Những lá thư tay được viết trên chiếc bánh quy khô cứng của người lính Úc



Trong những năm tháng chiến tranh tại Úc, bánh quy ANZAC trở thành nổi tiếng đối với những người lính. Chúng không chỉ là nguồn thực phẩm chính cho họ, mà còn là thứ giúp họ có thể mang nỗi lòng của mình gửi đến cho những người thân.


Những người lính và thủy thủ đã quá quen thuộc với những mẩu bánh quy trong suốt chiều dài lịch sử. Những chiếc bánh quy quân đội có thể tồn tại rất lâu trong những chiến dịch hay hành trình mà không bị mốc hay hỏng (mặc dù giòi vẫn là một mối đe dọa).

Bánh quy là loại thực phẩm độc đáo trong khẩu phần ăn Liên quân Úc – New Zealand, thậm chí nhiều lúc nó được gọi là gạch ANZAC (hoặc bánh ANZAC). Nhưng những người lính không chỉ ăn: Một số người lính Úc đã viết thư trên những chiếc bánh và gửi về nhà.

Những chiếc bánh quy này không có hạn sử dụng, và Bảo tàng tưởng niệm chiến tranh Úc (AWM) ở Campbell, Úc có hẳn một bộ lá thư bánh quy như thế, rất nhiều trong số chúng đã trên 100 năm tuổi. “Bánh quy quân đội rất nổi tiếng về độ bền”, Nick Fletcher, Trưởng ban huy chương và công nghệ của AWM, chia sẻ.

Ông so sánh chúng với những phiến đất sét, nói rằng chúng thường sẽ được nhúng vào nước hoặc bẻ nhỏ vào canh rồi mới ăn. Làm từ bột mì, nước, đường và muối, những chiếc bánh quy này gần như không thể bị hỏng khi khô, khiến chúng có thể tồn tại trong thời gian dài và khi vận chuyển qua bưu điện.

Vì sao những người lính thời chiến lại viết thư trên bánh quy? Một số người dùng nó vì đôi khi họ cảm thấy thích làm như thế. Fletcher chia sẻ, những người lính thường gửi chúng về nhà như một trò đùa, giúp gia đình họ có thể hiểu được họ đang ăn cái gì.



Một “tấm thiệp” rực rỡ, cầu kì với những chi tiết bằng vỏ đạn. (Ảnh: Bảo tàng tưởng niệm chiến tranh Úc/REL/10747).

Nhưng đối với nhiều người lính khác, thật khó có thể tìm được thứ nào khác để viết thư ngoài những chiếc bánh quy. Fletcher nói rằng những người lính cũng dùng gỗ, bìa cứng và vải để viết thư vì giấy rất khan hiếm ngoài mặt trận.

Người gửi không tên của chiếc thiệp bánh quy ở trên đã dùng len, vỏ đạn và những mảnh dấy dán thành dòng chữ “SOLDIER, FRIEND, 1899, 1900, BOER WAR.” Một bức ảnh của người gửi với bộ râu hoành tráng có dòng chữ “MERRY XMAS” viết bằng bút chì ở bên cạnh.

Chiến tranh Boer thứ hai kết thúc năm 1902 đã sản sinh ra kha khá những chiếc thiệp bánh quy trong bộ sưu tập của bảo tàng. Nhưng Fletcher ước đoán rằng đa số những lá thư bánh quy bắt nguồn từ Chiến tranh thế giới thứ nhất xảy ra sau đó 12 năm.


Thậm chí có tin đồn rằng một số chiếc bánh quy còn sót lại từ Chiến tranh Boer đã được phân phát cho những người lính trong Chiến tranh thế giới thứ nhất. Trong giai đoạn cuối của Chiến tranh thế giới thứ nhất, sự nổi tiếng của bánh quy ANZAC vẫn còn, và những người lính vẫn dùng bánh quy để gửi thư về nhà kể cả khi giấy sẵn có. Fletcher tin điều đó đã trở thành thói quen của những người lính.



Chiếc bánh quy này là một tấm thiệp Giáng sinh được gửi bởi một người tên Christmas. (Ảnh: Bảo tàng tưởng niệm chiến tranh Úc/REL/00918).

