Việt Nam, đất nước loạn cổng chào






Những cái cổng chào đèn hoa lòe lẹt ở khu vực trung tâm Sài Gòn. (Hình: Nguyễn Sài Gòn/Người Việt)

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Đây chắc chắn là một công trình nghiêm chỉnh phù phiếm nhất của chính quyền Cộng Sản vì nó gắn liền với những ngày lễ lớn của đảng Cộng Sản, nó được hiện diện xuyên suốt từ ngày họ chiếm được miền Nam cho đến tận hôm nay.

Cái cổng chào với nhiều màu sắc đa dạng về khẩu hiệu hầu như lúc nào cũng có mặt trên từng cây số , từ thành thị đến nông thôn, từ hẻm nhỏ đến phố nghèo… Nó gần như là cái “cửa miệng” trên từng con đường bởi những hàng chữ to như “Chào mừng ngày thành lập đảng,” hoặc “Lập thành tích chào mừng…” và nhiều nhiều những ngày “kỷ niệm” tào lao thiên địa khác.

Cái cổng chào như một thứ lịch sử bắt buộc được thu nhỏ, nhiều khi không cần biết hôm nay là cái ngày quái gì thì chính nó đã cho bạn biết ngay với đầy đủ ngày sinh tháng tử như ngày Quân Đội, ngày Công An, ngày Nhà Giáo, ngày Thương Binh Liệt Sĩ, ngày Quốc Tế Lao Động, ngày Doanh Nhân và cao hơn hết là ngày sinh ngày chết của “lãnh tụ kính yêu…” của đảng.

Cổng chào như một cái vòng kim cô đội lên đầu nhân dân dù nghèo hay giàu – tất cả đều phải “ chui qua” nó với nhiều hình ảnh dị dạng được kết đèn giăng hoa rực rỡ, mỗi tỉnh thành có một kiểu sáng tạo khác nhau, không anh nào giống em nào.

Cổng chào như là khuôn mặt được bôi trét bởi những thành tích trá hình – mà chính quyền nơi ấy cần phải được xiển dương – giới thiệu như một “làng nông thôn mới” với những túp lều tranh xiêu vẹo đói kém nhưng nhất định cái cổng chào của nó phải được xây bằng bê tông.

Nó phô diễn kệch cỡm đến mức một người dân đã phải mếu máo “nhà tui nghèo không đủ ăn, nhà dột trên ướt dưới nhưng mấy ổng – chính quyền – buộc phải xây cho bằng được cái cổng chào để đón mừng vì nó đã được cấp trên ‘công nhận là Nông Thôn Mới’”?


Cổng chào trang trí trên cửa ngõ vào thành phố Đà Lạt. (Hình: Nguyễn Sài Gòn/Người Việt)
Nông thôn thì vậy, thành phố thì khỏi phải bàn, cổng chào bây giờ đã thành dịch, như một bức họa đủ sắc màu loang lổ, với dàn đèn lấp lánh rực rỡ như sao sa, nhất là vào những dịp lễ tết thì nó càng tưng bừng náo nhiệt hơn cứ như là dân tộc đang đi vào những con đường “ngập tràn ánh sáng của chủ nghĩa xã hội.”

Người ta tự hỏi kinh phí ở đâu mà người ta làm nhiều cổng chào như vậy, câu trả lời dễ ợt “kinh phí từ nhà nước trung ương rót về, tức là từ tiền thuế của dân” nó gần như là một nhiệm vụ không thể thiếu để tuyên truyền cổ động cho chính sách đường lối mị dân của nhà nước.

Dĩ nhiên đây cũng là một khoản tài chính lớn được “giải ngân” hằng năm cho Bộ và Sở Thông Tin Truyền Thông của các tỉnh thành, tất cả được gộp vào không thiếu một xu – cho một chiến dịch thường trực của các ban tác chiến thông tin cổ động trên Pano Appit-banderole và cả cái cổng chào nữa.

Dù rằng chúng đã được ma mãnh “xã hội hóa” nghĩa là đã được gợi ý mồi chài lẫn hăm dọa để các doanh nghiệp lớn chúng tay góp sức bằng tiền của hẳn hoi, bù lại doanh nghiệp sẽ được “quảng cáo sản phẩm” của mình trên từng cổng chào bằng chính thương hiệu của mình.

Nhờ đó phố phường luôn luôn rực rỡ từ Giáng Sinh, Tết Tây cho đến Tết Ta kéo dài cho đến những ngày lễ quan trọng, không cần biết biết tiền đó ở đâu ra. Vì tất cả đã được “hạch toán” vào kinh phí nhà nước và người dân lại phài è cổ ra chịu, và họ cũng không cần thắc mắc số tiền đó đã chui vào túi ai -điều này chỉ có trời mới biết – khi mà đến hẹn lại lên, cổng chào phải được làm mới, phải hoành to lớn hơn…

Có người nói “Việt Nam nghèo thì nghèo nhưng vui” vì nhà nước lúc nào cũng trang hoàng rạng rỡ rồi bắn pháo bông tưng bừng, cho dù ngân khố quốc gia đang đến hồi cạn kiệt, nợ công ngất ngưởng. Nhưng làm gì thì làm, cái cổng chào thì không thể thiếu, bằng chứng là nó vẫn xuất hiện càng ngày càng lung linh huyền ảo hơn trong bóng tối lụi tàn…



Nguyễn Sài Gòn/Người Việt