Về vụ Bộ trưởng Nhạ bị tố cáo 'đạo văn'







Bộ trưởng Giáo dục-Đào tạo Phùng Xuân Nhạ

Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng từ Pháp nói ông sẽ đưa cáo buộc Bộ trưởng Giáo dục - Đào tạo Việt Nam, Phùng Xuân Nhạ 'đạo văn' lên Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Tuy vậy, một giảng viên ở Hà Nội cho rằng động thái này "không hợp lý, vì là chuyện chuyên môn, không nên đưa chính trị vào".

Còn một ủy viên Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước Việt Nam bác bỏ cáo buộc "tự đạo văn" và "thiếu trình độ" đối với Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ.

Tin cho hay, trước đó, ông Nguyễn Tiến Dũng, giáo sư có quốc tịch Pháp từ Đại học Toulouse, đã gửi bản báo cáo dài 10 trang cáo buộc "sự giả khoa học" cũng như "thiếu cả về đạo đức và trình độ" của Bộ trưởng Nhạ đến Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước của Việt Nam.

Trong bản báo cáo, ông Dũng nêu chi tiết về các hành vi "tự đạo văn, trích dẫn khống, thiếu trình độ tiếng Anh, hời hợt thiếu khoa học, tạp chí giả khoa học" liên quan đến các bài báo khoa học của ông Nhạ.

Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng cũng đặt câu hỏi về việc "Hội đồng Chức danh Giáo sư có bị thao túng?"

Một khi đã xác định được ông Nhạ là nhà khoa học giả thì không nên để ông ấy tiếp tục giữ chức vụ lãnh đạo giáo dục-khoa học được vì sẽ làm cho Việt Nam thành trò cười cho thế giới.
giáo sư Nguyễn Tiến Dũng

Ông Dũng cũng công khai diễn biến của vụ việc trên trang Facebook cá nhân.

'Không xứng đáng'
Trả lời BBC hôm 28/2, Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng nói: "Tôi vẫn đang chờ phản hồi của Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước về vụ việc."

"Còn nếu họ không trả lời thì tôi sẽ đưa vụ việc lên Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc."

"Tôi hình dung là ông Nhạ sẽ không thể làm chìm xuồng được vụ này."

"Bắt một người tự nhận lỗi thì cũng khó vì người ta có sĩ diện, thể diện."

"Nhưng tôi tin là vụ việc sẽ được giải quyết dù ông Nhạ có nhận lỗi hay không."

"Vấn đề của ông Nhạ là nhờ những chức danh không xứng đáng mà ông ấy lên chức danh bộ trưởng."

"Nếu sự vụ này không được làm rõ thì có thể ông Nhạ còn leo lên những chức cao hơn."

"Đã có nhiều lời đồn không hay về ông Nhạ từ trước nên tôi muốn làm sáng tỏ."

"Và một khi đã xác định được ông Nhạ là nhà khoa học giả thì không nên để ông ấy tiếp tục giữ chức vụ lãnh đạo giáo dục-khoa học được vì sẽ làm cho Việt Nam thành trò cười cho thế giới."

Giáo sư Dũng nói thêm: "Khi đưa vụ việc ra ánh sáng, tôi đã gặp một số rắc rối. Đó là tài khoản Facebook và máy tính của tôi bị tấn công, có người mạo danh tôi trên mạng xã hội, người thân ở Việt Nam nhận được những lời đe dọa."



Giáo sư gốc Việt Nguyễn Tiến Dũng công tác tại Đại học Toulouse, Pháp

'Gióng lên hồi chuông'

Cùng ngày 28/2, tiến sĩ Nguyễn Hoàng Ánh, giảng viên đại học Ngoại thương ở Hà Nội, nói với BBC: "Theo tôi, việc ông Dũng đưa vụ việc ông Nhạ lên ông Trọng và ông Phúc thì không hay."

"Vì là chuyện chuyên môn, không nên đưa chính trị vào."

