Lo âu vì ngân hàng được phép phá sản





Nhân viên tại một ngân hàng thương mại tại Hà Nội, ngày 19 tháng 12 năm 2011. (Ảnh minh họa)

https://www.rfa.org/vietnamese/news/...ng-pha-san.wav


‘Luật các tổ chức tín dụng’ sửa đổi bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15/01/2018 cho phép ngân hàng chọn phương án phá sản. Đây là một trong những hình thức mà chính phủ Việt Nam nói nhằm tái cơ cấu các ngân hàng bị cho là yếu kém. Người dân nghĩ gì về luật đó?

Nỗi lo tiền gửi ngân hàng



Các ngân hàng ở Việt Nam trong thời gian qua gặp nhiều tai tiếng, cụ thể như vụ 17 sổ tiết kiệm hơn 400 tỷ "bốc hơi' sau 5 năm gửi tại Oceanbank, 32 tỷ đồng trong sổ tiết kiệm biến mất tại BIDV, bị mất gần 800 triệu trong tài khoản của VietinBank... Nguyên nhân hầu hết đều chưa có kết luận rõ ràng.

“Chị có hay xem báo đài, thì cũng thấy có một số ngân hàng người dân gửi vào trường hợp cách đây 2 tháng có chị gửi bên một ngân hàng cũng uy tín, cũng lớn lắm mà mất hai mươi mấy tỉ không rõ nguyên nhân thì mình cũng hoang mang lo ngại. “

Vào khi những tin xấu về rủi ro khi gửi tiền tại ngân hàng khiến nhiều người quan ngại, thì nay thêm tin ngân hàng được phép phá sản. Mức qui định bồi thường tối đa cho người gửi tiền khi ngân hàng phá sản là 75 triệu đồng cũng khiến người dân hoang mang vì họ nghe nói người gửi 100 triệu cũng như người gửi 10 tỉ đồng cũng chỉ được bồi thường như nhau.
Một mặt thì nhà nước kêu là bảo hộ tiền gửi nhưng một mặt thì cho phép người ta phá sản như vậy thì rất là nguy hiểm.
- Người dân

“Cái đó rất là phi lý, một mặt thì nhà nước kêu là bảo hộ tiền gửi nhưng một mặt thì cho phép người ta phá sản như vậy thì rất là nguy hiểm. Thứ hai là hiện tại cái cơ chế kiểm soát của nhà nước đối với ngân hàng hiện nay rất lỏng lẻo. Ví dụ như vừa qua các ngân hàng, các vụ án chúng ta thấy được gì? Lúc đụng ra mới biết là các ngân hàng nó bị mất. Chứ ngoài ra mình không có cơ chế ngăn ngừa. Hệ thống thanh tra của ngân hàng không có hiệu quả. Vừa qua các vụ án chúng ta đã thấy rồi. Giờ nó kêu là nhà nước mua 0 đồng như vậy toàn bộ vốn ngân hàng cũng đã mất rồi chứ đừng nói là cái tiền gửi của ngân hàng. Mà gửi bao nhiêu cũng đền bù có 75 triệu.”

Như vậy cho dù người dân và các doanh nghiệp gửi tiền trăm hay tiền tỉ, mức bồi thường cào bằng này hết sức có lợi cho ngân hàng khi phá sản. Thiệt hại tất nhiên là phía người gửi, và nhất là với khách hàng có số tiền gửi lớn.

“Làm như vậy thì đâu có được. Tiền người ta gửi vô rồi nếu mà phá sản thì trả không hết một lần thì trả từ từ… Thí dụ người ta trả chậm hay gì đó nếu mà người ta không có đủ khả năng thì cũng phải ráng trả chậm cho những người đã gửi số tiền trong ngân hàng.”

Lâu nay, người đi vay nếu mất khả năng trả nợ thì sẽ bị ngân hàng áp dụng các biện pháp xử phạt như tăng lãi suất, phạt tiền, tịch thu và thanh lý tài sản của người đi vay với mục đích thu hồi lại số tiền gốc và lãi về cho ngân hàng. Trước tin chỉ được nhận mức bồi thường tối đa 75 triệu khi ngân hàng được cho phá sản khiến nhiều người nghĩ đến biện pháp rút tiền gửi.

“Nếu nghe thông tin như vậy thì người dân cũng phải rút thôi chứ làm sao mà để được. Nếu mà để lỡ lúc chờ phá sản rồi thì không rút được nữa.”

“Chắc chắn phải rút ra rồi tìm hiểu ngân hàng nào tin tưởng mới gửi.”

Tuy vậy, trong trường hợp chưa tìm ra kênh đầu tư cho khoản tiền của mình, thì gửi ngân hàng hưởng lãi suất tiếp tục là một giải pháp nhưng phải ‘chọn mặt gửi vàng’.

“Đầu tiên mình phải lựa ngân hàng có uy tín chút. Ví dụ bây giờ chúng ta chưa có kênh đầu tư nào hết thì tạm thời chúng ta phải gửi ngân hàng chứ giờ sao giờ. Ôm tiền ở nhà thì nó cũng vậy thôi.”
Nghe thông tin như vậy thì người dân cũng phải rút thôi chứ làm sao mà để được. Nếu mà để lỡ lúc chờ phá sản rồi thì không rút được nữa.
- Người dân

Để có được đánh giá chính xác về uy tín của một ngận hàng tại Việt Nam hiện nay cũng khá khó khăn; vì đối với các con số do ngân hàng công bố người dân cũng không có cách nào kiểm chứng những số liệu đó.

“Nói chung thì người ta gửi tiền vô thì ít người biết lắm. Có nhiều người chỉ biết gửi tiền lấy kì hạn, chứ có nhiều người ta cũng đâu biết là ngân hàng nó làm ăn ra sao.”

“Cái luật đó nó được thông qua thì cái quyền lợi của người gởi cần phải xem lại.”

Một số người dân cho rằng luật cho phá sản có được điểm tích cực là khiến các ngân hàng cần phải cố gắng hoàn thiện và phải làm sao chiếm được sự tin tưởng của các khách hàng.

“Mình sống ở đâu thì mình theo luật ở đó thôi. Nhưng mà bây giờ VN đã gia nhập WTO từ rất là lâu rồi và tham dự tất cả các định chế thương mại các thứ. Thì bây giờ luật cũng cho các ngân hàng nước ngoài vào rất là nhiều. Và nếu anh nhìn và nếu anh làm ngân hàng thì với anh đây là một cơ hội. Nếu như ngân hàng anh có thể cung cấp dịch vụ tốt hơn thì hoàn toàn anh có thể thu hút được khách hàng nhiều hơn, thì người dân cũng nhiều sự lựa chọn hơn. Không phải phụ thuộc vào một số ngân hàng, mọi người cứ nói ngân hàng nhà nước là an toàn, nhưng mà thực sự nó có an toàn thật hay không? Nếu mà ngân hàng nước ngoài người ta cung cấp được dịch vụ tốt hơn như thế thì chắc chắn người ta sẽ lấy được khách hàng thôi.”

Đó cũng là điều mà nhiều người đang trông chờ; đặc biệt sau khi một loạt các quan chức ngân hàng đang phải ra tòa và chịu án về những khoản lỗ suốt thời gian qua.



RFA
2018-01-25