Sự thiếu hụt giấy là một vấn đề đặc biệt nghiêm trọng đối với Liên quân Úc – New Zealand trong chiến dịch Gallipoli nổi tiếng tại vùng là Thổ Nhĩ Kĩ thời nay. Theo Fletcher, số giấy sẵn có “được sử dụng để làm giấy vệ sinh là ưu tiên hàng đầu và cấp bách nhất, sau đó mới dùng để viết thư”. Một số người lính đã chết bởi bệnh kiết lị và một số bệnh đường ruột khác vì thiếu vệ sinh.

Lá thư này được gửi từ Gallipoli vào năm 1915 bởi Cecil Robert Christmas, một thành viên của đội y tế. Hầu hết bề mặt lá thư được in dấu tem của nhà sản xuất. Ở cạnh đáy có dòng chữ “OLD FRIENDS ANZAC” (“những người bạn cũ ANZAC”) và mặt sau chiếc bánh có những dòng chữ chúc mừng Giáng sinh và năm mới.



Những lời nhắn gửi của Frank tới mẹ ông ấy vẫn tồn tại sau chiến tranh qua hơn 100 năm trên chiếc bánh quy này. (Ảnh: Bảo tàng tưởng niệm chiến tranh Úc/REL/00915).

Một số người lính gửi lá thư bánh quy khá may mắn. Tấm thiệp bánh quy này được gửi bởi Frank Lemmon, nhập cư Úc năm 1911, tới mẹ ông ấy ở Sussex, Anh (bố ông ấy là một người xấu số tên Orange Lemmon). Một mặt của chiếc bánh là địa chỉ ở Sussex, mặt còn lại có dòng chữ “FROM ANZAC, 1915, BEST WISHES FROM FRANK” (“Từ ANZAC, 1915, những lời chúc tốt lành nhất từ Frank”). Frank đã sống sót qua chiến dịch Gallipoli và một trận ốm dài để lên trung sĩ, và rồi cưới một cô gái Anh sau chiến tranh.

Một số người lính khác thì không may mắn như thế. Chiếc bánh quy này được ghi những dòng chữ vào phút đầu tiên của năm 1916 bởi David Colin Grumont, 18 tuổi. Lời nhắn gửi tới chị của anh ta là “TO CIS, WITH LOVE FROM COLIN” (“Tới Cis, bằng tất cả tình yêu từ Colin”).

Theo kiểu anh em trong nhà, Grumont ghi đè thêm dòng chữ “HAVE A BITE” (“Cắn một mẩu đi”) màu tím bên trên. Grumont đã gửi lá thư này khi đang được huấn luyện tại Úc. Năm 1917, anh ta bị đầu độc bằng khí ga trong một trận chiến và trong năm 1918, anh ta đã chết bởi một viên đạn pháo tại Pháp.



Tấm thiệp của Hanson vẽ cảnh ở Papua New Guinea. (Ảnh: Bảo tàng tưởng niệm chiến tranh Úc/REL/23942).

Những lá thư bánh quy có lẽ là thứ tươi đẹp duy nhất trong những cuộc chiến đen tối. Chiếc bánh quy đẹp đẽ vẽ cảnh đảo nhiệt đới này được gửi trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Nó được làm trong năm 1945 bởi một người lính trước đó là thợ sơn biển hiệu, Đội trưởng David Keith Hanson, và được gửi về nhà.

Một dòng chữ nhỏ ở đằng sau viết “GOOD LUCK TO YOU, FROM US AT ‘TOL’, WE’RE SENDING THIS, (WE’LL RISK IT). XMAS CARDS ARE VERY SCARCE SO WE WROTE IT ON A BISCUIT” (“Chúc bạn may mắn, chúng tôi ở ‘Tol’, chúng tôi gửi lời chúc này (chúng tôi sẽ liều mạng gửi).

Thiệp Giáng sinh rất hiếm, vì vậy chúng tôi dùng bánh quy để viết”). Đồn điền Tol ở Rabaul, Papua New Guinea là nơi mà lính Nhật đã thảm sát lính Úc. Hanson từng là thành viên của Đội mai táng chiến tranh Úc, nhận nhiệm vụ tìm và chôn cất 160 người lính Úc đã chết 3 năm trước.

Ngày nay, những chiếc bánh quy quân đội không còn đủ bền để có thể gửi thư nữa (có lẽ đó là một điều tốt). Nhưng nếu bạn có khao khát ăn thử gạch ANZAC hoặc gửi thư bằng bánh quy, Bảo tàng tưởng niệm chiến tranh Úc có công thức làm những chiếc bánh đó. Ngoài ra, bạn cũng có thể làm loại bánh quy ANZ.

Theo genk