Quan điểm của tôi là không muốn tấn công cá nhân. Tôi nghĩ rằng ông Nhạ chỉ là một trong số rất nhiều người vi phạm. Chẳng may ông ấy là bộ trưởng nên ông ấy bị moi ra thôi chứ những người khác cũng vi phạm đầy mà có bị sao đâu.
bà Nguyễn Hoàng Ánh, giảng viên ở Hà Nội
"Nếu ông Dũng muốn thì đưa vụ việc của một bộ trưởng lên chủ tịch nước thôi, chứ đưa lên cấp Đảng làm gì."

Bà Nguyễn Hoàng Ánh nói thêm:

"Tôi cũng nhìn vụ lên tiếng của ông Dũng giống như một nhiệm vụ bất khả, vì lâu nay những vụ như thế này người bị cáo buộc không bao giờ phản hồi cả."

"Về vụ này, ông Nhạ có phát biểu gì thì cũng là bất lợi cho ông ấy."

"Việt Nam không có quy định về đạo đức nghiên cứu nên họ [những người có bài báo khoa học bị đặt vấn đề] không sao."

"Quan điểm của tôi là không muốn tấn công cá nhân. Tôi nghĩ rằng ông Nhạ chỉ là một trong số rất nhiều người vi phạm."

"Chẳng may ông ấy là bộ trưởng nên ông ấy bị moi ra thôi chứ những người khác cũng vi phạm đầy mà có bị sao đâu."

"Tấn công mình ông Nhạ cũng có phần bất công."

"Tuy nhiên, tôi không phản đối vấn đề ông Dũng nêu ra vì ông ấy không có trách nhiệm rà soát, ông ấy tìm được ai thì chứng minh người đó thôi."

"Nhưng nếu nói chỉ mình ông Nhạ sai thì vô lý."

"Tôi muốn cảm ơn ông Dũng vì gióng lên hồi chuông về tình trạng đạo đức nghiên cứu. Đây là ví dụ để những người soạn thảo quy chế học hàm phải học hỏi thêm."

Một giáo sư khác ủng hộ ông Nhạ

Hôm 01 tháng 3/2018, một Ủy viên Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước Việt Nam bác bỏ cáo buộc "tự đạo văn" và "thiếu trình độ" đối với Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ.

Ông Vũ Minh Giang nói về Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ
Trả lời BBC Tiếng Việt qua điện thoại từ Hà Nội, Giáo sư Vũ Minh Giang nói ông không đồng tình với tố cáo của Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng.

Ông Vũ Minh Giang, ở cương vị Ủy viên Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước Việt Nam, cũng là Chủ tịch Hội đồng Hội đồng Chức danh giáo sư liên ngành Sử học - Khảo cổ học - Dân tộc học nhiệm kỳ 2014-2019, là người đầu tiên nêu quan điểm tương đối chính thức về vụ việc trên truyền thông - qua cuộc phỏng vấn của BBC về vụ liên quan đến ông Phùng Xuân Nhạ:

"Theo quy chế hiện hành của Việt Nam, tổng số điểm của ông Phùng Xuân Nhạ khá cao, gấp mấy lần tiêu chuẩn cho một giáo sư."

"Nếu nói là không đạt tiêu chuẩn, thì thiếu căn cứ."

Trong một diễn biến khác, báo Người Lao Động đã gỡ link bài "Nói thẳng: Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nên lên tiếng" sau khi đăng ít giờ hôm 26/2.

Cùng thời gian cũng có các bài trên báo Việt Nam nói gián tiếp về chủ đề con số được phong giáo sư, phó giáo sư tăng lên nhiều trong năm 2017.

Đầu tháng 2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phải yêu cầu rà soát lại danh sách ứng viên đạt tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư năm 2017 để xem có tiêu cực hay không.

Điều này khiến trong dư luận có ý kiến, như của TS Vũ Thị Phương Anh, từ TPHCM, nói nhiều người 'không phục' về cách thức xét duyệt phong các chức danh giảng dạy giáo sư, phó giáo sư ở Việt Nam những năm qua.



BBC
1-3-2018