Từ vụ sập cầu Long Kiển: 3 cây cầu sắt còn lại cũng sắp... sập



Tương lai gãy đổ của cầu Long Kiển (huyện Nhà Bè, TP.HCM) đã được báo trước từ nhiều năm qua. Nhìn lại những hình ảnh trước vụ sập cầu tối 19.1 mà không khỏi âu lo cho "số phận" của 3 cây cầu sắt còn lại của huyện này.

Đường Lê Văn Lương chạy qua 2 xã Phước Kiển, Nhơn Đức, nối liền huyện Nhà Bè (TP.HCM) và xã Long Hậu (huyện Cần Giuộc, Long An).Theo người dân địa phương, trên cùng tuyến đường này có 4 cây cầu sắt tất cả, cầu Long Kiển là 1 trong 4 cây cầu đó. Đây là những cây cầu đã lâu đời, xây dựng từ trước năm 1975, có tuổi thọ 40 - 50 năm nên rất cũ kỹ, ọp ẹp, hư hỏng, xuống cấp trầm trọng. Trong đó, cầu Long Kiển phải chịu áp lực tải trọng nặng nề và căng thẳng nhất, vì so với các cầu khác, khu vực này chỉ có một con đường độc đạo, không có nhánh rẽ, dân cư lại đông. Thành phố đã có kế hoạch giải tỏa, xây mới lại từ năm 2011 nhưng đã 7 năm trôi qua, kế hoạch này vẫn chỉ nằm trên giấy. Không chờ được thành phố "khoác áo mới", cây cầu này đã... "khai tử" vào tối 19.1.Cùng nhìn lại hình ảnh cầu Long Kiển trước khi sập:




Cầu Long Kiển nối liền ấp 1, xã Phước Kiển và ấp 2, xã Nhơn Đức (huyện Nhà Bè). Ảnh: Nguyên Vỹ


Cứ vào giờ cao điểm sáng, chiều, xe cộ kẹt cứng trên cầu kéo dài cả cây số. Lực lượng bảo vệ phải vất vả điều tiết, phân luồng, cấm xe lớn chạy qua. Ảnh: Nguyên Vỹ

Chỉ một sự cố nhỏ như rơi rớt vật dụng, xe chết máy giữa chừng... cũng có thể khiến dòng lưu thông bị ùn tắc. Ảnh: Nguyên Vỹ
Anh Trần Quang Luân, một người dân sống dưới chân cầu đã nghe chính quyền sẽ triển khai phương án làm cầu sắt mới nhưng... chờ hoài và chẳng biết lúc nào mới triển khai.

Vụ sập cầu tối 19.1 khiến cầu cong vòng như lò xo. Ảnh: Đào Trang.
Tại 3 cây cầu còn lại trên cùng tuyến đường này cũng có điểm chung là lâu đời, mục nứt, nhếch nhác, ọp ẹp nhưng lại bắc qua những lòng sông khá rộng, nguy cơ... sập cũng rất cao.

Cầu Rạch Đỉa 1, từ đường Nguyễn Văn Linh chạy vào, nối liền phường Tân Phong (quận 7) với huyện Nhà Bè. Ảnh: Nguyên Vỹ

Hàng loạt trụ cầu Rạch Dĩa 1 đã bể nát, lòi cả thép gỉ bên trong. Cầu ọp ẹp phải được chống đỡ bằng hàng chục trụ bê tông, cũng đã rất cũ. Ảnh: Nguyên Vỹ


Cầu Rạch Đỉa 1 ngoài tải trọng từ người, xe còn gánh thêm nhiều đường ống nước, cáp quang.. Ảnh: Nguyên Vỹ


Cầu Rạch Tôm cũng có tuổi thọ lâu đời không kém những cây cầu còn lại, cũng cũ sét, "vá chằng vá đụp", chống đỡ khắp nơi. Ảnh: Nguyên Vỹ

Cầu Rạch Dơi, nối liền Nhà Bè và Cần Giuộc. Ảnh: Nguyên Vỹ
Trong số 4 cầu, Rạch Dơi là cây cầu "ồn ào" nhất vì xuống cấp trầm trọng nhất. Sắt thép mục rữa, long lở, các mối hàn tạm bợ.

Xe cộ khi chạy qua cầu Rạch Dơi khiến các dầm sắt va đập liên tục vào nhau phát ra tiếng kêu đinh tai nhức óc. Chỉ cần đi bộ một mình qua cầu cũng nghe tiếng cót két dưới chân. Ảnh: Nguyên Vỹ
Cũng theo anh Luân, cầu này trước đây đã sửa một lần, phải thu hẹp lòng cầu lại mỗi bên 1m. Trước đó, một sà lan va đâm sầm vào chân cầu làm nghiêng lệch hẳn sang một bên.

Chân cầu Rạch Dơi bị nghiêng lệch sau một vụ tai nạn bị sà lan đâm vào trước đó. Ảnh: Nguyên Vỹ


Người đi qua cầu thấy rõ cảm giác cầu bị chao đảo, lắc lẻo từng phần như muốn rơi rụng, rất đáng sợ. Ảnh: Nguyên Vỹ
“Giờ cầu Long Kiển đã sập rồi đó, chỉ khi nào 3 cây cầu sắt còn lại cũng được xây mới hoặc bê tông hóa, dân mới an tâm qua lại, khu vực này mới phát triển lên”, anh Luân lo lắng. Không chỉ anh Luân, người dân nơi đây sau vụ sập cầu Long Kiển đều rất nơm nớp lo sợ khi đi qua 3 cây cầu sắt còn lại.Trước đó, khoảng 21h45 tối 19.1, tài xế Nguyễn Thanh Lâm (30 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai) điều khiển xe tải biển số 60C – 289.99 chở đá lưu thông trên đường Lê Văn Lương, hướng từ xã Phước Kiển về xã Nhơn Đức. Khi lưu thông đến giữa cầu Long Kiển, bất ngờ một nhịp cầu bị đổ sập xuống sông khiến xe tải rơi xuống dưới. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do tài xế cố tình chở xe có tải trọng 15 tấn qua cầu, trong khi trọng tải cho phép chỉ 3,5 tấn.


D
ân Việt