Lượm ve chai ở Sài Gòn, nuôi quê nghèo





Xóm trọ của những người phụ nữ quê ở Phú Yên lên Sài Gòn lượm ve chai để mưu sinh.



Cuộc sống nông thôn canh tác bấp bênh, thiên tai thất thường khiến nhiều người phải bỏ quê lên phố kiếm sống. Trong số này có những phụ nữ vào Sài Gòn chuyện nhặt ve chai bán kiếm tiền, vừa lo cho bản thân vừa có thể gửi về quê phụ giúp gia đình.

Hoàn cảnh khó khăn

Trong con xóm nhỏ có khoảng chục phòng trọ, đầy những xe ba gác, xe đẩy là nơi mà những người phụ nữ quê Phú Yên đang tá túc. Công việc của cả xóm là lượm ve chai để bán lại.

Họ là những người mẹ, người phụ nữ chấp nhận mọi cực khổ, xa xứ vì người thân.

Bà Loan, 62 tuổi, cho biết thời gian và lý do phải xa quê:

“Sáu năm , bảy năm rồi con. Cô vô đây cô đi làm thuê làm mướn, đi ve chai để sống chứ ở dưới đó bữa nay lụt lội, bão lụt đó thành ra đi về quê cũng không được.”

Cô vô đây cô đi làm thuê làm mướn, đi ve chai để sống chứ ở dưới đó bữa nay lụt lội, bão lụt đó thành ra đi về quê cũng không được.
- Bà Loan, 62 tuổi, quê Phú Yên

Dù công việc ve chai cực nhọc vất vả, phơi nắng phơi mưa ở đất Sài Gòn cũng không dễ chịu gì, nhưng ít nhất họ cũng còn có cơ hội để kiếm ra tiền.

“Ngoài đó mưa bão sập nhà sập cửa. Đi làm cho con ăn học nói thẳng ra không có tiền. Rồi cô theo con vô đây mua bán đi làm thuê làm mướn để nuôi con ăn học.”

Ngoài những khoản cho con cháu ăn học, họ còn phải cố kiếm tiền nơi đất khách nhằm trang trải những khoản nợ trước kia.

“Giờ vợ chồng cô già hết, phải đi mua bán cái này để trả nợ, cho con ăn đi học là nợ đó con. Nay ổng (chồng cô) đã 70 rồi mà. Giờ vô đây cũng không làm gì.”

Cuộc sống ở Sài Gòn

Bà Loan tâm sự người chồng ‘thất thập’ của bà nay vẫn còn phải lam lũ với công việc đồng áng. Còn các con của ông bà, có đứa lập gia đình ra sống riêng rồi; thế nhưng bản thân bà cũng luôn chắt chiu để phụ thêm cho con cháu khó khăn ở quê. Cuộc sống của hai vợ chồng già luôn tiết kiệm hết mức, bà chia sẻ về cuộc sống và công việc ở Sài Gòn cho chúng tôi biết:

“Có ngày trung bình kiếm ngày 100, 120, cỡ 150 (150.000 đồng) là cao nhất. Bữa nào trúng mánh ngon là 150… chứ như ngày nay cô kiếm có 60.000 đồng chứ mấy.

Cá mắm đem ở ngoài quê chứ mình không có mua ở đây. Gạo ngoài đó đem vô chứ không có mua trong đây, nó đỡ chỗ đó thành ra cũng dư, một tháng dư cũng được 3 triệu, 3 triệu rưỡi. Bữa nào mà mình dọn nhà dọn đồ trúng mánh thì được 4 triệu một tháng vậy á. Chứ giờ ở quê làm ngày 100.000 đồng, làm bữa nào ăn bữa nấy không có dư. Lâu lâu tháng, hai tháng mình dư 5, 6 triệu mình về.”


Trong đây ngày nào mình cũng làm, còn nhà quê có ngày thì mình làm, tháng làm đâu có 10 ngày, 12 ngày.
- Bà Loan, 62 tuổi, quê Phú Yên

Bà và các phụ nữ ở đây phải ở chung nhau cả chục người trong một phòng trọ nhỏ để giảm tối đa các chi phí.

“8 người, bây giờ nói thẳng ra ngoài đó người ta cũng khổ, theo vô đây ở là 10 người. 1 phòng là 2 triệu 8. Đó là tiền ở, tiền nước non chưa nói.”

Bà Loan còn nêu ra sự ổn định việc làm tại Sài Gòn và tình trạng thất thường ở quê nhà Phú Yên:

“Trong đây ngày nào mình cũng làm, còn nhà quê có ngày thì mình làm, tháng làm đâu có 10 ngày, 12 ngày, còn không thì mình ở nhà, không làm gì hết. Còn vô trong đây một tháng mình làm đủ 1 tháng.”

Khu vực miền Trung Việt Nam là nơi hằng năm phải hứng chịu nhiều cơn bão. Năm nay, Phú Yên là địa phương bị Bão 12 đổ bộ. Vùng chịu thiệt hại nặng nề nhất ở tỉnh Phú Yên là huyện miền núi Đồng Xuân. Thống kê cho thấy trong nhiều nơi trong huyện nhà dân bị ngập sâu từ 0,5 đến 1m; 600 hecta hoa màu dọc sông Kỳ Lộ và sông Cô bị ngập. Các tuyến tỉnh lộ và huyện lộ tiếp tục bị chia cắt.

Bà Loan cho biết:

“2 năm nó làm cái bão 1 lần cái tróc lóc tròng long hết, cho dù đi làm trong này về tu bổ cái nhà, bão tới cái nó tróc nó sập xuống phải cất lên.”

Ngoài thiên tai bão tố, nhiều vùng ở hạ lưu còn hứng chịu nước lũ do thủy điện xả đập một khi mưa bão về. Đất quê không thể nuôi sống con người khiến biết bao thân phận trở thành ‘tha phương’ như những phụ nữ Phú Yên cùng xóm ve chai với bà Loan ở Sài Gòn.



RFA
2018-01-31