Người Việt trẻ tôn vinh vật chất, quay lưng với giá trị đạo đức: Lỗi tại truyền thông?






Ảnh trên Instagram của nhóm RichKidsofVietnam
Rich Kids of Vietnam

Thảo Linh, 27 tuổi, là biên tập viên, người dẫn chương trình của một cơ quan truyền thông lớn tại Việt Nam. Dù trẻ, đẹp nhưng cô lại thiếu sự duyên dáng, thông minh cần có của một người dẫn chương trình trên sóng truyền hình quốc gia thế nên các chương trình có sự xuất hiện của cô, khán giả thường không mấy mặn mà. Vì vậy mà thu nhập của cô cũng chỉ ở mức tương đối do ít được giao dẫn những chương trình quan trọng hay nhận được lời mời hợp tác từ các công ty bên ngoài.

Bạn bè của Linh cho biết cô vừa mới ly hôn, để lại đứa con gái 3 tuổi cho chồng nuôi, còn cô thì không chỉ đẹp rực rỡ mà còn giàu có nhanh chóng tới mức khó hiểu. Linh sở hữu một chiếc xe hơi nhập khẩu của Đức thuộc đời mới nhất với giá bán tại Việt Nam lên tới năm bảy tỉ đồng để làm phương tiện đi lại hàng ngày. Bên cạnh đó là hàng chục chiếc túi xách hàng hiệu, hàng chục đôi giày, đồng hồ và váy áo đồ hiệu của Italy mà có lẽ nhiều nhân viên văn phòng tại Mỹ cũng khó mà mua được. Thảo Linh hiện cũng sở hữu một căn hộ chung cư cao cấp tại Times City, một trong những khu đô thị đắt đỏ nhất Việt Nam với giá thành mỗi căn lên tới từ vài trăm ngàn cho tới cả triệu đô la.


Không lao động, không có công việc cụ thể, đi xe đẹp, dùng hàng hiệu, thời trang cao cấp… không hiểu nguồn tiền này họ lấy ở đâu ra - chị Minh An, cư dân Times City

Thế nhưng, những trường hợp như Thảo Linh ở khu đô thị này lại hoàn toàn không phải là chuyện hiếm. Trong số những cư dân đang sinh sống tại đây, chủ nhân của rất nhiều căn hộ đắt tiền lại là những cô gái tuổi đời còn rất trẻ, phần lớn công việc không ổn định nhưng điều kiện sống lại là niềm mơ ước của hàng triệu viên chức, trí thức hiện nay, những người cho dù có cống hiến cả cuộc đời cũng khó có thể có được một cuộc sống vật chất đầy đủ và xa hoa như vậy. Chị Minh An, một cư dân ở đây cho biết:

“Không lao động, không có công việc cụ thể, đi xe đẹp, dùng hàng hiệu, thời trang cao cấp… không hiểu nguồn tiền này họ lấy ở đâu ra? Việc không lao động mà lại được hưởng thụ cuộc sống cao cấp như vậy nó là vấn nạn của xã hội hiện nay mà giới trẻ đang có xu hướng như thế. Họ không tạo ra giá trị lao động mà chỉ sống dựa trên đồng tiền của những người mà họ quan hệ xã hội, và mối quan hệ này là mối quan hệ không được chính tắc. Mình thì cũng không dám đánh giá người ta là người tốt hay người xấu nhưng tình hình xã hội chung bây giờ là như vậy”


Trong thực tế, lối sống chạy theo vật chất đang là một trào lưu trong xã hội khi mà truy cập các trang báo mạng, những tin bài có số lượng người đọc cao nhất, tương tác nhiều nhất là các chủ đề liên quan đến giới showbiz hay các doanh nhân thành đạt. Chẳng thế mà fanpage của các ngôi sao ca nhạc như Hồ Ngọc Hà, Sơn Tùng MTP, Đàm Vĩnh Hưng, những chân dài như Ngọc Trinh, Thanh Hằng, Phạm Hương… có số lượng theo dõi lên tới cả vài triệu người.

Ngoài ra, những cô chiêu cậu ấm con của các đại gia bất động sản, chứng khoán hay con cháu của các vị quan chức lãnh đạo cao cấp cũng được một bộ phận không nhỏ trong giới trẻ coi là biểu tượng của sự thành đạt và đẳng cấp. Cách đây không lâu, instagram của nhóm những cô chiêu cậu ấm với tên gọi Hội con nhà giàu Việt nổi lên như một hiện tượng mạng hội và thu hút được hàng chục ngàn lượng theo dõi. Lối sống xa hoa cùng thú tiêu tiền như nước vào các món đồ dùng hàng hiệu của những cậu ấm cô chiêu này khiến ngay cả nhiều tờ báo lớn tại nước ngoài như Business Insider, Daily Mail, Independent, The Sun... cũng thấy “tò mò”. Vậy mà nhóm người giàu này lại là thần tượng của một bộ phận không nhỏ trong giới trẻ. Họ tìm cách cập nhật thông tin mỗi ngày về từng thành viên nhóm con nhà giàu này, thay vì dành sự quan tâm tìm hiểu về các nhà khoa học, những nghệ sỹ hay những nhân vật có nhiều đóng góp cho xã hội. Rất nhiều người trẻ không còn quan tâm đến một tác phẩm văn học nào vừa được xuất bản, một nghệ sĩ điêu khắc nào vừa được trao giải thưởng quốc tế hay những sự việc đang diễn ra có ảnh hưởng trực tiếp đến quốc kế dân sinh hiện nay.

