Bằng Dỏm, Thuê Học Hàm...





Có những chuyện trong nước mà người hải ngoại không hình dung nổi... Thí dụ, văn bằng giả quá phổ biến. Hay chuyện “thuê học hàm”...

Bản tin VOV nhan đề “Nhiều chứng chỉ, văn bằng giả được sử dụng công khai” ngày 29/9/2017 báo động:

“Rất có thể có những người sử dụng bằng cấp, giấy tờ giả đang ung dung thăng quan tiến chức, lãnh đạo những người học hành bài bản, có trình độ thực sự.

Sau hàng loạt vụ việc liên quan đến những cán bộ sử dụng bằng cấp giả, bằng cấp không hợp pháp để tiến thân bị phát giác, nhiều người cho rằng, nên tổ chức một đợt “tổng lực” rà soát bằng cấp để phát hiện, xử lý nghiêm minh.

Mới đây, chia sẻ trên báo chí, GS Phạm Minh Hạc cho hay, những năm 2002, ngành giáo dục phát động phong trào chống bằng giả. Riêng trong năm đầu, đã phát hiện tới 10.000 bằng giả. Hằng năm, việc làm này vẫn được duy trì. Tuy nhiên, việc phát hiện bằng cấp giả hiện nay không có phong trào sâu rộng như khi đó....”

Chuyện cũng lạ là “thuê học hàm”...

Báo Thanh Niên qua bản tin nhan đề “Đào tạo bậc cao ngày càng... thoáng” ngày 8/2/2018 ghi nhận chuyện thuê học hàm, trích:

“...“Thuê học hàm” giáo sư, phó giáo sư

Tiến sĩ Ngô Bá Hùng cho rằng vấn đề còn nằm ở chất lượng người hướng dẫn. Đa số cán bộ hướng dẫn nghiên cứu sinh đều quá bận rộn nên thời gian dành cho việc hướng dẫn, giám sát quá trình học tập nghiên cứu của người học còn nhiều hạn chế. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đào tạo sau ĐH.

Đã có hiện tượng thuê giảng viên để mở ngành. Một trường ĐH tại ĐBSCL đào tạo chuyên ngành phương pháp dạy văn, tiếng Việt nhưng trường không đủ yêu cầu đội ngũ theo quy định. Trường phải “thuê học hàm” PGS của một người ngoài Hà Nội để hợp thức hóa thủ tục với giá 7 triệu đồng/tháng. Thế nhưng 3 năm nay người được “thuê học hàm” chưa một lần được mời vào giảng dạy hoặc ít nhất là thăm trường.”

Cũng nên nhắc rằng báo Giáo Dục VN đã từng báo động từ năm 2014 qua bản tin “Tự chủ tuyển sinh: trường lừa, bộ ngơ, thí sinh đừng nhẹ dạ”...

Bản tin naỳ nói nhiều trường đại học và cao đẳng không tuyển được giáo sư và phó giáo sư, nên chỉ thuê các vị này để tên trong ban giảng huấn để hấp dẫn sinh viên.

Và do vậy, nhiều giaó sư và phó giáo sư cho thuê tên trên nhiều đaị học và cao đẳng...

Tới nổi, có giáo sư đứng tên trong 4 đại học.

Nghĩa là, thuê trắng trợn cho thuê học hàm, học vị.



Bản tin GDVN viết:

“...không ít trường hợp một giảng viên là “cơ hữu” cho ba, bốn trường cùng một lúc...

...Không thể bắt buộc những giảng viên nghỉ hưu chỉ được cơ hữu cho một trường, nhưng cũng không thể để các vị này “cho thuê” học hàm, học vị kiếm lời. Nếu một giáo sư có tên ở ba trường thì phần cơ hữu của vị giáo sư đó tại trường chỉ là 1/3 mà thôi.”

Không chỉ trong khuôn viên đa học, chuyện cho thuê học hàm cũng lấn sân thương mại.

Báo Người Đưa Tin và báo Đời Sống & Pháp Luật ngày 28/9/2013 kể chuyện qua bản tin nhan đề “Kỳ lạ mốt thuê học hàm học vị để khuếch trương sản phẩm”...



Bản tin này viết:

“Trong vòng chục năm trở lại đây, để đẩy mạnh doanh thu bán hàng, khuếch trương sản phẩm các doanh nghiệp, nhà phân phối thực phẩm đã không ngần ngại chi ra một khoản tiền lớn mời các nhà khoa học là các giáo sư, tiến sĩ tham gia hội thảo, quảng bá sản phẩm. Đằng sau nó, hiện có nhiều sản phẩm không như quảng cáo và vô hình chung đang gây ngộ nhận, lừa dối người tiêu dùng.

Lôi kéo nhà khoa học vào cuộc

Đi tiên phong trong lĩnh vực này không thể không kể đến đó là thực phẩm chức năng mang nhãn hiệu Noni (một loại thực phẩm được chiết xuất, cô đặc từ trái nhàu có rất nhiều ở khu vực miền Nam) được nhập khẩu từ Mỹ về phân phối và bán tại thị trường Việt Nam với mức giá 700 nghìn đồng/chai. Theo quảng cáo của nhà nhập khẩu, phân phối sản phẩm cho thấy đây là sản phẩm có khả năng hỗ trợ điều trị rất nhiều loại bệnh hiểm nghèo, kể cả căn bệnh ung thư mà cả thế giới đang bó tay....

Tại buổi hội thảo, một số chuyên gia được giới thiệu là giáo sư, tiến sĩ của nước ngoài (có quốc tịch từ Trung Quốc, Mỹ) không ngần ngại khi tuyên bố thực phẩm noni chữa những cơn đau trong cơ thể như đau lưng, cổ, đau cơ, thần kinh và những cơn đau như căng thẳng, đau nửa người....”

Than ôi, làm gì có thuốc thần chữa bá bệnh như thế. Nhưng buốn bán, thế là nhờ mấy ông giáo sư quảng cáo giùm.

Cũng nên nhắc chuyện rất lạ về một ông bằng dỏm, bằng ma: Một Tiến sĩ dỏm suốt 10 năm dùng bằng giả đi làm ở trường đại học.

Báo Giáo Dục VN ngày 27/11/2017 kể: Toàn bộ các văn bằng, chứng chỉ từ trình độ cử nhân, thạc sĩ đến Tiến sĩ của ông Huy đều là giả mạo.

Mặc dù vụ việc sử dụng bằng giả đã được chuyển cho cơ quan điều tra nhưng ông Nguyễn Hữu Tuấn Huy (trú phường Nam Dương, quận Hải Châu, Đà Nẵng) vẫn sử dụng bằng Thạc sĩ, Tiến sĩ “dỏm” của mình để xin việc tại một trường đại học ở Hà Nội....

Như thế, đại học VN sẽ chạy đua với ai bây giờ?


Trần Khải