Đón Xuân Mậu Tuất, khóc nạn nhân Mậu Thân ở Huế

Tác Giả: Ngô Đắc Hòa (Boston)





Trong văn hoá người Việt, Tết Nguyên Đán là những ngày thiêng liêng nhất của dân tộc. Đó cũng là những ngày vui nhất trong năm. Nên dù làm bất cứ nghề gì, ở bất cứ nơi đâu, những ai tất tả ngược xuôi làm ăn mua bán đều mong được trở về sum họp dưới mái ấm gia đình trong 3 ngày Tết.

Trong một ý nghĩa thiêng liêng nào đó, Tết còn là dịp đoàn tụ với cả những người thân đã mất. Tết cũng là cơ hội để người ta quên đi hận thù, giận hờn năm cũ, hàn gắn những bất hoà. Đó là triết lý về lòng rộng lượng, tính bao dung vào ngày đầu xuân năm mới của người Việt từ bao đời nay. Nói tóm lại, Tết Nguyên Đán là lễ hội lớn nhất trong các lễ hội truyền thống của Việt Nam mà ai đi xa cũng nhớ và phải trở về.

Trận chiến Mậu Thân ở Huế kéo dài 25 ngày đêm, từ 31 Tháng Giêng đến 24 Tháng Hai năm 1968.

Trong những tháng và những năm tiếp theo sau Trận Mậu Thân tại Huế, hàng chục ngôi mộ tập thể được phát hiện trong và xung quanh Huế. Nạn nhân bao gồm phụ nữ, nam giới, trẻ em và trẻ sơ sinh…

Theo ông Nguyễn Lý Tưởng, cựu dân biểu khu vực Thừa Thiên, trong 22 địa điểm tìm được các mồ chôn tập thể, người ta đếm được 2,326 sọ người. Sau Tết, các gia đình kê khai có người chết, có người mất tích, lên đến 4,000 gia đình. Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa thì đưa ra danh sách 4,062 nạn nhân được họ xác định là đã bị bắt cóc hoặc bị giết. Theo các báo cáo của Việt Nam Cộng Hòa, nhiều thi thể được tìm thấy ở tư thế bị trói buộc, bị tra tấn và đôi khi bị chôn sống. (Nguồn: Wikipedia)

Ngay trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt nhất chúng ta cũng có vài ngày ngày hưu chiến để gia đình đoàn viên, chiêm bái tổ tiên, viếng thăm thân thuộc, bằng hữu, xóm giềng với những lời cầu chúc tốt đẹp đầu năm. Người Việt tỵ nạn hải ngoại nhiều chục năm qua dù sống xa quê hương vẫn không quên tập tục tốt đẹp này. Thế nên ở đâu có cộng đồng gốc Việt sống quần tụ chúng ta dễ dàng nhận thấy không khí mua sắm rộn rịp những ngày cuối năm để chuẩn bị cho ba ngày Tết. Khói hương nghi ngút, không khí uy nghiêm trước bàn thờ tiên tổ trong những ngày đầu năm để tỏ lòng tôn kính.

Vào những ngày này đúng 50 năm trước, mùa Xuân năm Mậu Thân 1968; bất hạnh thay, người dân miền Nam nói chung và nhân dân Thừa Thiên Huế nói riêng đã không có những ngày lễ hội lớn nhất mà họ thường có hằng năm. Họ không được chứng kiến những giây phút thiêng liêng nhất của ngày đầu năm với trầm hương nghi ngút. Không có những giây phút uy nghiêm trước bàn thờ tiên tổ. Không có những ngày vui nhất trong năm. Không có cơ hội để đoàn tụ với gia đình trong bình yên an lạc. Không có dịp để viếng thăm bà con thân thuộc, bè bạn hương lân. Vì ngay trong những giờ phút thiêng liêng và uy nghiêm nhất đó tiếng súng của Cộng quân đã ròn rã vang lên khắp các nẻo gần xa thay cho tiếng pháo giao thừa truyền thống.

Đúng như thế, không khí chết chóc, sợ hãi, hoảng loạn đã thế chỗ cho uy nghiêm, tĩnh lặng, bình an. Cộng Sản Bắc Việt đã lợi dụng những ngày giờ ngưng bắn để bí mật chuyển quân. Tiếp cận những nơi đồn trú xung yếu và quan trọng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa với sự tiếp tay của Cộng Sản nằm vùng. Để rồi ngay trong những giây phút giao thừa truyền thống thiêng liêng, Hà Nội đã đơn phương phá vỡ thỏa thuận hưu chiến mà họ đã cam kết. Chúng bất ngờ và đồng loạt mở cuộc tổng tấn công trên khắp lãnh thổ miền Nam mà Huế được xem là một trọng điểm phải chiếm cho bằng được.

Tuy nhiên, sau 25 ngày đêm chiếm đóng, quân đội chính quy của Bắc Việt đã hoàn toàn bị lực lượng Tổng Trừ Bị Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến, Sư Đoàn I Bộ Binh và quân đội đồng minh Hoa Kỳ đẩy lui khỏi Thành Nội, đánh bật khỏi Thành phố Huế và các quận xã thuộc tỉnh Thừa Thiên. Nỗ lực của cái gọi là “giải phóng” Thừa Thiên Huế của Cộng Sản đã để lại hàng ngàn vành khăn tang cho những thiếu phụ, mẹ già và con trẻ. Những người có chồng, con, cha đã nằm xuống không phải vì chiến trận mà vì đã bị họ bắt đi học tập, và không bao giờ có cơ hội trở về.