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà, người có điều kiện tiếp xúc với nhiều bạn trẻ cho biết:

“Họ không đủ nhẫn nại, quyết tâm và phụ thuộc vào các hệ thống công nghệ thông tin, máy móc xung quanh họ, họ sống ảo nhiều hơn và coi sự học hành chăm chỉ là sự đáng nực cười. Thậm chí có một lớp người trẻ, ví dụ những cô gái chẳng hạn, họ nghĩ rằng chỉ cần chăm chút sắc đẹp, thân thể rồi những thứ trang sức là đã có thể tự tin bước ra ngoài đời với nụ cười trên môi và họ có thể gặp được những nhân vật có địa vị xã hội cao hơn họ và như thế họ có thể đổi đời”

Trao đổi với đài RFA về vấn đề này, một phụ huynh và cũng là một nhà báo giấu tên cho biết không phải ai cũng có thể trở thành ca sĩ, diễn viên, người mẫu hay doanh nhân. Thế hệ trẻ hiện nay thay vì làm những công việc hết sức bình thường lại mong muốn được sống cuộc sống của những người thành đạt mà không biết thực chất mình có khả năng hay không. Nguyên nhân là do họ chưa hiểu được vấn đề nhưng hàng ngày lại tiếp xúc với quá nhiều những thông tin về cuộc sống hào nhoáng, dẫn đến việc trong tâm trí họ sẽ hình thành mong muốn cũng sẽ được hưởng thụ cuộc sống tương tự. Và nếu như có điều kiện, họ có thể dễ dàng làm những việc không chính đáng để đạt được cuộc sống nhàn hạ sung sướng thay vì nỗ lực lao động như một người lao động chân chính và có ý thức đóng góp cho xã hội.


Những người làm nên mạch nguồn của văn hoá hiện đại thì các nhà báo trẻ đó bỏ qua, chưa nói đến bao nhiêu nhà văn hoá, xã hội học, nghệ sỹ khác - nhà văn Võ Thị Xuân Hà

“Nó làm cho thế hệ trẻ mất đi ý chí phấn đấu mà chỉ nghĩ đến cuộc sống hào nhoáng mà có thể không có thật trong cuộc sống. Vì khi đã lên báo chí hay các trang báo mạng thì nó đã được đánh bóng đi rồi. Mà cứ hàng ngày tiếp xúc thì nó phải ảnh hưởng trực tiếp đến lối sống, suy nghĩ, hành động của con trẻ rồi. Tôi cảm thấy thật sự lo lắng và thật sự tôi không muốn con tôi tiếp xúc với báo chí dạng như thế”

Không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp tới độc giả, ngay cả những người làm truyền thông, những nhà báo trẻ giờ đây nhận thức cũng có nhiều khác biệt so với thế hệ đi trước. Nhà văn Võ Thị Xuân Hà chia sẻ nỗi buồn của một nhà văn nói riêng và một người lao động nghệ thuật chân chính nói chung:

“Tôi có tiếp một số bạn sinh viên năm thứ 2 khoa báo chí, khi hỏi cháu có biết nhà văn này, nhà văn kia không thì đều lắc đầu không biết. Những người làm nên mạch nguồn của văn hoá hiện đại thì các nhà báo trẻ đó bỏ qua, chưa nói đến bao nhiêu nhà văn hoá, xã hội học, nghệ sỹ khác… các bạn đó không quan tâm mà ra trường các bạn chỉ muốn “nhảy” vào những vị trí dễ kiếm tiền như vào ban kinh tế, vị trí tiếp xúc với các đại gia, những người mẫu chân dài, diễn viên nổi tiếng… các thứ đó trưng ra… chứ không hề quan tâm đến việc một bài báo mình viết ra sẽ có ảnh hưởng đến xã hội như thế nào?”


Tin người dân quan tâm thì họ không được phép đưa nên bắt buộc báo chí phải tìm cách đưa tin về người mẫu khoe thân, ca sỹ mắc nợ… để thu hút sự quan tâm của công chúng - một nhà báo giấu tên

Trước câu hỏi vì sao truyền thông trong nước lại ưu tiên đăng tải những thông tin mang tính giải trí thay vì nêu lên những vấn đề gây bức xúc trong cuộc sống, nhà báo trên cho biết:

“Bản thân tôi là một nhà báo ở trong nước thì tôi hiểu, báo chí trong nước khi đề cập đến vấn đề này, họ cũng ở trong tình trạng bị bó buộc. Bởi vì những vấn đề liên quan đến quốc kế dân sinh, những vấn đề liên quan đến chính trị xã hội quan trọng của đất nước như đề xuất tăng thuế, xây nghĩa trang 1400 tỷ hay thảm hoạ môi trường Formosa trước đây thì tất cả các cơ quan báo chí trong nước đều bị cấm đưa tin và không được phép đưa tin, nói, phân tích cũng như bình luận về những vấn đề này. Tin người dân quan tâm thì họ không được phép đưa nên bắt buộc báo chí phải tìm cách đưa tin về người mẫu khoe thân, ca sỹ mắc nợ… để thu hút sự quan tâm của công chúng”

Trên thực tế, Việt Nam hiện nay có 982 cơ quan báo và tạp chí được Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam cấp phép hoạt động, thế nhưng có một điều mà ai cũng nhận thấy, “vị” tổng biên tập duy nhất kiểm soát mọi nội dung thông tin của tất cả các cơ quan báo chí này chính là Ban tư tưởng văn hoá Trung ương.

Quay trở lại câu chuyện của Thảo Linh, dù cô không tiết lộ về lý do chấm dứt cuộc hôn nhân nhưng qua bạn bè, tôi biết được Thảo Linh bỏ lại đứa con gái nhỏ hoàn toàn cho người chồng cũ, thậm chí cả tháng trời không hề gặp con để còn dành thời gian cho những mối quan hệ xã hội, mà theo nhiều người, đã mang lại cho cô cuộc sống sung túc cũng như một vị trí công việc đáng mơ ước như hiện nay.


RFA