Ấn Độ cấm người Tây Tạng kỷ niệm tại New Delhi ngày nổi dậy chống Trung Quốc





Một người Tây Tạng xé cờ Trung Quốc để phản đối, khi bị cảnh sát câu lưu trong một cuộc biểu tình phản kháng trước sứ quán Trung Quốc, New Delhi, 11/02/2013.
REUTERS/Mansi Thapliyal


Nhằm cải thiện quan hệ với Trung Quốc, đại diện chính quyền New Delhi, ngày hôm qua, 07/03/2018, cho biết là đã ra lệnh cấm người Tây Tạng, cùng với Đạt Lai Lạt Ma, tụ tập tại thủ đô Ấn Độ trong tháng Ba này, để kỷ niệm 60 năm ngày nổi dậy chống lại chính quyền Trung Quốc.

Đại diện bộ Ngoại Giao Ấn Độ giải thích với hãng tin Reuters : « Chúng tôi không muốn người Tây Tạng tổ chức tại New Delhi, cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc vì điều này sẽ gây ra nhiều căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc ».
Đại diện bộ Nội Vụ Ấn Độ cho biết rõ : « Những người ủng hộ Đạt Lai Lạt Ma có thể tổ chức các sự kiện, tổ chức biểu tình phản đối, nhưng chỉ ở Dharamsala ».

Năm 1950, chính quyền Cộng Sản Trung Quốc đã kiểm soát vùng Tây Tạng.

Năm 1958, người Tây Tạng đã nổi dậy chống lại sự chính quyền Bắc Kinh và năm 1959, quân đội Trung Quốc mở chiến dịch đàn áp.

Lãnh đạo tinh thần Tây Tạng Đạt Lai Lạt Ma phải chạy sang Ấn Độ tị nạn. Từ đó đến nay, Đạt Lai Lạt Ma, cũng như chính phủ Tây Tạng lưu vong, đóng đô ở Dharamsala, bang Himachal Pradesh, phía bắc Ấn Độ.
Chính quyền Bắc Kinh luôn luôn cáo buộc Đạt Lai Lạt Ma là phần tử ly khai nguy hiểm và gây áp lực, phản đối các quốc gia muốn đón tiếp ngài.

Còn tại Trung Quốc, theo tổ chức « Chiến Dịch Quốc Tế ủng hộ Tây Tạng – International Campagn for Tibet », hôm nay, có một người Tây Tạng đã tự thiêu ở A Bá (Ngawa), tỉnh Tứ Xuyên để phản chính quyền Bắc Kinh. Reuters chưa thể thẩm định thông tin này và chính quyền A Bá không trả lời câu hỏi của Reuters.

Về quan hệ Ấn Độ-Pháp, theo AFP, ngày mai, 09/03, tổng thống Pháp Emmanuel Macron lên đường công du Ấn Độ, nhằm thúc đẩy quan hệ song phương, đặc biệt trong các lĩnh vực năng lượng, quốc phòng và môi trường.



Minh Anh