Con sông ô nhiễm nhất thế giới nuôi sống 28 triệu dân Indonesia



Hơn 1.000 nhà máy xả nước thải độc hại xuống dòng nước đã khiến sông Citarum, nguồn sống của khoảng 28 triệu dân ở Tây Java, Indonesia, bị ô nhiễm nặng nề.
Sông Citarum mùa nước nổi. Con sông là nguồn nước tưới của những đồng ruộng bậc thang ở Tây Java, đồng thời là nguồn nước sinh hoạt của hàng chục triệu người Indonesia. Tuy nhiên, Citarum nay được mệnh danh là con sông ô nhiễm nhất thế giới khi nước thải công nghiệp từ các nhà máy, nước thải sinh hoạt của người dân cùng rác rưởi đổ ra con sông này kéo dài tới 300 km. Ảnh: Reuters.
Xác một con dê chết cùng rác rưởi trôi nổi trên lòng sông xuôi về phía hạ nguồn. "Nước sông như thể là nó vốn được trộn lẫn với rác thải, đôi khi lại bốc mùi thuốc sát trùng nồng nặc", Nurhayati, cư dân tại thị trấn Majalaya, cho biết. Ảnh: Reuters.
Nước thải tại một nhà máy dệt trước khi được đổ ra một con kênh và chảy thẳng vào sông Citarum. Theo ước tính, hơn 1.000 nhà máy dọc sông Citarum hàng ngày xả thải vào dòng nước. "Nước nhuộm vải chảy thẳng vào sông Citarum. Đôi khi chúng có màu trắng, đôi khi thì màu đen, vàng, đỏ và xanh", Arif Havas Oegroseno, thứ trưởng bộ Các vấn đề Đường thủy Indonesia, nói với Reuters. Ảnh: Reuters.
Con sông có một màu nâu nhợt nhạt với đủ loại chất hóa học và rác rưởi. Tại một số khu vực, trẻ con chơi đùa ngay bên dòng sông ô nhiễm. Nhiều phần của bờ sông trở thành bãi rác bốc mùi hôi thối. Ảnh: Reuters.
Người dân sống dọc sông Citarum dùng nước ô nhiễm của con sông để giặt quần áo. Có khoảng 28 triệu người sống dựa vào nguồn nước của sông Citarum. Nước từ con sông này cung cấp trực tiếp cho thủ đô Jakarta, cung cấp nước tưới cho 400.000 ha đất nông nghiệp, cung cấp nước cho các trang trại thủy sản cũng như các công trình thủy điện. Ảnh: Reuters.

Nông dân Indonesia gieo mạ với nước lấy trực tiếp từ sông Citarum. Nurhayati, một cư dân ở thị trấn Majalaya, cho biết từ nhỏ đã chơi đùa bên dòng nước sông Citarum. Cô và gia đình vẫn dùng nước sông để tắm, giặt và nấu ăn dù nay con sông ô nhiễm nặng vì các nhà máy. "Tôi lo lắng lắm, nhưng tôi không thể làm gì khác. Chẳng có nguồn nước nào thay thế cả", Nurhayati nói. Các con cô hiện đều bị bệnh da liễu. Ảnh: Reuters.
Thời gian qua, hàng trăm binh sĩ được triển khai dọc bờ sông để thu dọn rác thải và thiêu hủy chúng. Điểm then chốt trong chiến dịch làm sạch con sông là giáo dục người dân và thắt chặt kiểm soát môi trường. Thứ trưởng Oegroseno tuyên bố chính phủ sẽ đóng cửa các nhà máy gây ô nhiễm và bắt họ bồi thường. "Chúng tôi đã cảnh báo họ (các nhà máy)", ông Oegroseno cho biết. Ảnh: Reuters.
Đây là nhà kho của một nhà máy dệt bên bờ sông Citarum. Tháng 5/2017, tòa án Indonesia đã tước giấy phép hoạt động của nhà máy Rancaekek ở ngoại ô thành phố Bandung với lý do gây ra ô nhiễm môi trường. "Chúng tôi phát hiện giấy phép xả nước thải được chính phủ cấp cho nhà máy từ năm này qua năm khác mà không cơ quan nào tiến hành đánh giá tác động môi trường", Ahmad Ashov, thành viên tổ chức cộng đồng Greenpeace, cho biết. Greenpeace ước tính thiệt hại do ô nhiễm mà nhà máy Rancaekek gây ra tương đương 831 triệu USD. Ảnh: Reuters.
Nhà hoạt động môi trường Deni Riswandani với hai mẫu nước so sánh: nước lấy ở đoạn sông Citarum không bị ô nhiễm (phải) và nước ở đoạn sông Citarum gần với các nhà máy (trái). Riswandani ước tính các nhà máy dọc sông Citarum thải khoảng 280 tấn chất thải hóa học xuống dòng nước mỗi ngày. Nhà hoạt động tin rằng các biện pháp kiểm soát chất thải phải được thắt chặt hơn nữa. Ảnh: Reuters.
Trước các chỉ trích, Giám đốc Cơ quan Môi trường Tây Java Anang Sudarna cho biết nhà chức trách đang nỗ lực giám sát và kiểm tra hoạt động của các nhà máy dọc con sông Citarum. Tuy nhiên, thiếu nguồn nhân lực và trang thiết bị yếu kém đang cản trở hoạt động bảo vệ môi trường của chính quyền. "Chúng tôi đang cố gắng giải quyết vấn đề này", ông Sudarna nói với Reuters. Ảnh: Reuters.
Nước từ sông Citarum chảy qua những cánh đồng ruộng bậc thang ở Tây Java, Indonesia. Chính quyền của Tổng thống Joko Widodo hiện đẩy mạnh chiến dịch làm sạch con sông Citarum. Tham vọng của Jakarta là tới năm 2025, nước sông có thể sử dụng để uống trực tiếp. Ảnh: Reuters.

Zing.vn