Thâm thúy thơ văn người xưa: ‘Con không chê cha mẹ khó, chó không chê chủ nghèo’



Xuân Mậu Tuất đang tới gần, Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới độc giả đôi nét về người bạn trung thành của người dân Việt Nam, đã gắn bó với truyền thống dân tộc chúng ta từ hàng ngàn năm qua. Hình ảnh chú chó thân thương gần gũi đã được ghi nhận trong truyền thuyết và thi ca như thế nào?



Trong mười hai con giáp, chó là loài động vật nằm trong lục súc được con người thuần hóa. Chú chó từ thủa xưa đã trở thành một người bạn tuyệt vời của con người. Chó được biết đến với tính cách dũng cảm, tận tụy, chính trực và trung thành. Trong rất nhiều tác phẩm văn học lớn, hay cả trong nghệ thuật kiến trúc chú chó được hình tượng hóa mang theo sứ mệnh cao cả.

Câu chuyện về sự dũng cảm và sự tận tụy của chú chó trong tác phẩm kinh điển Tam Tự Kinh

Truyện kể rằng thủa khai thiên lập địa, ông trời ban cho con người 6 loại hạt làm lương thực chủ yếu là: lúa, kê, các loại đậu, lúa mạch, ngô và cao lương, đồng thời cử xuống trần gian 6 loại động vật gọi là lục súc gồm: trâu, ngựa, dê, chó, gà và lợn giúp loài người mưu sinh. Thiên thần cũng dạy loài người cách trồng và nuôi dưỡng.

Tương truyền thời cổ đại con người chủ yếu là săn bắt và hái lượm. Một ngày nọ xảy ra một trận đại hồng thủy,nhấn chìm rừng núi, cuốn trôi hết thảy nhà cửa và công cụ sản xuất. Những con người còn sống sót vô cùng đói khổ. Nhìn thấy cảnh đó, các thiên thần ở phương Đông vô cùng buồn bã.



Đại hồng thủy xảy ra nhấn chìm tất cả… (Ảnh: minh hoạ )

Thần Nông khi đó nói rằng: Ta sẽ dạy họ cách trồng trọt, sẽ ban cho họ 6 loại ngũ cốc để có thể sinh tồn. Một vị thần khác nói: Ta sẽ dạy họ cách chăn nuôi, ta sẽ sai 6 loài động vật xuống để giúp đỡ họ. Lúc này thiên thần mới nói với 6 loài động vật: trong các vị ai là người sẽ mang hạt giống xuống dương gian đây?

Đường xuống dương gian phải bơi qua vùng biển mênh mông sóng lớn, để bảo vệ được hạt giống nhỏ bé, đây là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn đòi hỏi sự dũng cảm phi thường. Thiên thần bèn gọi trâu tới và nói:

Này trâu, ngươi to khỏe nhất ngươi hãy mang hạt giống này xuống cho con người nhé.

Trâu bèn trả lời: Tôi chỉ là kẻ to khỏe dùng tới sức, công việc đòi hỏi sự khéo léo này, chi bằng giao cho ngựa làm đi.

Ngựa nghe thấy liền đáp: Ôi người tôi toàn là lông bóng mượt thế này, e rằng một hạt cũng chẳng dính được ấy chứ. Bác gà, bác hãy làm đi.

Gà hốt hoảng trả lời: Không được, không được đâu, thân tôi nhỏ bé thế này thì mang được bao nhiêu hạt thóc đây?

Dê và lợn đồng thanh kêu lên: chúng tôi… chúng tôi cũng hết cách rồi.

Lúc này chó nằm suy nghĩ, chó thương con người phải chịu đựng cảnh đói. Liền đứng lên đáp: Để tôi làm cho. Chó liền nhảy xuống nước cho ướt lông rồi lăn vào đống hạt thóc giống.

Thế là lục súc lên đường bơi qua biển rộng mênh mông xuống dương gian. Những cơn sóng lớn liên tục đập vào người chó làm hạt giống rơi đi rất nhiều, thấy vậy chó càng nỗ lực bơi khỏe hơn, dựng thẳng đuôi lên để giữ cho được những hạt thóc giống. Không ngừng nghỉ chú chó tận tụy dũng cảm bơi qua những con sóng lớn mạnh và cuối cùng cũng đến được dương gian với những hạt thóc giống đem cho con người.

Loài người biết ơn tấm lòng của chó, nên sau này luôn dành cho chó những hạt cơm để ăn, coi chó như người bạn thân thiết nên chó rất trung thành và canh giữ bảo vệ cho con người.


(Ảnh: Animal.vn)

Hình ảnh chú chó trong tác phẩm lục súc tranh công của văn học dân gian Việt Nam


Trong dân gian ta xưa đã có câu ca ngợi về sự tận tụy và trung thành của chó như: Con không chê cha mẹ khó, chó không chê chủ nghèo. Điều này thể hiện tình cảm chân thành và sự tận tụy của loài chó.

