Năm 2018, Trái Đất có thể hứng chịu nhiều thảm họa nhất trong lịch sử


Năm 2017 đã qua đi, nhưng những thiệt hại về con người và vật chất từ chuỗi thảm họa tự nhiên vẫn không ngừng tác động lên chúng ta. Theo các nhà khoa học, năm 2018 sẽ là năm có thể hứng chịu nhiều thảm họa thiên tai nhất trong lịch sử.



Năm 2018 có thể sẽ xảy ra nhiều vụ động đất hơn. (Ảnh minh họa.: Wikimost)

Dự báo

Nhiều nhà khoa học cho biết, rất có thể năm 2018 là năm hoạt động núi lửa diễn ra mạnh mẽ trên khắp thế giới. Ngọn núi lửa Agung trên đảo Bali (Indonesia) phụt cột tro bụi cao 4.000m lên không trung hồi cuối tháng 11/2017 là dấu hiệu cảnh báo rõ ràng.

Giới nghiên cứu vừa tìm thấy điểm liên quan chặt chẽ giữa tần suất phun trào núi lửa với biến đổi khí hậu. Theo đó, khi Trái Đất ấm lên khiến băng tan chảy, điều này vô hình chung “hạ nhiệt” được những ngọn núi lửa gần biển.


Tuy vậy, các nhà khoc học dự báo, thảm họa đáng sợ bậc nhất trên Trái Đất là động đất cũng có nguy cơ diễn ra mạnh mẽ trong năm 2018. Động đất hoàn toàn có khả năng gây sóng thần và khiến hoạt động địa chất tại các khu vực núi lửa diễn ra mạnh mẽ hơn.

Theo các nhà khoa học thuộc Đại học Colorado (Mỹ), trong năm 2018, các thảm họa như động đất và lũ lụt có khuynh hướng xảy ra nhiều hơn do vòng quay của Trái Đất chậm lại theo chu kỳ. Giới khoa học nói thêm, dù những biến động trên trục quay của Trái Đất chỉ là vài mili giây nhưng lại có tác động làm gia tăng các hoạt động địa chấn dữ dội.

Mọi năm, có khoảng 15-20 trận động đất lớn xảy ra trên thế giới, nhưng riêng năm 2018, con số này có thể lên tới 25-30, đặc biệt là tại các vùng nhiệt đới đông dân cư, khiến hàng tỷ người có nguy cơ bị ảnh hưởng, Theguardian đưa tin.

Ngoài ra, do hiện tượng biến đổi khí hậu làm Trái Đất ấm dần lên, gây băng tan và mực nước biển tăng cũng khiến nhiều khu vực hứng chịu nhiều cơn bão mạnh, bất thường; đi kèm là các hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng, lạnh giá…



Thời tiết ngày càng cực đoan. (Ảnh minh họa: thewest.com.au)

Dẫn chứng

Không ở đâu xa, ngay tháng 1/2018, Việt Nam đã chứng kiến cơn bão số 1 thuộc dạng hiếm và bất thường. Theo ông Lê Thanh Hải – Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia: “Mùa bão trong một năm ở Biển Đông thường bắt đầu từ tháng 5, kéo dài đến tháng 11 hàng năm, trong đó, tập trung chủ yếu vào tháng 8, 9 và 10”.

Mặc dù không đổ bộ vào đất liền, song theo các chuyên gia khí tượng, đường đi của bão số 1 hướng đến Nam Trung Bộ dự báo xu hướng “bất thường” của các cơn bão là lệch về phía nam nhiều hơn. Ông Lê Thanh Hải dự báo, rất có thể khu vực Nam Trung bộ, Tây nguyên và Nam bộ từ nay đến tháng 2, 3 có thể xuất hiện nhiều giông, lốc và mưa trái mùa.

Trên thế giới, riêng tháng 1/2018, nhiều khu vực liên tiếp đã phải hứng chịu những hiện tượng thời tiết cực đoan cùng nhiều thiên tai bất thường và dữ dội.

Đơn cử như “bom bão tuyết” xảy ra tại Mỹ ngày 4/1 khiến nhiệt độ hạ xuống nhanh chóng, gây nên cái rét lạnh “cắt da cắt thịt”. Có nơi nhiệt độ hạ xuống lạnh thứ hai trên thế giới, chỉ sau Nam Cực. Đó là trường hợp tại đỉnh núi Washington (đỉnh núi cao nhất vùng Đông Bắc nước Mỹ) hạ xuống mức nhiệt -68 độ C.

“Bom bão tuyết” khiến ít nhất 19 người dân Mỹ thiệt mạng, hơn 5.000 hộ gia đình mất điện, giao thông ùn tắc trên diện rộng. Các nước như Canada, Trung Quốc, Nhật Bản… cũng phải hứng chịu một mùa đông lạnh giá, với nhiều trận bão tuyết dữ dội, nhiệt độ hạ xuống mức âm độ C.



Người dân Canada dưới cái rét âm hàng chục độ. (Ảnh: Enews71.com)

Trái ngược với nước Mỹ, Canada, Trung Quốc… tại Sydney (Australia), ngày 7/1 trở thành ngày nóng nhất trong lịch sử 79 năm của thành phố này khi mức nhiệt đo được là 47 độ C. Các khu vực khác như Richmond, Melbourne, Bankstown… nhiệt độ đều trên 40 độ C.


