Nghiên cứu cho thấy, hơn nửa số người share bài viết trên mạng không hề bấm vào đọc


Một nghiên cứu của Đại học Columbia và Viện Quốc gia Pháp gần đây cho thấy, cứ 10 người dùng mạng xã hội thì có đến 6 người chia sẻ các bài viết mà không buồn đọc chúng.



Có khá nhiều người dùng mạng xã hội đang share bài viết mà không buồn đoc nó. (Ảnh: Facebook)

Theo IFLScience, từ lâu họ đã nhận thấy nhiều người theo dõi fanpage thích, chia sẻ và bình luận về một bài viết mà không bấm vào và đọc nó. IFLScience không phải là người duy nhất để ý chuyện này. Tháng 4/ 2015, NPR đã chia sẻ một bài báo trên trang Facebook của họ với tiêu đề “Tại sao người Mỹ không đọc nữa?”. Dĩ nhiên, đó chỉ là chuyện đùa và không có bài viết nào về nội dung như vậy. Họ chỉ chờ xem liệu những người theo dõi fanpage có bình luận ​​mà không cần nhấp vào đường link không và họ đã không phải thất vọng.

Một nhóm các nhà khoa học máy tính tại Đại học Columbia (Mỹ) và Viện Quốc gia Pháp (French National Institute) đã kiểm tra hơn 2,8 triệu bài viết được chia sẻ trên Twitter. Kết quả cho thấy, có tới 59% các đường link được share mà chưa từng được bấm vào đọc.

Arnaud Legout, đồng tác giả nghiên cứu cho biết: “Mọi người có xu hướng thích chia sẻ một bài viết hơn là đọc nó. Đây có thể coi là ví dụ điển hình về xu hướng tiêu thụ thông tin thời hiện đại. Ngày nay, chúng ta hình thành ý kiến dựa trên những dòng tin tóm tắt, đúng hơn là cực kỳ tóm tắt mà không đọc kỹ để tìm hiểu sâu hơn”.

Nghiên cứu này nhằm tìm hiểu tâm lý gì đằng sau khiến mọi người muốn share các bài viết. Kết quả cho thấy, không đến một nửa số người được hỏi trả lời rằng họ chia sẻ bài viết là để truyền bá thông tin cho người khác. Ngược lại, có đến 68% người dùng share thông tin nhằm xây dựng một hình ảnh nào đó về bản thân, theo một nghĩa nào đó là để “định nghĩa” chính họ.

Một người tham gia khảo sát cho biết: “Tôi cố gắng chia sẻ thông tin để củng cố hình tượng mình muốn thể hiện như: có hiểu biết, chu đáo, tử tế, quan tâm và đam mê một vài thứ nhất định”.



Tình trạng này cũng làm dấy lên một câu hỏi liệu truyền thông trực tuyến phải chăng chỉ là một “phòng phản âm” khổng lồ, nơi tất cả chúng ta chỉ like các trang và quan điểm củng cố cho niềm tin của mình chứ không thực sự quan tâm đến thông tin vì lợi ích của nó.

Thậm chí các trang mạng xã hội giờ đây cũng được định dạng để những trang mà bạn thường nhấp vào, thích, hoặc chia sẻ – thường là các bài viết phù hợp với quan điểm của bạn – sẽ thường xuyên xuất hiện trên News Feed của bạn. Là người dùng mạng xã hội, có lẽ bạn đã thấy rõ điều này.

Dựa trên quan sát và phân tích, các nhà khoa học nhận ra những thông tin dạng này không nhất thiết phải là tin mới để có thể được lan truyền mạnh mẽ, và nó có thể lan truyền mà không cần phải đọc.

Để lấy ví dụ, trang Science Post đã từng thực hiện một thí nghiệm. Họ chia sẻ lên Facebook một bài viết có tựa đề: 70% người dùng Facebook chỉ đọc tiêu đề rồi comment!

Những ai bấm vào đọc sẽ nhận ra bài viết chỉ có vài dòng chữ vô nghĩa. Nhưng trên thực tế, nó được chia sẻ tới 46.000 lần, cùng hàng trăm ngàn lượt comment.

Các nhà khoa học đánh giá rằng xu hướng share không cần đọc như vậy có ảnh hưởng rất lớn trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là chính trị và văn hoá. Và chắc chắn, ảnh hưởng này sẽ tiêu cực khi người đọc còn chẳng buồn quan tâm nội dung mình đang chia sẻ là gì.

Hồng Liên, theo Iflscience.com