Kết giao với 5 kiểu người này, nhân sinh của bạn cơ bản đã bị hủy đi một nửa



Tục ngữ có câu: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Bạn bè ở với nhau sẽ bị ảnh hưởng một cách vô tri vô giác tính cách và tư tưởng của nhau. Lựa chọn bằng hữu, thực ra là đang lựa chọn vận mệnh của chính mình.



Lựa chọn bằng hữu, thực ra là đang lựa chọn vận mệnh của chính mình. (Ảnh: Bejangaoyou)

Người lạnh nhạt với thân nhân

Vào thời Xuân Thu, tại nước Tề có vị Tể tướng nổi danh tên là Quản Trọng. Dưới sự phò tá của Quản Trọng, nước Tề trở thành quốc gia hùng mạnh nhất thời bấy giờ. Khi Quản Trọng mắc bệnh nặng, Tề Hoàn Công đến bên giường và nói: “Nếu khanh có mệnh hệ gì, ta biết tin cậy vào ai?”.

Quản Trọng nói: “Dịch Nha, Thụ Điêu, Khai Phương, 3 người này không thể tín nhiệm”.

Tề Hoàn Công cảm thấy khó hiểu, nói: “Dịch Nha làm thịt con đem dâng cho ta ăn, quý trọng ta như thế còn nghi gì nữa?”

Quản Trọng thưa: “Trời đã sinh ra loài người không gì quý hơn tình máu mủ. Nếu tình máu mủ mà nỡ dứt bỏ, thì con người ấy không thể thương ai đâu”.

Hoàn Công lại hỏi: “Thụ Điêu tự thiến mình để được gần gũi ta, ta tưởng tình quyến luyến ấy không còn gì phải nghi ngờ?”

Quản Trọng thưa: “Không thể quý trọng người khác hơn cơ thể mình. Cơ thể mà còn chưa quý, thì kẻ ấy còn quý ai”.

Tề Hoàn Công lại hỏi: “Khai Phương bỏ ngôi nước Vệ, theo hầu ta. Khi cha mẹ chết cũng không về chịu tang. Như thế là Khai Phương đã yêu ta hơn cha mẹ, còn nghi gì nữa?”

Quản Trọng thưa: “Cha mẹ mà bỏ để theo hầu người khác, kẻ ấy là một người ham danh lợi hơn tình thân. Thêm nữa Khai Phương đang ở ngôi Thái tử mà bỏ đi, là ý muốn có một địa vị cao hơn, chứ có phải vì yêu quý Chúa Công đâu. Xin Chúa Công chớ tin cậy”.


Một người đối với thân quyến mà lạnh lùng, tâm hồn băng giá, thì dù có đối tốt với bạn cũng không thể kết giao. (Ảnh: Sohu)

Sau khi Quản Trọng chết, Tề Hoàn Công lại không nghe theo lời khuyên bảo mà vẫn trọng dụng 3 người này. Đến khi Tề Hoàn Công mắc bệnh, 3 người này quả nhiên mưu phản, đã giam lỏng Tề Hoàn Công cho chết đói ở trong cung.

Một người đối với thân quyến mà lạnh lùng, tâm hồn băng giá, thì dù có đối tốt với bạn cũng không thể kết giao, họ chỉ vì lợi ích của bản thân mình, không có chỗ cho người khác.

Người hám lợi

Có câu rằng: “Quân tử dụ vu nghĩa, tiểu nhân dụ vu lợi”, ý rằng quân tử hiểu rõ về nghĩa, tiểu nhân hiểu rõ về lợi. Một số người trong tâm chỉ có lợi ích, không có tình bạn, thì với họ hết thảy mọi thứ trên đời đều có thể định giá. Đã có thể định giá, đương nhiên cũng có thể bán đứng, đối với họ mà nói, lợi ích mới là trên hết.

Trong việc kết giao hằng ngày, kiểu người này rất thích tính toán chi li, đặt nặng vấn đề được mất, ở đâu, khi nào cũng đều tính toán đến lợi ích. Người này mà kết giao với bạn, cũng nhất định là có mục đích, vì họ cảm thấy bạn còn có giá trị lợi dụng, một khi đã hết giá trị, sẽ không nuối tiếc mà quay đầu bỏ đi.

