Viết Facebook, nhiều người bị ‘mời lên phường’



Tại Việt Nam, đã có những trường hợp bị giới chức mời đến làm việc vì cho là vi phạm khi đăng thông tin trên Facebook, nhưng một luật sư nói luật hiện hành không quy định rõ ràng vấn đề này.


Từ Hà Nội, nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh cho BBC biết đã ít nhất sáu lần bị “mời lên phường”, trong đó bốn lần do nội dung bà viết trên Facebook.

Bà Hạnh nói nhiều người trong giới hoạt động đòi dân chủ tại Việt Nam cũng bị nhiều lần “mời lên phường”, hoặc “ép lên phường” vì những nguyên nhân tương tự.

Mới đây nhà hoạt động Nguyễn Văn Trung Sơn cho hay một Facebooker có tên Võ Phương Thuận bị mời lên Trụ sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Long An làm việc do “đăng bài viết trên mạng xã hội có dấu hiệu vi phạm pháp luật”.

Báo chí nhà nước từng tường thuật vụ Facebooker “Chương May Mắn” bị Sở Thông tin Truyền thông Cần Thơ yêu cầu “đến làm việc” do đăng hình cổng chào của địa phương cạnh ảnh đồ lót nữ.

“Hiểu quyền của mình”

Bà Thúy Hạnh nói bà hiểu quyền của mình nên “chưa lên trình diện lần nào theo thư mời”.

“Tôi có quyền không đi khi nhận được thư mời từ nhà chức trách”, bà Hạnh nói với BBC.

Facebooker “Chương May Mắn” cũng cho BBC biết không đi vì ông “có tự do tưởng tượng, biểu đạt mà không vi phạm pháp luật hoặc thuần phong mỹ tục.”

Nhìn từ góc độ luật pháp, luật sư Phùng Thanh Sơn từ TP Hồ Chí Minh cho BBC biết về luật pháp “nếu là mời thì người ‘được mời’ có quyền không đi.”

“Hiện tại không có bất kỳ quy định nào quy định khi người dân nhận được giấy mời của cơ quan có thẩm quyền (kể cả công an) thì phải đi hoặc là sẽ bị chế tài.”


Nếu là lệnh ‘triệu tập’ thì rắc rối hơn, nhưng “chỉ những người tiến hành tố tụng như điều tra viên, thẩm phán được phân công thụ lý vụ án mới được triệu tập”, theo luật sư Sơn.

“Việc triệu tập này chỉ có thế được thực hiện sau khi khởi tố vụ án. Do đó, nếu khi chưa có quyết định khởi tố mà công an gửi giấy triệu tập là không đúng quy định và có dấu hiệu của việc lạm quyền. Trong trường hợp này, người bị triệu tập có thể làm đơn khiếu nại hoặc tố cáo hành vi lạm quyền đó đến cơ quan có thẩm quyền.”



Luật ‘không rõ ràng’

Khi có thư mời người viết Facebook lên làm việc, một trong các lý do được giới chức đưa ra là “đăng tải nội dung có dấu hiệu vi phạm pháp luật”.

Tuy nhiên luật sư Phùng Thanh Sơn nói thế nào là ‘vi phạm pháp luật’ lại không được quy định rõ ràng trong luật hiện hành.

“Nếu bày tỏ ý kiến cá nhân thích hoặc không thích, thậm chí phê phán, chê bất kỳ tổ chức, cá nhân, chính sách, hiện tượng nào thì đây là việc hoàn toàn bình thường, là quyền tự do ngôn luận của mỗi cá nhân đã được ghi nhận một cách minh thị trong Hiến pháp năm 2013,” luật sư Sơn nói.

“Nhưng nếu bày tỏ ý kiến cá nhân mà chứa đựng nội dung xúc phạm, bôi nhọ, thông tin sai sự thật thì tuỳ theo tính chất mức độ vi phạm người đăng tải có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi làm nhục hoặc hành vi vu khống người khác.”

HIỆN NAY LUẬT KHÔNG CÓ ĐỊNH NGHĨA, GIẢI THÍCH THẾ NÀO LÀ TUYÊN TRUYỀN HAY XUYÊN TẠC CHỐNG PHÁ.

Luật sư Phùng Thanh Sơn

“Việc một thông tin xấu mà đúng sự thật 100% thì việc người dân chia sẻ thông tin đó không thể gọi là tuyên truyền chống phá người có thông tin bất lợi bị chia sẻ được.”

“Hiện nay luật không có định nghĩa, giải thích thế nào là tuyên truyền hay xuyên tạc chống phá.”


“Chính vì vậy mà tội tuyên truyền chống phá nhà nước đang bị lạm dụng để xử lý người bất đồng chính kiến,” luật sư từ TP Hồ Chí Minh nói với BBC.

Luật sư Sơn cho rằng “trước khi đăng bất kỳ nội dung nào trên mạng xã hội, người đăng cần xác định mục đích của việc đăng tải đó là gì và nội dung có làm tổn thương người khác không hay có làm cho xã hội tốt hơn không.”

Nhưng không phải ai cũng biết thấu đáo quyền lợi và trách nhiệm của mình như vậy.

Bà Thúy Hạnh nói một số người mới tham gia hoạt động nhân quyền, nhận được giấy mời như vậy thì “run lắm”.

Câu chuyện được nêu ra trong bối cảnh giới chức Việt Nam cho hay sẽ đẩy mạnh xử lý các thông tin xấu, độc hại trên mạng xã hội.

Mới đây, Bộ Trưởng Thông tin và Truyền Thông Trương Minh Tuấn có buổi làm việc với đại diện Facebook tại Hà Nội, nơi ông Tuấn khen ngợi Facebook ‘hợp tác tốt’ khi tháo gỡ khoảng gần 700 tài khoản vi phạm theo yêu cầu của bộ.

Tuy nhiên ông khuyến khích Facebook “phát triển lành mạnh” hơn tại Việt Nam, theo truyền thông trong nước.

Theo BBC