Một tuần sau, vào ngày 14/1, thảm họa tự nhiên khác cũng đã xảy ra tại bờ biển phía Nam Peru – trận động đất mạnh 7,1 độ richter – khiến ít nhất 80 người thương vong, nhiều hộ gia đình mất điện. Rất may, trận động đất không gây nên thảm họa sóng thần.

Cũng trong ngày 14/1, ngọn núi lửa trên đảo Kadovar ở Papua New Guinea phun tro bụi khổng lồ, báo hiệu sự phun trào dung nham mạnh mẽ. Vụ phun trào tro bụi khiến ít nhất 1.500 người dân trên đảo Blup Blup gần đó phải sơ tán.

Trước năm 2018 có nguy cơ diễn ra nhiều biến động về thời tiết, thảm họa tự nhiên, cùng nhìn lại năm 2017 với những con số thiệt hại về người và của chạm mức kỷ lục.

2017 – Năm của thiên tai không trừ một ai

Trong ấn phẩm phát hành đầu tháng 1/2018, Công ty tái bảo hiểm lớn nhất thế giới của Đức là Munich Reinsurance Company, gọi tắt là Munich Re, đã có bài Tổng kết thiệt hại kinh tế từ thảm họa tự nhiên năm 2017.

Theo số liệu của Munich Re, tổng thiệt hại từ thảm họa tự nhiên trên toàn thế giới năm 2017 là 330 tỷ USD, cao thứ hai trong lịch sử. Năm cao nhất là năm 2011, với mức thiệt hại là 354 tỷ USD. Năm 2017 chứng kiến nước Mỹ là quốc gia chịu tác động và thiệt hại từ thiên tai lớn nhất thế giới, đặc biệt là thiệt hại từ “bộ ba siêu bão” Harvey, Irma và Maria với tổng số tiền là 306 tỷ USD.

Munich Re đã có bài tổng kết các thiên tai và thiệt hại trong năm 2017 từ khắp thế giới:

– Bắc Mỹ, bao gồm cả vùng Caribe và Trung Mỹ:

Trong năm 2017, đây là khu vực hứng chịu nhiều thiên tai nhất thế giới. Khoảng 160 thảm họa đã được ghi nhận. Phần lớn thiệt hại đến từ “bộ ba siêu bão” Harvey, Irma và Maria. Ngoài ra còn có 2 trận động đất ở Mexico; cháy rừng và thời tiết cực đoan tại Mỹ.

Ước tính, thiệt hại do thiên tai tại Bắc Mỹ chiếm 83% tổng thiệt hại trên toàn thế giới năm 2017.

– Nam Mỹ:

Giữa tháng 1 và tháng 3/2017, mưa lớn dữ dội gây lũ lụt và lở đất trên diện rộng tại Peru và Colombia gây thiệt hại hàng tỷ USD. Gần 500 người thiệt mạng; Chile và Argentina cũng phải hứng chịu thảm họa cháy rừng khủng khiếp.

Tổng thiệt hại của khu vực Nam Mỹ năm 2017 vì thiên tại là 4,3 tỷ USD.



Thảm họa tự nhiên khiến người dân khắp thế giới đau đớn. (Ảnh minh họa: AP)

– Châu Âu:

Có hai thảm họa tự nhiên năm 2017 khiến toàn châu Âu tốn hàng tỷ USD để khắc phục hậu quả. Đầu tiên (1) là sự trở lại bất thường của mùa đông trên toàn châu Âu vào giữa tháng Tư khiến cho ngành nông nghiệp tại châu lục này thiệt hại 3,6 tỷ USD.

Ngoài ra, khí hậu khô hạn và hạn hán tại nhiều khu vực ở Nam và Đông Nam châu Âu gây thiệt hại kinh tế khoảng 3,8 tỷ USD.

– Châu Á:

Năm 2017, khu vực châu Á hứng chịu 43% các thảm họa từ thiên tai, 68% tổng số người tử vong, 10% tổng thiệt hại kinh tế trên toàn thế giới. Trong đó, tại Ấn Độ, Bangladesh và Nepal bị các cơn mưa lớn tấn công. Tại Nhật Bản, Trung Quốc và Philippines bị nhiều siêu bão đổ bộ.

Tổng thiệt hại năm 2017 tại châu Á là 2,2 tỷ USD.

– Châu Phi:

Tại châu lục này, hàng loạt các thảm họa xảy ra gây thiệt hại lớn về người và của, cụ thể:

Vụ lở đất nặng nề ở Sierra Leone khiến cho 500 người bị thiệt mạng. Hai siêu bão Enawo và Dinio “tấn công” Madagascar và phía Nam châu Phi hồi tháng 2 và tháng 3 gây thiệt hại khoảng 300 triệu USD.

Tại Ethiopia, Kenya và Somalia, thời tiết nắng nóng và khô hạn kéo dài từ tháng 1-9/2017 gây thiệt hại khoảng 950 triệu USD. Ở Nam Phi, cháy rừng và lũ lụt gây thiệt hại lên đến 50 triệu USD.

Theo SH