Họ không coi trọng tình cảm, vô cùng lạnh lùng, đứng trước lợi ích thì tình cảm đối với họ mà nói cũng chẳng đáng một xu. Kiểu người này tuyệt đối không thể kết giao.

Người hay phàn nàn


Phàn nàn là một loại năng lượng phụ diện, có khả năng “lây nhiễm”, họ ở bên cạnh sẽ làm suy sụp ý chí của bạn. (Ảnh: Sohu)

Đối mặt với đủ loại sự tình không như ý, một số người thường hay phàn nàn, lải nhải, quở trách cái này, quở trách cái kia, mỗi ngày đều cảm thấy thế giới này đang thiếu nợ chính mình. Phàn nàn là một loại năng lượng phụ diện, có khả năng “lây nhiễm”, họ ở bên cạnh sẽ làm suy sụp ý chí của bạn, còn đem những điều tiêu cực truyền lại cho bạn.

Khổng Tử nói: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”, nghĩa là, cái mà bản thân mình không thích, không muốn thì cũng đừng áp cho người khác. Vậy nên chớ biến bằng hữu thành cái thùng rác để trút cảm xúc, điều đó cũng minh chứng rằng bản thân họ thiếu khuyết giáo dưỡng.

Người mà lúc nào cũng than thở và oán trách số phận, oán trách người khác, nhìn bất cứ đâu cũng cảm thấy không thuận mắt, làm việc gì cũng cảm thấy không vừa ý, nên luôn luôn gặp khủng hoảng và dễ dàng phản đối mọi việc. Nếu gần gũi kiểu người này quá lâu bạn sẽ bị nhiễm những năng lượng xấu và cái cách nhìn đời u ám của họ.

Người không biết giữ lời

Khổng Tử nói: “Nhân vi vô tín, bất tri kỳ khả dã”, nghĩa là, người không có chữ tín sẽ chẳng làm chi nên việc. Chính là nói, con người phải coi trọng lời hứa, nói sao làm vậy, đã mở miệng là phải giữ lời, không thể lúc thì thế này lúc lại thế khác, sẽ khiến đối phương rơi vào tình thế khó xử.

Trong cuộc sống, giao du với người nói mà không giữ lời thật đúng là ác mộng, ôm giữ hy vọng với người không xem trọng lời hứa quả thật là phí hoài thời gian. Họ cứ biến đổi liên tục, chuyện nói buổi trưa, buổi chiều đã đổi khác; chuyện được quyết định ngày hôm qua, hôm nay đã trở thành đống giấy vụn.



Con người phải coi trọng lời hứa, nói sao làm vậy, đã mở miệng là phải giữ lời. (Ảnh: Kknews)

Bạn bè quý ở sự chân thành, người có khuyết điểm khác đều có thể thông cảm được, nhưng nói mà không giữ lời sẽ khiến người ta không biết được câu nào là thật câu nào là giả. Với người như vậy, cho dù bạn vẫn tỏ lòng kính trọng nhưng không nên gần gũi, bởi ai ai cũng không thể phí hoài đi nghe lời nói suông mà không bao giờ được thực hiện.

Người không biết cảm ân

Quan hệ giữa người với người chính là có qua có lại. Một người nếu biết cảm ân, thì người khác mới có thể an tâm phó xuất. Người không biết cảm ân, khi lần đầu tiên trợ giúp họ, họ sẽ cảm kích; đến lần thứ hai thì tâm ý cảm ân ấy sẽ nhạt dần, rồi đến lần thứ “n”, họ sẽ coi rằng đây là điều hiển nhiên phải thế. Và đến khi không được trợ giúp nữa thì họ lại mang tâm oán giận.

Kết giao với người như vậy cũng giống như gặp phải tai vạ, họ cảm thấy bạn giúp họ là điều đương nhiên, người này tựa như một cái động không đáy, vĩnh viễn sẽ làm hao tổn sinh mệnh của bạn, cho nên, ngàn vạn lần không thể kết giao.

Tuệ Tâm