Lưu truyền trong dân gian từ ngàn xưa là câu chuyện: Lục súc tranh công. Tác phẩm dân gian này dùng thể thơ, viết về sáu con gia súc tranh nhau trước mặt chủ những công trạng của mình trong việc giúp chủ nhân, bằng cách khoe khoang công trạng, và chỉ trích khuyết điểm của con vật khác.

Ban đầu là trâu kể xấu chó, chỉ trích chó và kể lể công trạng của mình với chủ.

Nhưng loài muông, vô tướng, vô tài,…
Ăn cho lớn, dưỡng vai, dưỡng vóc,. . .
Muông, người cho ăn cháo, ăn cơm,
Trâu, người bắt nhai rơm, nhai cỏ.

Khi muông thác tống chung, an thổ,
Có gạo tiền cấp táng toàn thân,. . .
Lúc đó chó mới lên tiếng mà than rằng:
Vốn như đây ốm yếu chân tay,

Cũng hết sức gia trung xem xét . . .
Ðêm năm canh con mắt như chong,
Ðứa đạo tặc nép oai khủng động.
Ngày sáu khắc, lỗ tai bằng trống,

Ðứa gian tham thấy bóng cũng kinh . . .



(Ảnh: Dwitnews.com)

Vậy là sứ mệnh cũng như thiện quả mà lục súc được hưởng cũng đều là sự an bài của Thiên thần trên trời. Thì cớ chi mà tranh cãi, so bì thiệt hơn, phải chăng nên dĩ hòa vi quý.

Trung thành và thẳng thắn của chú chó được nhà vua Trần Nhân Tông khắc họa trong thơ của ông

Trần Nhân Tông được coi là một vị hoàng đế của thi ca. Trong bài thơ: Con chó đá, ông viết:

Mặc khách thị phi giương tráo mắt,
Những lời trần tục biếng vào tai.
Một lòng thờ chúa, nghìn cân nặng,
Bền vững ai lay cũng chẳng dời.

Nhà thơ khen ngợi sự tận tụy trung thành của chú chó trong cuộc sống của con người. Miếng ngon chẳng thể dụ dỗ nó bỏ chủ, khen chê thị phi chẳng khiến chó buông lơi sứ mệnh của mình. Vẫn ngày đêm dùng tai mà nghe tiếng động của kẻ gian, sủa lên tiếng làm chúng phải hốt hoảng. Vẫn âm thầm bảo vệ chủ dẫu cho phải chịu khổ cực thế nào.

Cũng trong bài thơ này, ông đã viết:
Cắn kẻ tiểu nhân nào đoái miệng
Chào người quân tử chẳng phe đuôi.
Phỏng trong sức có ngàn cân nặng,

Dầu nhẫn ai lay cũng chẳng dời.


Đây chính là khen ngợi trí khôn của loài chó, sự thông minh có thể nhận biết được đâu là quân tử, đâu kẻ tiểu nhân. Đối với loài người thật khó lòng mà nhìn thấy, nhưng với chó, nó có thể nhận biết được dễ dàng. Nên thể hiện là cũng rất rõ nét. Chó là loài vật mà với nó yêu ghét thật minh bạch, người ta nói đó là tính cách bộc trực của loài chó.

Khi nhìn thấy nguy hiểm, chó lập tức tiên phong để bảo vệ. Sự dũng cảm ấy khó có loài nào sánh được.

Chính vì thế mà trong thơ của Trần Nhân Tông, ông khen ngợi chó và ví nó như một người lính tận tụy với sự trung thành dũng cảm rất đáng tuyên dương.

Hình ảnh chú chó cũng gần với một linh vật trong trong nghệ thuật kiến trúc, chính là hình ảnh chú Nghê đá được xây dựng ở cổng đền, chùa miếu mạo hay những nơi thờ tự linh thiêng. Nghê được đặt ở cổng vào, như để canh gác và trấn giữ. Con nghê cũng mang theo những bản sắc thuần Việt. Điều đó như nhắc nhở người Việt về tầm quan trọng và sự đối đãi cần có đối với loài chó, vốn mang sứ mệnh giúp đỡ con người.



Những chú chó trong thơ ca, văn chương có tự ngàn đời, đã minh chứng sự gắn bó và thiên mệnh của những chú chó bên cạnh song hành cùng chúng ta mãi cho tới ngày nay. Với một chút thư thái luận bàn, hy vọng rằng, năm Mậu Tuất sẽ là một năm mới mang hạnh phúc may mắn tới cho muôn nhà, và mỗi chúng ta nuôi dưỡng trong trái tim lòng biết ơn đấng Tạo Hóa đã cử những sứ giả trung thành tới giúp đỡ chúng ta…

Tịnh Tâm
Đại Kỷ Nguyên