Hơn một năm sau, vào khoảng Tháng Ba năm 1969 nhờ vào lời khai của những cán binh Cộng Sản hồi chánh; chính quyền và người dân Huế mới lần lượt tìm kiếm, khám phá và đào bới ồ ạt ở Gia Hội, Bãi Dâu, Xuân Ổ, Xuân Đợi, Phú Vang, Phú Thứ, Đồng Di, khe Đá Mài,… những mồ chôn tập thể…


Cải táng các thi hài khai quật trong các hố chôn tập thể sau trận Tết Mậu Thân. (Hình: Wikipedia)

Những người chết được tìm thấy ở các nấm mồ tập thể này với đủ tư thế: nằm ngồi quỳ đứng. Họ đã bị bắn, bị đập đầu bằng cuốc, bị chôn sống và bị buộc chặt lấy nhau bằng kẽm gai, dây điện thoại, và cả lạt tre thành từng chùm từ 3, 5 đến 10 người.

Huế đã trải qua những ngày dài lê thê sống trong hãi hùng lo sợ và bây giờ là nước mắt và nước mắt: Nước mắt trên gò má khô nhăn của những người mẹ già còm cõi ngóng trông, trên đôi mắt quầng thâm, thất thần của những người vợ trẻ đã tận cùng của chịu đựng khổ đau, trên những đứa trẻ thơ bỗng dưng ngây dại vì chờ đợi cha về! Ôi có nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau của người dân xứ Huế!…

Theo thống kê từ lời khai của những gia đình có người thân mất tích và của Ủy Ban Truy Tầm và Cải Táng Nạn Nhân: đã có hơn 6,000 người bị chết trong biến cố Tết Mậu Thân chỉ tính riêng ở Huế. Đấy là một tội ác có một không hai trong lịch sử Việt Nam! Tội ác rùng rợn, dã man chỉ có thể xảy ra từ thời Trung cổ!

Sau 40 năm đất nước đã thống nhất chưa có lãnh đạo nào của chính quyền Cộng Sản lên tiếng nhận lấy trách nhiệm. Không những không nhận lấy trách nhiệm, Hà Nội còn cố tình vu vạ, đổ tội cho quân đội Hoa Kỳ và QLVNCH đã sát hại những nạn nhân này trong chiến dịch phản công rồi vùi chôn tập thể.

Thật là trơ trẽn và ghê tởm!

Và để xoá đi dấu vết của tội ác này; sau ngày cưỡng chiếm Miền Nam, Hà Nội đã cho phá bỏ những tấm bia tội ác ở nghĩa trang Ba Đồn, xã Thủy Phước gần núi Ngự Bình. Nghĩa trang Ba Tầng ở Núi Bân làng Đình Môn, Kim Ngọc thuộc quận Nam Hòa: Những nơi đã cải táng hàng ngàn bộ hài cốt mà thân nhân không còn nhận dạng được.

Hà Nội còn trâng tráo, trơ trẽn hơn khi vào những năm 1998 tại Hà Nội, 2008 tại Sài Gòn, và 2013 tại Huế đã cho tổ chức cái gọi là kỷ niệm chiến thắng lịch sử của chiến dịch Tổng Tấn Công Tết Mậu Thân như là thành tựu đỉnh cao trong nghệ thuật quân sự do đảng Cộng Sản Việt Nam lãnh đạo. Chỉ có những con người vô luân và chủ nghĩa phi nhân mới xem việc tàn sát đồng loại, tay không, là chiến công oanh liệt! Tất cả những hành động này của Hà Nội là nhằm viết lại lịch sử để đánh tráo khái niệm thiện ác, đúng sai, chính nghĩa và phi chính nghĩa để đánh lạc hướng các thế hệ mai sau.

Hôm nay chúng ta, những người Việt tị nạn hải ngoại, trong niềm vui thiêng liêng của ngày đầu năm mới, cùng hướng về tổ quốc để nhớ đến cội nguồn. Chúng ta không quên những người đã nằm xuống để chúng ta còn được sống hôm nay. Đó là những chiến sĩ, những cán bộ, công chức, những người đã bảo vệ và phục vụ đất nước. Những người mẹ, người vợ chiến sĩ, các bạn trẻ sinh viên học sinh đã chọn thể chế tự do, dân chủ làm lẽ sống mà phải chết dưới bàn tay Cộng Sản vào những ngày tưởng chừng là bình yên, thiêng liêng và hạnh phúc nhất trong năm. Họ đã chết vì quê hương và vì lý tưởng tự do! Trong bốn câu thơ sau đây, tôi xin mượn hai câu thơ của nhà thơ Trần Trung Đạo mà tôi vô cùng tâm đắc như là chân lý ngàn đời để tưởng nhớ những nạn nhân Tết Mậu Thân ở Huế.

Anh linh người hỡi về đây chứng,
Lịch sử bao giờ có bất công?
“Những ai đã chết vì sông núi,
Sẽ sống muôn đời với núi sông.”


Tôi xin dùng những lời đầu năm này như là nén hương, những giọt nước mắt để khóc thương và tưởng nhớ các bạn. Xin kính cẩn và chân thành cầu chúc anh linh những người đã mất được yên nghỉ. Cầu chúc vận hội tốt đẹp sẽ đến với những nhà đấu tranh dân chủ để nhân dân Việt Nam sớm hưởng được không khí tự do!


(Ngô Đắc Hòa)