBND cấp tỉnh, thành cho phép bổ sung biển báo phụ cấm cả xe hợp đồng, trong đó có Grab, Uber. Tiếp thu ý kiến trên, Bộ GTVT cho rằng việc cấm các phương tiện trên theo Luật Giao thông đường bộ do địa phương quyết định.

Riêng về logo, Bộ GTVT vừa trình Chính phủ dự thảo nghị định thay thế Nghị định 86/2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô. Trong đó quy định cụ thể loại hình Uber, Grab phải có biểu trưng (logo) của đơn vị mình và cung cấp cho doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải để niêm yết theo quy định. Kích thước tối thiểu của biểu trưng (logo) là 90 x 80 mm (dài x rộng).

Đồng thời, xe thí điểm theo hình thức hợp đồng điện tử cũng phải niêm yết tên, số điện thoại của đơn vị kinh doanh vận tải ở phần đầu mặt ngoài hai bên thân xe hoặc hai bên cánh xe.

VIẾT LONG
Báo Mới
12/01/2018