Cựu Thủ tướng VN Phan Văn Khải lâm trọng bệnh






Ông Khải xây dựng hình ảnh của mình như là một nhà cải cách kinh tế

Cựu Thủ tướng Việt Nam Phan Văn Khải lâm bệnh nặng và hiện được điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM.

Truyền thông Việt Nam cho hay ông Khải trở bệnh nặng trước Tết. Ông được chuyển về bệnh viện Chợ Rẫy tối 21/2. Trước đó ông có thời gian trị bệnh ở nước ngoài.

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải sinh ngày 25/12/1933 tại Củ Chi, TP.HCM, theo các tài liệu chính thức.

Ông vào Đảng năm 26 tuổi.

Ông từng làm Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Phó Thủ tướng.

Ông được bầu làm Thủ tướng lần đầu năm 1997 tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá 10, và được trúng cử Thủ tướng lần hai năm 2002 tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá 11.

Ông từ nhiệm năm 2006.

Trong bài phát biểu từ nhiệm, cựu Thủ tướng Phan Văn Khải nói: "Tôi hết sức day dứt trước tệ nạn quan liêu, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực, đục khoét của công. Về những vụ đục khoét của công đã phát hiện thời gian gần đây, cùng với trách nhiệm trực tiếp của chủ đầu tư, còn có khuyết điểm và trách nhiệm của Chính phủ và của cá nhân tôi là người đứng đầu."

Nhà cải cách kinh tế



Cựu Thủ tướng VN Phan Văn Khải (trái), Thượng nghị sỹ Mỹ Edward M. Kennedy và Bộ trưởng Tài chính VN Nguyễn Sinh Hùng năm 2005

Cựu Thủ tướng Phan Văn Khải là người đưa tổ chuyên gia tư vấn về cải cách kinh tế và hành chính, do cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt thành lập, lên thành Ban nghiên cứu về kinh tế đối ngoại của Thủ tướng Chính phủ.

Kế nhiệm cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt vào giai đoạn kinh tế châu Á khủng hoảng, ông Khải được xem là người đã có vai trò quan trọng đưa Việt Nam vượt qua khó khăn. Trong gần chín năm ông Khải ở cương vị Thủ tướng, Việt Nam đạt tăng trưởng GDP trung bình 7%.

Tờ Washington Post từng có bài phỏng vấn ông Khải nhân chuyến thăm Mỹ năm 2005. Đây được coi là lần đầu tiên một thủ tướng Việt Nam thăm Mỹ trong vòng 30 năm trước, tính đến 2005.

Khi được hỏi tại sao không gian cho tự do về chính trị ở Việt Nam không được cải thiện nhanh như cải cách kinh tế, ông Khải nói:

"Bạn có biết tại sao chúng tôi đạt được thành công lớn trong cải cách kinh tế? Cải cách chính trị chính là tiền đề cho cải cách kinh tế."

"Trong quá khứ, Việt Nam theo đuổi nền kinh tế kế hoạch tập trung. Sau đó, các cơ chế mới đã được áp dụng với nền kinh tế thị trường ở Việt Nam. Đó không phải là cải cách kinh tế thuần túy, đó hẳn phải là một quyết định quan trọng về chính sách trong bối cảnh cải cách chính trị."

Tờ New York Times bình luận chương trình nghị sự của ông Khải ở Hoa Kỳ thời điểm đó, chỉ ra 'rõ ràng' ông Khải 'muốn Việt Nam nhanh chóng được phê chuẩn để gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới."

"Ông Khải xây dựng hình ảnh của mình như là một nhà cải cách kinh tế", bài báo trên New York Times viết.

Bàn về dân chủ và nhân quyền



Cựu Thủ tướng VN Phan Văn Khải (giữa) trong chuyến thăm Hoa Kỳ năm 2005

Cựu Thủ tướng Phan Văn Khải cũng bàn về dân chủ trong bài phỏng vấn với Washington Post.

Ông Phan Văn Khải nói:

"Bạn có thể thấy nền dân chủ đã được thúc đẩy và cải thiện ở Việt Nam. Trong quá khứ, nền kinh tế Việt Nam chỉ gồm hai lĩnh vực, nhà nước và hợp tác xã. Và bây giờ nhiều ngành kinh tế khác đã được thành lập và tất cả người dân Việt Nam được phép phát triển kinh doanh trong các lĩnh vực khác nhau."

"Tôi muốn nhấn mạnh rằng tự do và dân chủ là mục tiêu cuối cùng trong công cuộc cải cách của chúng tôi và được nêu trong hiến pháp."

Về vấn đề nhân quyền, ông Khải nói 'mục tiêu cuối cùng của Việt Nam và Mỹ 'là như nhau' dù khác nhau về 'nguồn gốc lịch sử', 'chế độ chính trị', và 'điều kiện kinh tế.

"Ở Việt Nam, người dân có quyền lực cao nhất để xác định số phận của đất nước họ", ông Khải nói trên báo Washington Post.

"Một số người có thể cho rằng Việt Nam không có tự do dân chủ và chỉ có hệ thống độc đảng. Nhưng bạn biết đấy, mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là duy trì ổn định chính trị và phục vụ lợi ích của người dân."

"Trong suốt 70 năm qua, đảng đã nỗ lực hết mình để mang lại lợi ích cho người dân, điều này đã được toàn dân công nhận."

"Tại Việt Nam, không cần nhiều hơn một đảng vì người dân Việt Nam vẫn có sự tin tưởng vào đảng," ông Khải nói.

Phản ứng trên Facebook



BBC
22-2-2018